BẢN TIN VALOMA THÁNG 3/2024

1. Sự kiện nổi bật

VALOMA lần đầu tiên tổ chức Chương trình tập huấn kiến thức logistics cho giảng viên cả 2 miền Bắc – Nam

Nằm trong chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo về logistics, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức lớp tập huấn kiến thức logistics cho các giảng viên trẻ, giảng viên mới chuyển ngành để giúp các học viên được bồi dưỡng, cập nhật, hệ thống hóa kiến thức về logistics. Lớp tập huấn được tổ chức đồng thời tại Hà Nội và TPHCM, với thành phần Ban giảng huấn gồm các giảng viên có kinh nghiệm, các chuyên gia đầu ngành và những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành logistics.

Hoạt động diễn ra từ ngày 28 đến hết ngày 30 tháng 3 năm 2024 tại hai điểm trường: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động diễn ra từ ngày 28 đến hết ngày 30 tháng 3 năm 2024 tại hai điểm trường: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia chương trình, các giảng viên sẽ được tìm hiểu về công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong logistics cùng một số vấn đề mới trong logistics (logistics với thương mại điện tử, logistics cho nông sản, logistics ngược, logistics đô thị, logistics xanh, v.v…), và một số vấn đề thực tiễn về hoạt động logistics tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tổ chức đi thực tế tại một doanh nghiệp / trung tâm logistics để từ đó các giảng viên được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, tầm nhìn toàn diện theo dòng xu hướng và sự biến động của logistics nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung trong tình hình thị trường hiện nay.

2. Hoạt động kết nối

Thư kêu gọi tham gia tình nguyện hiến máu “NHIỆT HUYẾT VALOMA”

Hiến máu tình nguyện là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện nét đẹp phẩm chất của mỗi cá nhân và tổ chức đồng thời góp phần tôn vinh truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Hiến máu tình nguyện giúp giảm bớt khó khăn do thiếu nguồn máu điều trị trong các bệnh viện hiện nay và đem đến cơ hội sống quý giá cho người bệnh.

Trải qua hơn hai năm thành lập, bên cạnh những hoạt động chuyên môn với nhiều ý nghĩa thiết thực, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã thực hiện thành công 5 đợt Hiến máu tình nguyện (tháng 10 năm 2021, tháng 4 và 11 năm 2022, tháng 5 và 10 năm 2023).

Trên tinh thần tiếp nối những thành công đó, Hiệp hội VALOMA tiếp tục kêu gọi các thầy cô, anh/chị hội viên tại các doanh nghiệp cùng các em sinh viên trong Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam cùng tham gia hưởng ứng Chương trình hiến máu tình nguyện của Hiệp hội mang tên “NHIỆT HUYẾT VALOMA” 2024.

Thời gian diễn ra sự kiện là vào hồi 8h00 đến 11h00 ngày 20 tháng 4 năm 2024 với hai điểm cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và tại Bệnh viện 175 (số 1 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Gò Vấp, TP.HCM).

Hiệp hội rất mong nhận được sự chia sẻ, tình nguyện hiến máu từ các thầy cô giáo, các anh/chị hội viên và các em sinh viên! Nếu có bất cứ thắc mắc nào, các thầy cô, anh/chị và các em sinh viên vui lòng liên hệ chị Trần Thị Hương SĐT: 0975541238 (Hà Nội) hoặc chị Đoàn Thị Ngọc SĐT: 0333065218 (TP.HCM)

Link đăng ký: https://tinyurl.com/valoma2024 Hoặc quét mã QR

3. Tin trong nước

Viettel Post mong muốn xây dựng trung tâm logistics lớn tại Bình Dương

Viettel Post là một trong những đơn vị chuyển phát nhanh hàng đầu tại Việt Nam, đóng góp một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà. Với mong muốn đổi mới sáng tạo cách thức cung cấp dịch vụ trên mọi vùng miền, vừa qua Đoàn lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã làm việc cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc xây dựng trung tâm logistics lớn tại địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Thanh – Tổng Giám đốc Viettel Post đã thông tin tổng quan về chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia theo hướng xanh, thông minh và hiệu quả. Mục tiêu của Viettel Post là tạo ra mạng lưới trung tâm logistics kết nối vùng miền nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp.

