BẢN TIN VALOMA THÁNG 3

Quý độc giả có thể tải bản tin valoma tháng 3 file pdf tại đây.

 

SỰ KIỆN NỔI BẬT

Chương trình hiến máu nhân đạo “NHIỆT HUYẾT VALOMA” lần thứ 7 – Lan tỏa yêu thương

Sáng thứ Bảy, ngày 22/3/2025, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã phối hợp cùng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức thành công Chương trình hiến máu nhân đạo “NHIỆT HUYẾT VALOMA” lần thứ 7. Đây là hoạt động thiện nguyện được tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm, do Ban Hội viên VALOMA khởi xướng và điều phối.

Chương trình năm nay đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ đông đảo hội viên, bao gồm các anh chị đến từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang, Công ty TNHH Khải Minh Groups, Công ty CP Đầu tư Xây dựng FACCO, Sunrise Air Cargo JSC, SPECIAL Cargo Services, Công ty TNHH Logistics CMC, Công ty CP Giao nhận Vận tải Quốc tế Lacco, Công ty TNHH TRUSTANA, Công ty XNK Logistics, Công ty AIM Việt Nam, Công ty TNHH GH Logistics và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành.

Đặc biệt, năm nay chương trình không chỉ có sự góp mặt của các cá nhân và doanh nghiệp mà còn đón nhận sự tham gia của cả gia đình hội viên. Những tấm lòng thiện nguyện đã lan tỏa mạnh mẽ đến thế hệ kế tiếp, khi gia đình chị Mai Linh (Cục Xuất nhập khẩu) cùng chồng và con gái, hay gia đình anh Vũ Anh Tuấn (Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang) cùng vợ và hai con cũng hào hứng chung tay góp sức. Bên cạnh đó, sự nhiệt huyết của các bạn sinh viên đến từ Chương trình đào tạo Logistics – Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã làm cho chương trình thêm phần sôi động và ý nghĩa.

Khép lại chương trình, tổng lượng máu hiến tặng đạt 8.550 ml – một con số đầy giá trị, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân đang cần máu. Hành động hiến máu không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho chính người hiến máu, như kích thích quá trình tái tạo máu mới, giúp tinh thần sảng khoái, giảm nguy cơ thừa sắt, và hỗ trợ phòng tránh các bệnh tim mạch, ung thư.

Xin trân trọng cảm ơn tất cả các hội viên VALOMA và những tấm lòng vàng đã đồng hành cùng chương trình. Mong rằng trong những lần tiếp theo, “NHIỆT HUYẾT VALOMA” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.

HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI

Đại học FPT chính thức gia nhập hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên

Vào sáng ngày 1/3/2025, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học FPT cơ sở TP.HCM (FPTU), đồng thời trao giấy chứng nhận thành hội viên chính thức cho trường. Đoàn VALOMA do TS Hà Minh Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Truyền thông của Hiệp hội, dẫn đầu, cùng sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, sự kiện còn có sự hiện diện của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA.

Phía Trường Đại học FPT, buổi lễ đã được đón tiếp nồng nhiệt bởi Thầy Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Văn phòng FPT Edu TP.HCM, Thầy Dư Tiểu Dương, Chủ nhiệm khối ngành Quản trị Kinh doanh, cùng đội ngũ giảng viên và sinh viên trường.

Trong phát biểu của mình, Thầy Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ những thành tựu đáng tự hào cũng như những thách thức mà trường gặp phải. Ông nhấn mạnh mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt khi Trường Đại học FPT chính thức gia nhập Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội nghề nghiệp, học hỏi và kết nối với các doanh nghiệp trong ngành logistics, xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng cho sinh viên.

Việc trở thành hội viên của VALOMA không chỉ khẳng định cam kết của Đại học FPT trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các chương trình đào tạo chuyên sâu, thực tế, giúp họ nhanh chóng hòa nhập vào ngành logistics đang phát triển mạnh mẽ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải đã bày tỏ niềm vui khi Trường Đại học FPT trở thành hội viên chính thức của VALOMA. Ông cũng mong muốn VALOMA sẽ hỗ trợ FPTU trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đồng thời hợp tác trong nghiên cứu khoa học, tổ chức các chương trình tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội.

Sau lễ công bố gia nhập VALOMA, sinh viên FPTU đã tham gia tọa đàm “Logistics 4.0 & Sân chơi quốc tế: Nắm bắt xu hướng – Bứt phá sự nghiệp”, với sự góp mặt của hai diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực logistics. Buổi tọa đàm đã mang đến những góc nhìn chuyên sâu về các xu hướng và cơ hội nghề nghiệp trong ngành.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – đã chia sẻ những biến động trong thương mại toàn cầu và những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ông Bùi Hữu Nghĩa – Giám đốc Nhân sự và Hành chính của Công ty Cổ phần Logistics U&I – đã cung cấp lộ trình phát triển nghề nghiệp từ sinh viên đến các vị trí quản lý, cùng những lời khuyên thực tế để sinh viên nhanh chóng bắt kịp với xu hướng ngành.

