Với mô hình mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn thương mại điện tử Ngay cả trong trường hợp các chợ dân sinh không được hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tiểu thương vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường…
Tại cuộc họp trực tuyến với Tổ Công tác đặc biệt Miền Nam của Bộ Công Thương ngày 30/8, Trưởng Ban nghiên cứu – Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đề xuất mô hình đưa tiểu thương và chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Khi mô hình này được triển khai, các tiểu thương trong chợ dân sinh sẽ được các sàn thương mại điện tử hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn, quảng bá sản phẩm tới những khách hàng quen lẫn khách hàng tiềm năng.
Bà Cao Cẩm Linh – Trưởng Ban Nghiên cứu của VALOMA cho biết, mô hình này vừa giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để cung ứng cho người dân cả nước.
Đặc biệt, dựa vào kênh bán hàng mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Ngay cả trong trường hợp các chợ dân sinh không được hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tiểu thương vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, góp phần đảm bảo an sinh cuộc sống.
“Như vậy, việc các tiểu thương được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ biến nơi đây trở thành các “chợ dân sinh trực tuyến”, một nguồn cung mới cho dịch vụ “đi chợ hộ” mà các Sàn TMĐT đang triển khai trên toàn quốc” – Bà Cao Cẩm Linh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tại các tỉnh có thể làm việc với Sàn TMĐT để thu mua tất cả sản phẩm lương thực thiết yếu nhằm cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng Covid-19.
“Để thực hiện mô hình này hiệu quả, thông qua Tổ Công tác đặc biệt, Ban Nghiên cứu đề xuất các sàn được kết nối với Sở Công Thương địa phương để biết giá, sản lượng, số lượng nông sản của các tỉnh. Đồng thời mong Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ giới thiệu hàng hóa, bán hàng nội tỉnh, liên tỉnh” – Bà Cao Cẩm Linh đề xuất.
Ngoài ra, vấn đề đưa nông sản của các tỉnh phía Nam lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng được quan tâm.
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long đang cần tiêu thụ 27.000 tấn khoai lang tím, ngoài ra tỉnh có nhiều nông sản khác nên sẽ tham gia cung cấp các sản phẩm đầu vào cho túi an sinh mà các mạnh thường quân đang thực hiện để hỗ trợ người nông dân. Về giá cả và sản lượng sản phẩm, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành cập nhật cho sàn TMĐT.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, tỉnh vẫn còn một số loại nông sản đang có sản lượng thu hoạch rất lớn nhưng tiêu thụ chậm như khoai môn… Do đó, Đồng Tháp hi vọng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ giúp nông dân trong tỉnh có đầu ra ổn định.
Ban nghiên cứu – Hiệp hội VALOMA