Dự kiến, Viettel Post sẽ thành lập 37 trung tâm logistics lớn trong toàn quốc. Riêng tại Bình Dương, đơn vị đề xuất thành lập trung tâm logistics nông nghiệp quốc tế bao gồm nhiều dịch vụ như: gian hàng trưng bày sản phẩm, kho bảo quản nông sản sau thu hoạch, thực hiện thủ tục thông quan, kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN.

Từ việc thành lập trung tâm này, các bên tham gia hướng tới việc mở rộng dịch vụ sang các lĩnh vực khác ngoài nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển thương mại xuyên biên giới. Như vậy, trong tương lai, đây sẽ là điểm tập kết nông sản cho bà con đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, góp phần giảm chi phí logistics, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu nông sản gặp khó khăn trong biến động chi phí logistics

Với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn được xem như hai khâu gắn kết chặt chẽ để nông sản Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy logistics đang chiếm chi phí lớn trong cấu thành giá thành sản phẩm nông sản. Điều này ăn mòn phần lợi nhuận nông sản mang lại cho người sản xuất và kinh doanh.

Theo thống kê từ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, hiện nay chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác.

Hai dự án kho bãi tại Việt Nam được doanh nghiệp Singapore mua lại

Với sự bùng nổ phát triển của thị trường logistics tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Mapletree Logistics Trust (MLT), quỹ đầu tư của Singapore chuyên về các dự án logistics, chuẩn bị mua lại 2 dự án kho bãi tại 2 trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam.

Theo thông tin từ MLT, quỹ này sẽ bỏ ra chi phí tổng cộng 234 triệu đô la Singapore (bao gồm nhiều loại chi phí) để mua lại 3 dự án nhà kho hạng A từ tập đoàn đầu tư và phát triển bất động sản Mapletree Investments của Singapore.

Trong đó bao gồm 1 dự án nhà kho Malaysia với giá mua là 158 triệu đô la Singapore và 2 dự án nhà kho Việt Nam (tại Bình Dương và Hưng Yên) với giá mua 68,4 triệu đô la Singapore, tương đương với gần 1,26 ngàn tỷ đồng. MLT không công bố giá mua cho từng dự án nhưng cho biết giá mua lại được giảm khoảng 3,2% (dự án ở Bình Dương) và 2,9% (dự án ở Hưng Yên) so với định giá độc lập mà cả quỹ lẫn công ty mẹ đã nhận được Tên cụ thể của hai dự án tại Việt Nam là Mapletree Logistics Park III nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore II và Hưng Yên Logistics Park I trong KCN Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Cả hai dự án đều nằm ở vị trí chiến lược tại các trung tâm logistics phục vụ các cơ sở tiêu dùng tại TP.HCM và Hà Nội.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sử dụng phương tiện đường hàng không ngay từ đầu, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T cho rằng logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đó là chưa kể các chi phí nhập trái cây, chiếu xạ… Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phụ thuộc hãng hàng không nước ngoài, giá cả nâng hạ tùy phía các hãng. Còn vận chuyển đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, sức cạnh tranh đã thấp lại càng thấp hơn.

Cũng trong thời gian này, theo thông tin mới nhất mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận được từ doanh nghiệp thủy sản cho thấy, trong vòng chưa tới 1 tháng cước vận tải biển đi các tuyến như Canada, Mỹ, châu Âu đều tăng từ 80%, thậm chí lên tới 300% so với tháng 12/2023 do câu chuyện tại vùng Biển Đỏ. Và các đường vận tải phải chuyển hướng khiến cho lộ trình dài hơn và thời gian lâu hơn, chi phí tăng lên.

Đứng trước tình hình đó, việc đa dạng trung tâm logistics không nên chỉ dừng lại ở tập trung một khu vực, một tỉnh thành, đồng thời việc nhanh chóng áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại trong logistics để cải thiện chi phí là vấn đề mà các chuyên gia đang đặt ra để giải quyết bài toán hiện nay.