Kết thúc buổi tọa đàm, Thầy Nguyễn Trường Sơn đã gửi lời cảm ơn tới đoàn đại biểu, các doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên đã tham gia. Trường Đại học FPT mong muốn tiếp tục hợp tác và nhận sự hỗ trợ từ VALOMA để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh chuyển đổi số và thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay.

TIN TRONG NƯỚC

Tăng kết nối logistics đường sắt, thúc đẩy xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 12/3/2025, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị “Hợp tác logistics đường sắt Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển vận tải đường sắt xuyên biên giới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và gia tăng thương mại song phương giữa hai nước.

Những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 205,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm trước. Trong đó, Quảng Tây đóng vai trò trung tâm với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,4%, chiếm hơn 95% giao thương qua biên giới đất liền hai nước.

Hội nghị lần này cũng là bước triển khai quan trọng của Bản ghi nhớ (MOU) về khai thác tuyến vận tải container đường sắt quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, được ký vào tháng 12/2024. Việc tăng cường hợp tác logistics đường sắt không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận tải mà còn hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Kiến Lương, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây, nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của tuyến container đường sắt Trung – Việt trong việc xúc tiến hợp tác thương mại. Năm 2024, tuyến đường sắt này đã vận chuyển 19.700 TEU hàng hóa, tăng gần 12 lần so với năm trước. Trong tháng 1 – 2/2025, số chuyến tàu đạt 145 chuyến, tăng 272%; lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.118 TEU, tăng 753%.

Tuyến đường sắt này giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển. Cụ thể, hành trình từ ga Nam Ninh Nam (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Việt Nam) chỉ còn 14 giờ, nhanh hơn 80% so với vận tải biển, đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng quốc tế. Hàng hóa có thể xuất phát, đến nơi và hoàn tất thủ tục hải quan trong cùng một ngày, nhờ các mô hình thông quan nhanh và dịch vụ vận tải liên vận quốc tế tại Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tuyến vận tải container đường sắt quốc tế, giải quyết các vướng mắc trong kết nối hạ tầng, thủ tục xuất nhập khẩu và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết vận tải liên vận quốc tế có nhiều ưu điểm như thời gian nhanh, lịch tàu chạy ổn định, chi phí hợp lý và khả năng vận chuyển khối lượng lớn. Hiện Việt Nam có 14 loại nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt, bao gồm thanh long, sầu riêng, mít, xoài, dưa hấu, vải thiều, nhãn, chuối, chôm chôm, măng cụt, tổ yến, khoai lang và dừa tươi.

Để tối ưu hoạt động vận tải, các chuyên gia đề xuất mở rộng các tuyến đường sắt liên kết từ Nam Ninh – Bằng Tường – Đồng Đăng – Yên Viên đến các trung tâm kinh tế như Đà Nẵng, Bình Dương (Sóng Thần), giúp vận chuyển hiệu quả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như trái cây tươi, hải sản, hàng điện tử, da giày và gỗ nội thất.

Bên cạnh phiên thảo luận, hội nghị cũng tổ chức phiên kết nối B2B giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác thương mại và logistics.

Việc đẩy mạnh kết nối logistics đường sắt giữa Việt Nam và Quảng Tây không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu mà còn tạo động lực phát triển cho hệ thống logistics khu vực, góp phần thúc đẩy thương mại song phương bền vững.

Doanh nghiệp logistics chia sẻ kinh nghiệm giảm phát thải trong vận tải

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cùng công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức nhằm nâng cao hiệu suất và tính bền vững.

Tại hội thảo về logistics xanh do Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam tổ chức, các lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giảm phát thải trong vận tải.

Ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA, nhận định việc cắt giảm carbon trong ngành logistics là một vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Để thực hiện cam kết này, các doanh nghiệp phải đáp ứng ngày càng nhiều yêu cầu từ đối tác thương mại nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường. Yếu tố môi trường ngày càng trở thành một tiêu chí quan trọng trong chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Stéphane Graber cho biết Liên minh Châu Âu (EU) – một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có mức phát thải cao khi nhập khẩu.

Bên cạnh đó, EU còn ban hành Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD), yêu cầu các công ty công bố thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này ảnh hưởng đến cả những nhà cung cấp logistics ngoài EU nếu họ nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu. Từ năm 2028, các công ty ngoài EU hoạt động tại châu Âu cũng sẽ phải tuân thủ quy định này.

Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng ngày càng được lồng ghép vào chính sách hải quan. EU đang dẫn đầu xu hướng này và nhiều quốc gia khác có thể sẽ áp dụng các biện pháp tương tự trong tương lai.

Các doanh nghiệp logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu, do đó, họ cần chủ động thích ứng để không bị tụt lại phía sau.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, ông Van Doorslaer Geerart Karel S, Cố vấn phát triển kinh doanh tại T&M Forwarding, cho biết công ty đã ngừng in ấn giấy tờ từ nhiều năm trước, thay vào đó chuyển đổi hoàn toàn sang quy trình số hóa. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn rút ngắn quy trình, tối ưu nhân sự và nâng cao hiệu quả vận hành.

