Học tập gắn liền với trải nghiệm thực tiễn đang được các cơ sở đào tạo chú trọng trong những năm gần đây, đặc biệt là giáo dục bậc đại học. Nhận thấy những khó khăn của hội viên là các cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai các chương trình khảo sát thực tiễn, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã không ngừng thực hiện chương trình gắn kết, hỗ trợ các trường có đào tạo logistics thực hiện chương trình tham quan khảo sát thực tiễn tại doanh nghiệp, trung tâm logistics, cảng biển…
Thực hiện sứ mệnh của mình là cung cấp cho các cá nhân, doanh nghiệp những giải pháp toàn diện trong hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số nói chung và ngành Logistics nói riêng, Ban Đào tạo của Hiệp hội đã đề xuất mô hình đào tạo VALOMA-COE (Center of Excellence), nhằm hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong hoạt động thực hành bằng cách chia sẻ nguồn lực, cơ sở vật chất, tận dụng tối đa nguồn lực của các đơn vị thành viên với chi phí thấp và hiệu quả nhất. VALOMA-COE cũng thúc đẩy quá trình hình thành các kỹ năng làm việc ở mọi cấp bậc đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học), chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo cho các cơ sở đào tạo logistics.
Trường Đại học Đại Nam là một trong những trường Đại học đầu tiên thiết kế chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, “học đi đôi với hành”, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn giúp người học được cọ sát với các hoạt động của doanh nghiệp từ năm thứ nhất, đảm bảo sinh viên ra trường có thể tự tin đáp ứng tốt với môi trường doanh nghiệp. Mới đây, Trường Đại học Đại Nam đã thực hiện chương trình mô phỏng trải nghiệm cho sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế trong 02 ngày 05-06/05/2022 tại đơn vị thành viên VALOMA – Trung tâm Logistics Tiểu vùng Mekong – Nhật Bản và Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. Bên cạnh đó, giảng viên sinh viên trường Đại học Đại Nam được kết nối trải nghiệm thực tiễn tại Trung tâm kho HTM Logistics thuộc Công ty Cổ phần Vidifi Duyên Hải và Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT).
Cảm nhận của cơ sở đào tạo khi thực hiện chương trình trải nghiệm cho sinh viên
Theo chia sẻ của TS. Lê Thị Mỹ Ngọc – Trưởng Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, thông qua chương trình trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp Logistics, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Đại Nam học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, quy trình khai thác hàng xuất tại kho CFS, lưu kho và bảo quản hàng hóa, quy trình và thủ tục đóng hàng vào container… quy trình giao nhận hàng nguyên, hàng lẻ tại cảng. Sinh viên được tận mắt quan sát quy trình giao nhận, xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng… Hoạt động trải nghiệm thực tiễn giúp ích rất nhiều cho việc học tập của sinh viên và tích lũy kinh nghiệm trong giảng dạy của giảng viên. Qua đó, giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, sinh viên có thể hiểu rõ hơn những lý thuyết đã được học trên giảng đường.
Cảm nhận của các đơn vị tiếp nhận sinh viên trường Đại học Đại Nam về chương trình trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Minh Đức – Trưởng Bộ môn Logistics Khoa Kinh tế, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Logistics Tiểu vùng Mêkong Nhật Bản, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, việc tổ chức thực hành thực tập cho sinh viên của trường Đại học Đại Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Đối với sinh viên, thông qua chương trình thực tế tại doanh nghiệp, sinh viên có thể hiểu rõ hơn về các hoạt động nghề nghiệp và có thêm cảm hứng để tiếp tục có cảm hứng học tập. Đối với Nhà trường, thông qua việc tổ chức các chuyến đi thực tiễn, cần hỗ trợ để các em có thể trực tiếp tham gia thực hành tại doanh nghiệp để các em có thể nắm chắc nghiệp vụ và có thể tham gia hoạt động nghề nghiệp của mình sau khi ra trường một cách tốt nhất. Ông cũng nhấn mạnh, việc VALOMA hỗ trợ các hội viên phối hợp, liên kết đào tạo logistics giữa các trường là rất tốt. Điều này có thể tạo điều kiện cho cả hai bên cả giảng viên và sinh viên hai trường có điều kiện, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy, phát triển chuyên môn. Ông đánh giá cao việc tổ chức chương trình trải nghiệm cho sinh viên của Trường Đại học Đại Nam và rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục đón sinh viên của các trường Đại học khác đến thực tập tại Trung tâm đào tạo Logistics của trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.