MLT cho biết nguồn cung của kho bãi logistics hiện đại hạng A chiếm tỷ trọng chưa cao trong tổng nguồn cung tại Malaysia và Việt Nam, lần lượt chiếm 39% và 30% tính theo diện tích sàn. Việc MLT mua lại là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách thuê cũng như giúp định vị danh mục đầu tư của MTL để khai thác tốt tiềm năng mới xuất hiện tại châu Á.

Quỹ đầu tư từ Singapore cũng khẳng định việc các công ty đa quốc gia đang chọn những nước ở Đông Nam Á như Việt Nam làm địa điểm để đa dạng hóa chuỗi cung ứng làm nhu cầu bất động sản công nghiệp và logistics tăng lên.

Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam lần thứ 2 sắp diễn ra

Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ 2 (VILOG 2024) sẽ diễn ra từ ngày 1- 3/8/2024, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.

Được sự ủng hộ của Bộ Công thương, sự chỉ đạo tích cực từ Cục Xuất nhập khẩu, Triển lãm VILOG 2024 sẽ do VLA và VINEXAD đồng tổ chức, quy tụ các công ty logistics trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác, đồng thời trưng bày những công nghệ và xu hướng tiên tiến nhất trong lĩnh vực logistics.

Triển lãm sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm: Vận tải & Giao nhận; Thiết bị kho bãi; Chuỗi cung ứng lạnh; Thiết bị & Công nghệ đóng gói; Ứng dụng công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ liên quan.

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y – Dược sẽ được tổ chức đồng thời với VILOG 2024, dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 450 doanh nghiệp đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ban tổ chức cho biết VILOG 2023 đã thu hút 256 doanh nghiệp với 354 gian hàng đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 25.000 lượt khách tham quan. Đây chính là động lực để xây dựng VILOG 2024 với quy mô lớn hơn đáp ứng nhu cầu tham gia và kết nối của các doanh nghiệp, khẳng định Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam – VILOG là sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn và là điểm hẹn thường niên của các nhà chuyên môn và doanh nghiệp trong ngành.

Cảng Sài Gòn kết hợp với Cảng Thanh Đảo phục vụ xuất nhập khẩu

Cảng Sài Gòn của Việt Nam và Cảng Thanh Đảo thuộc Tập đoàn Cảng Sơn Đông (SPG) của Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận hợp tác, thể hiện tình bạn và sự hỗ trợ mút đắc giữa hai bên. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại trụ sở của Cảng Sài Gòn, nơi hai bên thảo luận về việc tăng cường kết nối logistics để hỗ trợ thương mại giữa hai quốc gia.

Cảng Sài Gòn, qua giọng nói của Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Chơn Tâm, đã bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác. Trong năm 2023, Cảng Thanh Đảo đã xử lý 1,7 tỷ tấn hàng và 40 triệu TEU hàng container, trong khi Cảng Sài Gòn và các liên doanh của nó xử lý 20 triệu tấn hàng và 2,5 triệu TEU.

Tập đoàn SPG hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa quốc gia nhưng ba mảng chính nổi bật nhất là khai thác cảng, gồm 4 tập đoàn cảng: Qingdao Port Group (Tập đoàn Cảng Thanh Đảo là cảng ký kết hợp tác với Cảng Sài Gòn), Rizhao Port Group, Yantai Port Group, Bohai Port Group. Mảng thứ hai là dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu (Integrated Supply Chain Service) và mảng cuối cùng là Dịch vụ hậu cần (Supporting Service).

Hai bên đã cam kết hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển và hậu cần, chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến vận tải biển xanh, thúc đẩy trao đổi chuyên môn và hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, nhằm tăng cường kiến thức và đổi mới trong ngành.

Gần 1000 tỷ đồng xử phạt và thu giữ từ các vụ buôn lậu trên biển trong đợt cao điểm

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (gọi tắt là đợt cao điểm), lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý 403 vụ vi phạm trên biển và địa bàn ven biển.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng nghiệp vụ Cảnh sát biển phát hiện một đường dây buôn lậu khẩu khoáng sản qua đường biển với quy mô cực lớn. Các đối tượng thu gom quặng từ Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên vận chuyển qua nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Trước tình hình trên, BTL Cảnh sát biển đã xác lập Chuyên án 123K để tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh ngăn chặn.