Chính phủ Việt Nam hiện đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050. Theo ông Karel S, dù muốn hay không, đây là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp buộc phải tham gia.

“Tại T&M Forwarding, chúng tôi thu thập và triển khai các sáng kiến từ các văn phòng trên toàn cầu. Đây là những hành động thiết thực, không phải những kế hoạch xa vời. Chúng tôi không chỉ thay đổi nội bộ mà còn hợp tác cùng khách hàng để nâng cao nhận thức và đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ chuỗi cung ứng,” ông nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có nhiều cơ hội khi hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện, tạo sức hút mạnh mẽ cho ngành. Để tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp cần đồng lòng thay đổi từ nhận thức đến hành động, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Trần Việt Huy, Giám đốc điều hành Trassas, cho biết động lực chuyển đổi của công ty đến từ chính yêu cầu của khách hàng. Là một trong top 10 doanh nghiệp ESG năm 2024, Trassas buộc phải thực hành các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội, không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc.

Từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs.

Theo ông Stéphane Graber, SMEs và công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung vào số hóa và vận tải đa phương thức để nâng cao hiệu suất và tính bền vững. Điều này có thể thực hiện qua việc đầu tư vào công nghệ mới, ứng dụng tài liệu vận tải điện tử nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu tuyến đường và giảm phát thải.

Ngoài ra, cần khai thác lợi thế của đường thủy, tận dụng các tuyến vận tải thay thế để giảm áp lực lên đường bộ.

Các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là SMEs, nên trang bị kiến thức về cắt giảm phát thải carbon, thường xuyên cập nhật thông tin từ các tổ chức ngành như FIATA để nắm bắt quy định trong nước và quốc tế. Việc đánh giá dấu chân carbon sẽ giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện, đồng thời tăng tính minh bạch trong báo cáo.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần mở rộng đối thoại và hợp tác với đối tác lớn hơn để chia sẻ thông tin, tận dụng tài nguyên chung và nâng cao năng lực. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn giúp ngành logistics Việt Nam phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.

Cảng Quốc tế Chu Lai – Trung tâm Logistics chiến lược miền Trung

Cảng quốc tế Chu Lai là cảng biển loại 1 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực) theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với quy mô 140 ha, cảng gồm hai khu bến chuyên dụng: bến số 2 (5 vạn tấn) phục vụ tàu container tải trọng 50.000 DWT và bến số 1 chuyên khai thác hàng tổng hợp cho tàu 30.000 DWT. Hai bến có thể tiếp nhận đồng thời bốn tàu lớn, giúp giảm thời gian chờ neo đậu và tối ưu hiệu suất vận hành.

Hệ thống cẩu chuyên dụng hiện đại tại cảng đạt năng suất xếp dỡ trên 100 container/giờ. Bên cạnh đó, kho bãi được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích hơn 300.000 m², sức chứa 500.000 tấn, đảm bảo các yêu cầu về lưu trữ, bảo quản và quản lý thông tin hàng hóa.

Ông Phan Văn Kỳ – Giám đốc cảng quốc tế Chu Lai – cho biết: “Chúng tôi tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện năng suất xếp dỡ và rút ngắn thời gian làm hàng để mang lại giải pháp vận chuyển tối ưu cho khách hàng”.

Trong chuyến khảo sát cảng ngày 8/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của THILOGI trong việc mở rộng, nâng cấp cảng. Để đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu lớn, THILOGI đang đẩy nhanh tiến độ nạo vét tuyến luồng Kỳ Hà đạt độ sâu -9,3m, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 6/2025.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến dự án tuyến luồng mới Cửa Lở, giúp cảng có thể tiếp nhận tàu trên 50.000 DWT vào năm 2028. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí logistics, tương đương với hai miền Nam – Bắc.

Tỉnh Quảng Nam xác định kinh tế biển là trụ cột phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. Các tuyến đường 14D, 14B đang được nâng cấp nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực hành lang kinh tế Đông – Tây 2 vào năm 2026, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn hàng từ Bắc Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan xuất khẩu qua cảng Chu Lai, đặc biệt là hàng container.

Theo kế hoạch, đến năm 2027, cảng quốc tế Chu Lai sẽ trở thành trung tâm logistics quốc tế đa dụng, chuyên về container. Cảng cũng sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng và trang thiết bị nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận tàu, đồng thời tổ chức khai thác các tuyến hàng hải nội địa và quốc tế, mang đến nhiều lựa chọn dịch vụ cho doanh nghiệp.

Cuối năm 2025, THILOGI sẽ đưa vào vận hành hai tàu container với tổng công suất 3.600 TEU để khai thác tuyến hàng hải quốc tế từ Chu Lai đến Xiamen, Thượng Hải (Trung Quốc). Đồng thời, cảng sẽ mở rộng hợp tác với các hãng tàu lớn để khai thác các tuyến hàng hải trực tiếp đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Malaysia… và kết nối hàng hóa đến Mỹ, Canada, châu Âu, châu Úc thông qua các cảng trung chuyển quốc tế như Thượng Hải, Busan, Cao Hùng.