Cùng chung quan điểm với TS. Nguyễn Minh Đức, Ông Đào Mạnh Đăng – Giám đốc công ty HTM Logistics cho rằng, việc tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tham gia chương trình thực tế thực tập ở các trung tâm kho hay cảng biển doanh nghiệp là rất tốt và ông hết sức ủng hộ. Ông cho rằng, thực tế sinh viên mới ra trường nắm lý thuyết rất tốt nhưng về mặt thực tế thì doanh nghiệp phải đào tạo lại. Qua chương trình trải nghiệm Trường Đại học Đại Nam tổ chức sẽ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế, trên cơ sở đó sinh viên có thể nhận biết những điều còn thiếu và bổ sung ngay trong thời gian học tập tại trường. Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nhà trường mà còn giúp doanh nghiệp tiếp nhận sản phẩm đầu ra của các trường giảm bớt được thời gian đào tạo lại, và chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Cảm nhận về ý nghĩa của chương trình thực tiễn thực tập của các cơ sở đào tạo, Ông Bùi Quang Huy, Phó giám đốc kinh doanh phụ trách về marketing cho biết: Ông rất vui mừng khi đón sinh viên Trường Đại học Đại Nam đến trải nghiệm thực tiễn tại cảng TC-HICT bởi điều đó thể hiện các cơ sở đào tạo logistics đang rất quan tâm đến hoạt động của cảng biển nói riêng và các trung tâm logistics nói chung. Về phía công ty, đại diện cho lãnh đạo công ty, ông luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể đến cảng tìm hiểu các hoạt động thực tế tại cảng cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp tại cảng. Qua đó, giúp sinh viên có trải nghiệm và hiểu rõ hơn các chuỗi hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các nghiệp vụ tại cảng biển.
Chia sẻ thêm về cảm nhận của cơ sở đào tạo sau buổi trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp logistics. Bà Lê Thị Mỹ Ngọc cho biết: Thông qua chương trình trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp Logistics, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Đại Nam học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế liên quan đến hoạt động của cảng biển. Qua đó, giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, sinh viên có thể hiểu rõ hơn những lý thuyết đã được học trên giảng đường.
Chuyến đi thực tiễn mang lại rất nhiều giá trị không chỉ đối với sinh viên mà ngay cả giảng viên cũng có cái nhìn thực tế hơn trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành logistics theo hướng trải nghiệm tại trường Đại học Đại Nam. Thông qua chương trình trải nghiệm, giảng viên, sinh viên trường Đại học Đại Nam đều cái nhìn trực quan về hoạt động logistics, vai trò của logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp của hoạt động logistics đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Bởi những giá trị đem lại cho các đơn vị thành viên, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, nơi hội tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics, những con người đầy nhiệt huyết, đam mê với nghề đang nỗ lực tạo hệ sinh thái kết nối DN, nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn lực và chi phí trong đào tạo; gắn kết các trường có đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trong công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực logistics chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
TS. Lê Thị Mỹ Ngọc – Ban Đào tạo Hiệp hội VALOMA
Xem thêm thông tin chi tiết tại link sau: https://dainam.edu.vn/vi/khoa-logistics-va-quan-ly-chuoi-cung-ung/tin-tuc/dao-tao-nganh-logistics-dai-hoc-dai-nam-sinh-vien-xuong-doanh-nghiep-tu-nam-nhat
Tìm hiểu thêm về các hoạt động khác của VALOMA tại chuyên mục Hoạt động.