Ngày 12/12/2023, khi các đối tượng đã gom hàng tại cảng Cát Lái chuẩn bị xuất khẩu, BTL Cảnh sát biển đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan kiểm tra, tạm dừng xuất khẩu 21 container, kết quả giám định kết luận đây là quặng Đồng, Niken với hàm lượng rất cao, thuộc diện không được phép xuất khẩu; giá trị lô hàng ước tính hàng chục tỷ đồng.

Không chỉ khoáng sản, mà rất nhiều mặt hàng khác như xăng dầu, hàng giả kém chất lượng đã bị lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam xử lý. Chỉ tính trong thời gian diễn ra đợt cao điểm, từ 01/12/2023 đến 29/02/2024, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, xử lý 403 vụ/478 đối tượng tội phạm. Khởi tố 30 vụ/42 đối tượng; xử phạt VPHC 308 vụ/326 đối tượng; đang xử lý 05 vụ/05 tàu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật thu giữ ước tính gần 100 tỷ đồng.

Sửa quy định về quy chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển.

Dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm quy định giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải và khung giá dịch vụ sử 2 dụng cầu, bến, phao neo và giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ lai dắt.

Theo Cục Hàng hải VN, sau khi Luật Giá có hiệu lực, Thông tư số 39/2023 của Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam sẽ phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Giá mới.

Trong đó, nội dung về khung giá, giá tối đa sẽ được ban hành bằng quyết định hành chính và nội dung quy định về cơ chế, chính sách, cơ sở tính giá sẽ được ban hành bằng thông tư.

Thông tư ban hành bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giá năm 2023 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, các quy định của công ước, điều ước quốc tế.

Đối với những nội dung sửa đổi, thông tư quy định cơ sở tính giá, cơ chế quản lý giá, từ đó làm cơ sở cho Bộ GTVT ban hành Quyết định về khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tại cảng biển và giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải.

“Tuy nhiên, để ổn định nội dung của Thông tư số 39/2023 mới được Bộ GTVT ban hành ngày 25/12/2023, dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam giữ nguyên những nội dung còn phù hợp của Thông tư số 39/2023, chỉ điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với quy định của Luật Giá năm 2023 và các văn bản liên quan”, Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung nội dung về cơ chế quản lý giá, trong đó quy định nhiệm vụ và trách nhiệm một số cơ quan.

Cụ thể, bổ sung trách nhiệm của Cục Hàng hải VN và trách nhiệm của tổ chức cá nhân cung ứng dịch vụ để tăng cường công tác quản lý giá tại cảng biển và phù hợp với nội dung của thông tư là quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển.

Tiêu biểu, trong cơ sở tính giá dịch vụ bốc dỡ container, dự thảo quy định khung giá dịch vụ bốc, dỡ container được quy định cho container hàng hóa thông thường có kích thước 20 feet, 40 feet và trên 40 feet.

Giá dịch vụ bốc, dỡ đối với container hàng hóa quá khổ, quá tải, container chứa hàng nguy hiểm, container có yêu cầu bốc dỡ, chất xếp, bảo quản đặc biệt mà phát sinh thêm chi phí, khung giá áp dụng không vượt quá 150% khung giá do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định.

Trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải bố trí thêm các thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ việc bốc, dỡ hàng hóa, giá dịch vụ của thiết bị phát sinh do hai bên tự thỏa thuận.

Đối với các tuyến container mới tại các bến cảng Khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.

Dự thảo quy định mới cũng bỏ nội dung chia cảng biển theo vĩ tuyến, mà chỉ phân chia theo tên cảng biển. Lý do để phù hợp với phân chia cảng biển theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời để tránh chồng lấn về địa lý do một cảng biển có thể nằm tại hai vĩ tuyến khác nhau (như cảng biển khu vực Bình Thuận). Nội dung điều chỉnh không ảnh hưởng đến khung giá của các khu vực cảng biển.