Nhằm mở rộng dịch vụ logistics tại Lào, Campuchia và Tây Nguyên, THILOGI đã thành lập Công ty liên vận Đông Dương, phát triển vận tải đường bộ, kết nối hàng hóa đến cảng quốc tế Chu Lai.

Ông Hoàng Châu Sơn – Phó trưởng Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam – nhận định: “Sự phát triển của cảng đã góp phần tối ưu hiệu quả logistics, mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Quảng Nam và khu vực miền Trung”.

Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và sự kết hợp linh hoạt giữa các phương thức vận tải, cảng quốc tế Chu Lai được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics quan trọng tại miền Trung – Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy giao thương và tăng trưởng kinh tế khu vực.

Hà Nội nghiên cứu hình thành mô hình “Cảng miễn thuế”

Ngày 11/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 848/UBND-TH nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết luận của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cùng Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, tập trung quán triệt và chủ động triển khai, tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền để thực hiện các nội dung đã được nêu trong Văn bản số 1767/VPCP-TKBT ngày 05/3/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Về phía cung, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu là giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính trong năm 2025, giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, và chi phí không chính thức. Đồng thời, bãi bỏ ít nhất 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Mục tiêu trong 2 – 3 năm tới là đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào nhóm 3 quốc gia dẫn đầu trong ASEAN. Về phía cầu, cần đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và nền tảng của quốc gia, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và tính đồng bộ. Cũng cần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đồng thời, thành phố sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa để đạt được tăng trưởng bền vững và gia tăng xuất khẩu ròng.

Ngoài ra, nghiên cứu và áp dụng khung pháp lý chuyên biệt để đưa hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế nền tảng, thương mại điện tử và đặc khu kinh tế. Đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho các ngành công nghệ mới, cùng khung pháp lý riêng cho các đặc khu kinh tế và đặc khu công nghệ (như các cơ chế thuế ưu đãi đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong đặc khu).

Về chính sách đất đai và thị trường bất động sản, cần thúc đẩy các giao dịch và thu hút vốn đầu tư vào thị trường; phát triển đô thị thành động lực tăng trưởng quốc gia trên nền tảng hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ. Thành phố sẽ xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất, đồng thời nghiên cứu việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.

Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng chính sách tài chính mở cho các mô hình trung tâm tài chính quốc tế, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Cũng sẽ nghiên cứu hình thành mô hình “Cảng miễn thuế”, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn và phát triển “Cổng một cửa đầu tư quốc gia” để tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các nỗ lực này sẽ đi kèm với việc thúc đẩy khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như xử lý quyết liệt ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.

Vận tải hàng hóa đường sắt liên vận Việt-Trung tăng hơn 750% trong 2 tháng đầu năm 2025

Trong hai tháng đầu năm 2025, vận tải hàng hóa bằng tàu liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 750%. Thông tin này được ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, công bố trong khuôn khổ cuộc thảo luận mở tại kỳ họp Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 6/3/2025.

Ông Lam cho biết, các chuyến tàu liên vận từ Quảng Tây đã vận chuyển hàng hóa từ 25 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng – Đông Hưng gần biên giới Việt – Trung, được đưa vào hoạt động từ năm 2023, đã đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường kết nối. Ngoài ra, một tuyến đường sắt cao tốc khác nối Sùng Tả với Bằng Tường, gần biên giới Việt – Trung, cũng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Hiện nay, dự án cửa khẩu thông minh Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đã cơ bản hoàn thành. Ông Lam Thiên Lập khẳng định rằng, khi dự án chính thức đi vào hoạt động, hai bên sẽ triển khai hệ thống thông quan thông minh không người lái, hoạt động liên tục 24/7. Điều này sẽ giúp hàng hóa từ Nam Ninh (Quảng Tây) đến Hà Nội (Việt Nam) được vận chuyển trong vòng 24 giờ, và đến 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam chỉ trong 12 giờ.

Thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, thành phố Sùng Tả hiện sở hữu 4 cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu song phương với Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong thương mại biên giới. Ông Trì Uy, Thị trưởng Sùng Tả, nhấn mạnh cam kết thúc đẩy kết nối mạnh mẽ hơn, mở rộng không gian hợp tác ở cấp độ cao hơn và củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam.

Cũng trong cuộc họp này, ông Trì Uy cho biết thêm họ sẽ tận dụng dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc – Việt Nam để thúc đẩy cải cách toàn diện, mở rộng hợp tác với ASEAN ở cấp độ cao hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ góp phần xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – ASEAN và Trung Quốc – Việt Nam một cách gắn kết và có ý nghĩa chiến lược hơn.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của vận tải liên vận Việt-Trung, cùng với những dự án cơ sở hạ tầng hiện đại, phản ánh rõ tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Những bước tiến này không chỉ thúc đẩy giao thương mà còn đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng kinh tế chung trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Đà Nẵng đang dần trở thành trung tâm logistics quan trọng của miền Trung

Doanh thu ngành vận tải và bưu chính tại Đà Nẵng tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2025

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng doanh thu của ngành vận tải và bưu chính, chuyển phát trên địa bàn trong tháng 2/2025 ước đạt gần 1.900 tỷ đồng. Mặc dù có sự giảm nhẹ gần 2% so với tháng trước, nhưng con số này vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu của toàn ngành ước đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng ấn tượng, như vận tải đường bộ với mức tăng hơn 12%, vận tải đường thủy tăng 18%, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải tăng hơn 11%, và bưu chính chuyển phát ghi nhận mức tăng lên tới gần 40%.

