Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam và ASEAN của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): OECD khuyến nghị Việt Nam gỡ rào cản cho logistics giai đoạn hậu Covid

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh ngành logistics của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh ngành logistics của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành ngày 31/8 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ rào cản pháp luật cho sự phát triển thị trường logistics của Việt Nam trong tương lai…

OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ rào cản pháp luật cho sự phát triển thị trường logistics của Việt Nam trong tương lai…

Năm 2016, quy mô thị trường logistics tại Việt Nam đạt 40,9 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng khoảng 13,6%/năm cho đến năm 2023.

Với chủ đề “Điều gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp logistics: Những khuyến nghị từ OECD giai đoạn cải cách hậu Covid”, Báo cáo của OECD nhận định chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với các nước trong ASEAN, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG LỚN

Mặc dù, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại hình vận tải song doanh thu từ vận tải hàng hóa bằng đường thủy lại chiếm tới 48% tổng doanh thu ngành logistics cả năm 2017, cao hơn bất kỳ các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Xét về chỉ số hoạt động logistics (LPI), Việt Nam xếp thứ 39/160 quốc gia được Ngân hàng thế giới (WB) xếp hạng trong Báo cáo điều tra về LPI năm 2018 và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Quy mô thị trường vận tải và kho bãi
Quy mô thị trường vận tải và kho bãi

Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay lại đắt đỏ hơn các quốc gia trong khu vực, chiếm 18% GDP, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (8,5%) và các nước phát triển khác (8-15%). Trong khi đó, logistics chiếm 30 – 40% chi phí sản xuất kinh doanh, do đó, hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Đáng chú ý, Việt Nam có 41.900 km đường thủy nội địa nhưng chỉ vận chuyển 17,8% tổng khối lượng hàng hóa. Mặc dù, đây là phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn các phương tiện khác nhưng đã không được khai thác. Điều này cho thấy Việt Nam có thể tận dụng vận tải đường thủy nội địa để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của Việt Nam trong tương lai.

Tỷ trọng doanh thu các loại hình vận tải
Tỷ trọng doanh thu các loại hình vận tải

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành logistics trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2025, bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng về cơ sở hạ tầng, chính sách, năng lực kinh doanh và nguồn nhân lực.

5 NHÓM VẤN ĐỀ

Vì vậy, để đưa ngành công nghiệp quan trọng này cũng như nền kinh tế trở lại đúng hướng, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng trở thành một ưu tiên cấp bách.

Theo đó, OECD cho rằng Việt Nam cần sửa đổi hoặc loại bỏ những quy định pháp luật không còn phù hợp, đang cản trở bước tiến của thị trường logisitcs; trong đó, tập trung vào 5 nhóm vấn đề liên quan tới vận tải hàng hóa đường bộ, vận tải hàng hóa đường biển, vận tải hàng hóa đường sắt, giao nhận và kho bãi.

Về vận tải hàng hóa đường bộ, OECD khuyến nghị cần lọa bỏ một số yêu cầu về số lượng phương tiện tối thiểu, quy định thông báo trước về giá để giảm gánh nặng hành chính và cho phép giá điều chỉnh linh hoạt với điều kiện thị trường cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường các  tự do hóa trong lĩnh vực vận tải đường bộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hạn chế các rào cản thị trường…

Về vận tải hàng hóa đường biển, cần nhanh chóng sửa đổi luật để tăng cạnh tranh trong vận chuyển hàng hóa nội địa.

“Việt Nam có thể cân nhắc tới việc dỡ bỏ lệnh cấm tàu ​​nước ngoài chở hàng nội địa, có thể thông qua cơ chế “có đi có lại” hoặc cho phép các tàu từ các thành viên ASEAN hoặc cho phép các tàu quốc tế hoạt động trên các tuyến đường cụ thể khi có nhu cầu. Điều này sẽ làm gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp ở thị trường vận tải trong nước”, OECD nhấn mạnh.

Cùng với đó là việc xóa bỏ tỷ lệ phí cảng tối thiểu nhưng xem xét ở mức hợp lý cho phép các nhà khai thác thu hồi chi phí, đảm bảo lợi nhuận.

Chỉ số Liner Shipping  Bilateral Connectivity Index (LSBCI), 2019
Chỉ số Liner Shipping  Bilateral Connectivity Index (LSBCI), 2019

Về vận tải đường sắt, cần tách chức năng quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt với chức năng cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Điều này cho phép sự tham gia của nhiều công ty tham gia khai thác thị trường vận tải hàng hóa bằng đường sắt một cách công bằng và không phân biệt đối xử.

Về giao nhận vận tải, OECD cho rằng Việt Nam cần cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có được giấy phép vận tải đa phương thức tại Việt Nam mà không cần giữ giấy phép ở một nước ASEAN khác. Điều này sẽ giảm chi phí đầu vào và gánh nặng hành chính cho các nhà khai thác nước ngoài mới.

Cuối cùng, về kho bãi, cần nâng cao hiệu quả của việc phân bổ và quản lý đất đai bằng các chính sách cập nhật, công khai và minh bạch. Điều này cho phép các công ty chủ động thời gian và chi phí đầu tư, giảm thiểu các rủi ro bất thường liên quan tới kho bãi.

Cập nhật thường xuyên hơn các bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – dựa trên khung giá đất của chính phủ để phản ánh chính xác hơn giá trị thị trường đất với mục tiêu không khuyến khích tích trữ đất của các doanh nghiệp.

“Đặc biệt, mở rộng hơn nữa các thủ tục trong cơ chế một cửa quốc gia để thiểu thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, từ đó giảm chi phí thấp hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế”, OECD khẳng định.

📥📥📥Tải Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại: https://drive.google.com/file/d/1dqhHB9E_NHJt8ojc7r9M0s-UnhH3VBwK/view?usp=sharing
📥📥📥Tải Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh ngành logistics ASEAN của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại: https://drive.google.com/file/d/17WqYurmJTEMEUD0X7u1j6xEaTgRez44n/view?usp=sharing