4. Tin khu vực và thế giới

Cơ hội của vận chuyển đường sắt từ Trung Quốc đến Châu Âu

Biển Đỏ được biết đến là một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng cho thương mại đến Tây Âu và Mỹ. Trong thời gian gần đây, các cuộc tấn công tàu thuyền trong vùng biển này liên tục diễn ra, khiến nhiều hãng tàu phải đình chỉ tuyến Biển Đỏ qua kênh đào Suez và đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng. Theo báo cáo do Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 2, phí vận chuyển từ Thượng Hải đến châu Âu qua kênh đào Suez đã tăng khoảng ba lần kể từ tháng 11/2023, khiến tuyến này không còn lợi thế về giá so với tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu.

Vào thời điểm các tuyến đường biển lớn bị gián đoạn và an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, tuyến đường sắt chở hàng Trung Quốc – châu Âu, tuyến đường từng bị công kích là phương thức vận tải mang tính biểu tượng, trở thành tâm điểm chú ý.

Tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Tính đến cuối tháng 1, tuyến này đã có hơn 85.000 chuyến. Theo Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, 17.000 chuyến đã được vận hành vào năm ngoái, vận chuyển 1,9 triệu container.

Đây được coi là huyết mạch kết nối chất lượng cao trong sáng kiến Vành đai và Con đường, các chuyến tàu tốc hành Trung Quốc – châu Âu đã đến 219 thành phố ở 25 quốc gia châu Âu. Nó mở ra hành lang vận tải đường bộ và cầu nối mới cho hợp tác kinh tế và thương mại ở Á – Âu, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần quốc tế linh hoạt, tạo động lực mới cho sự phát triển của hai lục địa này. Ngoài ra, trong khi vận tải đường biển từ châu Âu mất 40 ngày, tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu chỉ mất 15 ngày. Như vậy với lượng điểm kết nối lớn, thời gian cho tuyến đường vận tải giảm còn bằng 1/3 điều này làm giảm một lượng chi phí logistics đáng kể để vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa trong bối cảnh hiện nay.

Emirates Shipping Line mở dịch vụ vận chuyển mới từ Viễn Đông đến Trung Đông

Hãng tàu Emirates Shipping Line (ESL) được thành lập năm 2006 tại Dubai, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với văn phòng đại diện, chi nhánh có mặt tại 28 quốc gia trên toàn thế giới.

Mới đây, hãng tàu Emirates Shipping Line (ESL) công bố mở dịch vụ mới COSMOS (CMX) và cải tiến dịch vụ hiện có GALEX (GLX) nhằm mục đích tối ưu hóa thời gian vận chuyển và tăng tần suất giữa khu vực Viễn Đông và Trung Đông.

Cụ thể, hải trình của các dịch vụ của ESL sẽ đi qua các cảng như sau:

Dịch vụ COSMOS: Shanghai (Trung Quốc) – Ningbo (Trung Quốc) – Da Chan Bay (Trung Quốc) – Jebel Ali (UAE) – Sohar (Oman) – Port Klang (Malaysia) – Shanghai (Trung Quốc)

Dịch vụ GALEX: Busan (Hàn Quốc) – Qingdao (Trung Quốc) – Xiamen (Trung Quốc) – Nansha (Trung Quốc) – Vịnh Da Chan (Trung Quốc) – Port Klang (Malaysia) – Jebel Ali (UAE) – Dammam (Ả Rập Saudi) – Khor Fakkan (UAE) – Busan (Hàn Quốc).

Như vậy các dịch vụ này sau khi kết hợp sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ Đông Á sang Trung Đông và nâng cao tần suất dịch vụ tổng thể. Ngoài ra hải trình của dịch vụ GLX được cải tiến sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng ở Thượng Vịnh, Biển Đỏ và Châu Phi, đảm bảo giảm thời gian vận chuyển đến các cảng lớn ở châu Á thông qua Jebel Ali – điểm cung cấp dịch vụ của ESL.