Đà Nẵng: Trung tâm logistics quan trọng của miền Trung

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, việc đầu tư vào các lĩnh vực kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ sở hạ tầng, công nghệ và các chính sách cải cách thủ tục hành chính, Đà Nẵng đang ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm logistics quan trọng của miền Trung, kết nối với các thị trường quốc tế và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành vận tải trong khu vực.

Công ty Duy Thịnh ký kết hợp tác chiến lược với Hatsuta Nhật Bản

Cuối tháng 2/2025, Công ty TNHH Duy Thịnh (DTG), một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics và vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng, đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta, một thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản. Hatsuta, nhà sản xuất bình chữa cháy đầu tiên tại Nhật Bản, đã thành lập từ năm 1902 và hiện có hơn 100 năm kinh nghiệm trong ngành.

Theo thỏa thuận hợp tác, Hatsuta sẽ di dời nhà máy vào trung tâm dịch vụ logistics mới được DTG xây dựng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Mục tiêu của Hatsuta là tăng cường đầu tư và năng lực sản xuất tại Đà Nẵng, biến nhà máy này thành cơ sở sản xuất chiến lược quan trọng trong số 11 nhà máy của công ty trên toàn cầu.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc DTG, chia sẻ rằng hợp tác với Hatsuta sẽ mang đến nhiều cơ hội mới không chỉ cho sự phát triển của DTG trong lĩnh vực thương mại và logistics mà còn góp phần vào việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của cộng đồng thông qua các giải pháp an toàn tiên tiến từ Hatsuta.

Tương lai của ngành logistics tại Đà Nẵng

Với những bước phát triển mạnh mẽ trong hạ tầng logistics và sự xuất hiện của các hợp tác chiến lược quốc tế, Đà Nẵng đang vươn lên trở thành một trung tâm logistics lớn không chỉ của miền Trung mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn quốc. Những tín hiệu tích cực này cho thấy ngành logistics tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục có đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Vận tải và xếp dỡ Hải An dự kiến phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu

Công ty Cổ phần Vận Tải và Xếp Dỡ Hải An (HoSE: HAH) mới đây đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu mã HAHH2328001, theo đó, công ty sẽ phát hành hơn 8,55 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi được ấn định là 1 trái phiếu tương ứng với gần 42.125 cổ phiếu, với tổng giá trị cổ phiếu phát hành chiếm khoảng 6,58% tổng số cổ phiếu dự kiến sau khi phát hành. Sau đợt phát hành này, tổng số cổ phiếu của công ty sẽ lên tới gần 129,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với mức vốn điều lệ hơn 1.298 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu là 17/3/2025. Thời gian đăng ký chuyển đổi sẽ diễn ra từ ngày 24/3/2025 đến 25/3/2025 và thời điểm chuyển đổi dự kiến sẽ vào ngày 2/4/2025.

Theo danh sách sở hữu chứng khoán do VSDC cung cấp, tính đến ngày 17/2/2025, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vận Tải và Xếp Dỡ Hải An là 13,771%. Sau khi hoàn tất chuyển đổi trái phiếu, tỷ lệ sở hữu nước ngoài dự kiến sẽ tăng lên khoảng 18,354%, nhưng vẫn dưới mức giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa là 30% theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Vận Tải và Xếp Dỡ Hải An cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, với mục tiêu đạt tổng sản lượng trên 1,5 triệu TEU, tăng trưởng 12,6% so với năm 2024. Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.243 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến đạt 702 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Hải An sẽ ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của mình.

Đồng thời, công ty cũng thông qua phương án vay vốn từ Ngân hàng HSBC Việt Nam. Hải An dự định vay không quá 300 tỷ đồng trong vòng 60 tháng, nhằm tài trợ cho việc mua tàu container mới mang tên ATOUT. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này sẽ là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua tàu ký giữa Hải An và Thales Navigation S.A., cùng với tài sản hình thành trong tương lai, là tàu Haian Zeta (tên mới của tàu ATOUT).

Những động thái mới của Vận Tải và Xếp Dỡ Hải An cho thấy công ty đang có những kế hoạch mở rộng đầy chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và vay vốn đầu tư vào tàu mới là những bước đi quan trọng giúp Hải An chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ trong ngành vận tải và logistics trong thời gian tới.

Doanh nghiệp logistics Hà Nội đứng đâu trong chuỗi cung ứng?

Ngày 28/2, Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai Hoạt động năm 2025 của Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) đã diễn ra với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ngành, trong đó có ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội. Tại hội nghị, ông Hiệp đã nhấn mạnh vai trò chiến lược của Hà Nội trong chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hà Nội được đánh giá là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ quan trọng của cả nước, sở hữu một mạng lưới hạ tầng logistics phát triển đồng bộ, bao gồm các cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, kho bãi và các tuyến giao thông kết nối liên vùng và quốc tế.

Ông Hiệp khẳng định rằng sự phát triển của ngành logistics đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm chi phí vận chuyển và gia tăng giá trị kinh tế. Tại Hà Nội, logistics không chỉ giúp kết nối các trung tâm sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, ngành logistics Hà Nội hiện đang phải đối diện với nhiều cơ hội và thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Đặc biệt, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ vào quản lý logistics, cũng như phát triển các dịch vụ logistics chất lượng cao đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Theo ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HNLA, Hà Nội hiện chiếm 40% lưu lượng hàng hóa từ các địa phương khác, khẳng định vị trí trọng yếu của thành phố trong hệ thống logistics quốc gia. Hiện nay, thành phố sở hữu 10 khu công nghiệp đang hoạt động, hơn 100 cụm công nghiệp, và một hệ thống các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích khổng lồ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của dân cư. Điều này chứng tỏ ngành logistics Hà Nội phát triển vượt trội so với các khu vực khác trong cả nước.

Mặc dù vậy, ngành logistics Hà Nội vẫn gặp phải một số khó khăn, bao gồm quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn, nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm quốc tế. Đây là những yếu tố cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của ngành.

Tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa. Ông cho rằng việc hợp tác và xây dựng liên minh sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa các quy trình logistics. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao,” ông Lực nói, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành logistics, tiết giảm chi phí, tinh gọn quy trình và theo kịp xu hướng “Xanh hóa và số hóa” ngành logistics. Các dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL và 5PL đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường ngày càng hội nhập.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng đã nhấn mạnh rằng Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành logistics khu vực miền Bắc nhờ vào hệ thống giao thông phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, ông Hải cũng khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành trong tương lai.

Ngành logistics tại Hà Nội đang đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh hợp tác, đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và tối ưu hóa các quy trình logistics sẽ là chìa khóa giúp Hà Nội duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành logistics trong thời gian tới.

TIN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

‘Ông lớn’ logistics Hàn vận chuyển thiết bị quân sự đến Ba Lan

CJ Logistics vừa hoàn tất việc chuyển giao hai máy bay chiến đấu mô phỏng đến Ba Lan, khẳng định năng lực xử lý các thiết bị quân sự yêu cầu độ chính xác và thận trọng cao.

Hai máy bay mô phỏng này do Korea Aerospace Industries (KAI) sản xuất tại nhà máy ở quận Goseong, tỉnh Gyeongsang Nam. Quá trình vận chuyển kéo dài năm tuần, từ tháng 12 đến tháng 1.

Theo CJ Logistics, đợt giao hàng lần này tiếp tục thể hiện cam kết của công ty trong việc đóng góp cho nền quốc phòng Hàn Quốc bằng cách đảm bảo vận chuyển an toàn các tài sản quân sự ra toàn cầu.

Tổng trọng lượng của lô hàng lên tới 28 tấn, bao gồm nhiều linh kiện điện tử và cấu trúc cơ học phức tạp, đòi hỏi sự bảo vệ nghiêm ngặt trước tác động bên ngoài và rung động. Vì vậy, quá trình vận chuyển phải được thực hiện hết sức cẩn trọng để tránh hư hỏng.

Nhằm đảm bảo an toàn, CJ Logistics đã áp dụng “phương pháp mô-đun”, tháo rời máy bay mô phỏng thành 35 bộ phận riêng lẻ, đóng gói tách biệt và vận chuyển bằng 15 xe tải chuyên dụng có khả năng hấp thụ rung động. Các xe này được sử dụng trong cả chặng di chuyển tại Hàn Quốc và Ba Lan. Sau khi đến điểm đến, các thiết bị được lắp ráp lại hoàn chỉnh.

Đáng chú ý, do các thiết bị mô phỏng được phân loại là khí tài quân sự, chúng bị hạn chế bay qua không phận của một số quốc gia. Vì vậy, CJ Logistics đã phải lựa chọn lộ trình dài hơn, bay qua Thái Bình Dương và quá cảnh tại Vancouver trước khi tiếp tục hành trình đến Ba Lan.

“Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao khả năng cạnh tranh và củng cố lòng tin của khách hàng thông qua các giải pháp logistics ổn định. Chuyến hàng này góp phần mở rộng thị phần cho sản phẩm quân sự Hàn Quốc trên thị trường quốc tế,” ông Chang Young-ho, Giám đốc bộ phận giải pháp vận chuyển hàng hóa quốc tế của CJ Logistics, chia sẻ.

Trước đó, vào tháng 10, CJ Logistics cũng đã vận chuyển hai máy bay chiến đấu KAI T-50TH đến Thái Lan bằng phương pháp tương tự. Năm 2022, công ty từng đảm nhận việc chuyển giao chín máy bay phản lực T-50B cho đội bay biểu diễn Black Eagles của Không quân Hàn Quốc tham gia triển lãm hàng không tại Anh.