Indonesia ra mắt nhà kho thông minh 5G đầu tiên

Mới đây, vào ngày 07/03/2024, nhà cung cấp viễn thông Telkomsel đã hợp tác với Huawei ra mắt kho thông minh 5G và trung tâm đổi mới 5G đầu tiên tại Indonesia.

Tọa lạc tại Cikarang, quận Bekasi, Tây Java, cơ sở mới này nhằm mục đích chứng minh tiềm năng của công nghệ 5G trong việc chuyển đổi việc quản lý kho hàng, tăng hiệu quả hoạt động và mở ra những cơ hội mới cho ngành logistics.

Theo ông Ismail, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên & Thiết bị Công nghệ Thông tin và Bưu chính, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia, động thái này góp phần cách mạng hóa việc quản lý kho hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại lợi ích cho ngành logistics của Indonesia. Ngành này sẽ hoạt động hiệu quả và cạnh tranh hơn theo hướng phát triển bền vững.

Huawei giải thích rằng kho thông minh 5G áp dụng các công nghệ tiên tiến như mạng riêng 5G, kết nối Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (Big data) nhằm tối ưu hóa các hoạt động, tăng cường an toàn và bảo mật cũng như ngăn ngừa lỗi của con người đồng thời tạo ra thời gian làm việc hiệu quả và giảm tiêu thụ năng lượng cũng như khả năng xảy ra tổn thất ngoài dự kiến.

Người quản lý kho có thể sử dụng bản sao kỹ thuật số và giải pháp phân tích dữ liệu lớn để giám sát và phân tích hoạt động của kho trong thời gian thực nhằm tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn kho và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt hàng.

Đại diện phía Huawei, Giám đốc điều hành của doanh nghiệp tại Indonesia – Guo Hailong cho biết, công nghệ 5G sẽ là cú hích mới giúp Indonesia đạt được sự phát triển kỹ thuật số bền vững và là minh chứng cho giá trị mà công nghệ 5G có thể mang lại cho các ngành công nghiệp truyền thống ở Indonesia.

Giám đốc mạng lưới tại Telkomsel – Indra Mardiatna, kỳ vọng, kho thông minh 5G sẽ được tất cả các ngành hậu cần ở Indonesia sử dụng, qua đó giúp quốc gia này thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp.

Việc ra mắt trung tâm đổi mới và kho thông minh 5G đầu tiên đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình kỹ thuật số của đất nước Indonesia. Khi công nghệ 5G tiếp tục phát triển, nó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế hơn nữa, đưa Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về nền kinh tế kỹ thuật số.

Doanh thu kênh đào Suez giảm mạnh, EU thành lập lực lượng bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ

Doanh thu kênh đào Suez giảm mạnh

Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế AI-Manara ở New Cario, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattal El-Sisi cho biết doanh thu kênh đào Suez giảm 40 – 50% kể từ đầu năm 2024, do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ. Hồi tháng 1/2024, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, ông Osama Rabie cho hay, số lượng tàu qua kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1/2024 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 777 tàu xuống còn 544 tàu. Cùng với đó, doanh thu được tính bằng USD từ kênh đào Suez trong 2 tuần tháng 1/2024 giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khối lượng vận chuyển giảm 41%.

Lực lượng Houthi vẫn đang tiếp tục tấn công các con tàu thương mại ở Biển Đỏ và không có dấu hiệu dừng lại. Trước tình hình đó, nhiều công ty vận tải biển đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ và lựa chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam Châu Phi.

EU thành lập lực lượng bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết, các nước EU thành lập nhóm chuyên trách có nhiệm vụ bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tập kích của Houthi.

Được biết lực lượng Aspides sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ và không tiến hành các cuộc tập kích vào lãnh thổ trên đất liền của Yemen với ít nhất 4 tàu chiến sẽ đi vào hoạt động trong vài tuần nữa. Đồng thời, các nước Italia, Pháp, Bỉ, Đức xác nhận sẽ đóng góp tàu chiến cho lực lượng, liên minh này cũng xác nhận sẽ mở cửa cho các nước ngoài châu Âu hoạt động ít nhất một năm.