DHL mở rộng dịch vụ logistics xe điện

DHL đẩy mạnh chiến lược mở rộng hậu cần xe điện (EV) tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc ra mắt ba Trung tâm Xuất sắc về Xe điện (COE).

Các trung tâm này sẽ giúp DHL cung cấp các giải pháp tùy chỉnh cho các nhà sản xuất xe điện, bao gồm hỗ trợ thiết bị vốn cho nhà máy mới, dịch vụ nhập khẩu để sản xuất (I2M), hậu cần xe thành phẩm và dịch vụ hậu mãi.

Là một phần trong Chiến lược 2030, DHL xác định năng lượng mới là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng tại Châu Á. Đáng chú ý, mạng lưới vận tải đường bộ xuyên biên giới của DHL tại ASEAN sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ những sáng kiến này.

Dành cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất pin xe điện, DHL cung cấp dịch vụ quản lý hậu cần toàn diện. Công ty cũng là đối tác hậu cần cho các nhà sản xuất xe điện toàn cầu, đảm nhiệm việc vận chuyển và lưu trữ pin cũng như các linh kiện quan trọng.

Tại các nhà máy lắp ráp, DHL hỗ trợ quản lý chuỗi hậu cần trong nhà máy, bao gồm tiếp nhận nguyên liệu từ nhà cung cấp, kiểm soát kho bãi, lắp ráp linh kiện, cũng như vận chuyển hàng không khẩn cấp cho các lô hàng quan trọng như cell pin và mô-đun.

Năm 2024, DHL đã thành công vận chuyển các nguyên mẫu EV từ Trung Quốc đến Châu Âu, đảm nhiệm toàn bộ quy trình từ thiết kế bao bì bảo vệ, kiểm tra tuân thủ hàng hóa nguy hiểm (DG), đến thông quan xuất khẩu. Tại điểm đến, công ty còn cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như kiểm tra trước khi giao hàng và quản lý bãi xe.

Bên cạnh đó, DHL hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô phương Tây và Châu Á bằng việc thiết lập và quản lý mạng lưới hậu cần EV sau bán hàng. Công ty hiện đang vận hành các trung tâm phân phối phụ tùng tại nhiều thị trường trọng điểm ở khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường xe điện tại Châu Á, các COE của DHL sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai hậu cần EV. Công ty được đánh giá có vị thế vững chắc để hỗ trợ làn sóng tăng trưởng xe điện tiếp theo trong khu vực.

Theo ông Fathi Tlatli, Chủ tịch Ngành Di động Tự động Toàn cầu tại DHL Customer Solutions & Innovation, trong vòng 5 năm tới, Châu Á dự kiến chiếm 63% lượng xe điện mới được bán trên toàn cầu.

“Một hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiệu quả là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này. Các trung tâm xuất sắc về xe điện tại Thượng Hải, Singapore và Indonesia sẽ là những trung tâm chuyên môn, thúc đẩy sự phát triển của ngành xe điện trong khu vực,” ông nhấn mạnh.

Các COE của DHL hoạt động như trung tâm chuyên môn về hậu cần xe điện, cung cấp giải pháp tích hợp toàn diện cho chuỗi cung ứng EV. Những cơ sở này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng của công ty mà còn góp phần củng cố các dịch vụ tập trung vào EV của DHL.

Ba trung tâm mới tại Trung Quốc, Singapore và Indonesia sẽ được kết nối với mạng lưới COE toàn cầu của DHL tại 10 quốc gia khác, bao gồm Italy, Anh, Mexico và UAE. Trong tương lai, công ty có kế hoạch mở rộng dấu ấn COE EV tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan.

Ngành vận tải biển thận trọng khi hạn chót của Houthi trôi qua, viện trợ Gaza vẫn bị đình trệ

Ngành vận tải biển đang theo dõi sát tình hình tại Biển Đỏ khi lực lượng Houthi cảnh báo sẽ nối lại các cuộc tấn công vào tàu thương mại nếu lệnh phong tỏa Gaza không được dỡ bỏ.

Houthi tuyên bố giữ vững hạn chót tới ngày 11/03 đã đưa ra cho Israel, đồng thời đe dọa tiếp tục tấn công ở Biển Đỏ và Vịnh Aden sau khi Israel đình chỉ mọi hoạt động viện trợ đến Gaza từ ngày 2/3 và cắt điện tại khu vực này vào Chủ nhật vừa qua.

Philippe Lazzarini, Tổng Ủy viên UNRWA, cảnh báo tình hình nhân đạo tại Gaza đang xấu đi nhanh chóng, đồng thời cho rằng viện trợ đang bị biến thành công cụ chiến tranh.

Từ cuối năm 2023 đến nay, hơn 100 tàu đã bị tấn công tại khu vực này. Mặc dù các cuộc tấn công đã tạm ngừng trong năm nay do thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ giữa Israel và Hamas, nguy cơ bạo lực gia tăng vẫn hiện hữu.

Trước diễn biến này, công ty an ninh hàng hải Anh Ambrey khuyến cáo các tàu thương mại đánh giá rủi ro và xác minh liệu họ có nằm trong danh sách mục tiêu của Houthi hay không trước khi di chuyển qua Biển Đỏ và Vịnh Aden.

COSCO Shipping khai trương tuyến vận tải ô tô mới từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải

COSCO Shipping chính thức ra mắt tuyến dịch vụ vận chuyển ô tô mới từ Trung Quốc đến khu vực Địa Trung Hải vào tháng 3/2025, kết nối nhiều cảng lớn và ứng dụng công nghệ giám sát hiện đại.

Đây là tuyến vận tải quốc tế thứ năm của COSCO Shipping, sau các tuyến kết nối Trung Quốc với Vịnh Ba Tư, Nam Phi, Châu Âu và Nam Mỹ. Tuyến Trung Quốc – Địa Trung Hải sẽ có tần suất một chuyến mỗi tháng, cập bến tại các cảng quan trọng như Piraeus (Hy Lạp) và Livorno (Ý).

Ngoài việc phục vụ thị trường Địa Trung Hải, tuyến dịch vụ này còn hỗ trợ vận chuyển ô tô đến các quốc gia châu Âu và Bắc Phi như Ai Cập, Romania, Cyprus, Pháp, Tây Ban Nha, Morocco, Tunisia, Malta và Slovenia.

COSCO Shipping cũng tích hợp nền tảng giám sát vận chuyển tiên tiến, cung cấp thông tin theo dõi theo thời gian thực về vị trí và tình trạng hàng hóa, giúp khách hàng kiểm soát lộ trình vận chuyển chặt chẽ hơn.

Thuế quan mới của Mỹ đe dọa làm tái bùng phát lạm phát: Hargreaves Lansdown

Sau đợt giảm điểm vào thứ Ba, Phố Wall có vẻ sẽ có một khoảng thời gian tạm nghỉ. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn hiện hữu, đặc biệt khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng sắp được công bố. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo sẽ giảm nhẹ từ 3% xuống 2,9% trong tháng 2, nhưng áp lực giá cả vẫn đang ở mức cao. Tổng thống Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng kiểm soát lạm phát khi quay lại Nhà Trắng, nhưng chính sách thương mại cứng rắn của ông lại có thể khiến giá cả tăng trở lại. Với mức thuế 25% áp lên các nhà nhập khẩu thép và nhôm tại Mỹ, chi phí sản xuất trong nhiều ngành, đặc biệt là ô tô và thực phẩm, sẽ bị đội lên. Giá trứng đã là vấn đề nóng, nhưng chi phí sản xuất lon nước ngọt hay hộp đậu cũng có thể trở thành vấn đề tiếp theo. Các nhà sản xuất khó có thể hoàn toàn gánh chịu các chi phí tăng thêm này, và ngành ô tô có nguy cơ phải đối mặt với áp lực kép: chi phí sản xuất cao hơn trong khi người tiêu dùng lại thận trọng hơn, không sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm giá trị lớn giữa bối cảnh bất ổn. Tình trạng đình trệ kinh tế (stagflation) – sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm – đang dần quay lại, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ suy thoái. Cục Dự trữ Liên bang Atlanta dự báo GDP Mỹ có thể suy giảm tới 2,8% trong quý đầu tiên, mặc dù con số này có thể được điều chỉnh khi có thêm dữ liệu mới.

Theo Susannah Streeter, Giám đốc thị trường tài chính của Hargreaves Lansdown, lợi thế mà Trump mang lại đang dần chuyển thành áp lực, khiến các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần đối mặt với sự biến động gia tăng. Mối quan tâm lớn hiện nay là tác động của thuế quan, khi mức thuế 25% đối với nhập khẩu thép và nhôm đã chính thức có hiệu lực, gia tăng nguy cơ các quốc gia sẽ có các biện pháp trả đũa lẫn nhau. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, trong khi EU dự kiến sẽ áp thuế trả đũa vào tháng 4. Tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư tại Phố Wall đang lan rộng ra thị trường châu Á, với chỉ số Nikkei gần như đi ngang và các chỉ số của Trung Quốc chìm trong sắc đỏ.

Ngoài chính sách của Mỹ, thị trường còn dõi theo tình hình tại Ukraine và biến động giá dầu. Quan hệ Mỹ – Ukraine đã có dấu hiệu tích cực, và khả năng ngừng bắn trong 30 ngày đang được xem xét. Các cuộc đàm phán tại Ả Rập Xê Út đã tạo áp lực lên Nga, khi thỏa thuận chấm dứt xung đột đang được thảo luận. Nếu thỏa thuận này thành công, khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ gia tăng, từ đó làm tăng nguồn cung dầu từ Nga. Giá dầu đã giảm khi triển vọng nguồn cung tăng lên, trong khi lo ngại về tác động của chính sách Trump đối với tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng vẫn còn. Giá dầu Brent hiện đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng, dao động quanh mức thấp nhất trong sáu tháng qua.