SỰ KIỆN NỔI BẬT
10 sự kiện Logistics Việt Nam năm 2024
Năm 2024, lĩnh vực Logistics Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện Logistics Việt Nam năm 2024.
- Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do – giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” đã diễn ra thành công tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sự kiện này tập trung thảo luận về những thách thức và cơ hội của ngành logistics Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và cạnh tranh của ngành. Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặt ra các mục tiêu phát triển cụ thể. Diễn đàn đã tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp, nhà quản lý và các chuyên gia cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như chi phí logistics cao, thiếu hụt nhân lực chất lượng, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng. Qua diễn đàn, các đại biểu đã nhất trí về tầm quan trọng của việc xây dựng các khu thương mại tự do, cải thiện kết cấu hạ tầng, và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ngoài Phiên toàn thể, Diễn đàn còn bao gồm Phiên hội thảo chuyên đề và hoạt động khảo sát thực tế tại Cảng Quốc tế Gemalink. Các hoạt động giao lưu, kết nối bên lề Diễn đàn giúp các doanh nghiệp mở rộng quan hệ và cơ hội kinh doanh.
- Thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Chiều 30/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đây là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, một dự án quy mô lớn với tổng chiều dài gần 1.541km, kết nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư xây dựng hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ hiện đại, với tốc độ thiết kế lên đến 350km/h. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, dự án còn có khả năng vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
- Đà Nẵng được phép thí điểm làm khu thương mại tự do
Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, được quy định trong Nghị quyết 136/2024/QH15, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Khu thương mại tự do này, kết hợp với cảng biển Liên Chiểu, sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu và phát triển chuỗi cung ứng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương khác có thể nhân rộng mô hình này.
- Việt Nam tiếp nhận quyền đăng cai Đại hội FIATA 2025
Tại Đại hội Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) 2024 tổ chức ở thành phố Panama, Cộng hoà Panama, đại diện Việt Nam là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã chính thức nhận quyền trượng đăng cai tổ chức Đại hội FIATA 2025 (FWC 2025).
Với chủ đề “Logistics xanh và thích ứng nhanh”, FWC 2025 dự kiến sẽ được tổ chức trong các ngày 6 – 10/10/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là một cơ hội vàng để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu những thành tựu của ngành logistics và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
- Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ 2
Ngày 1/8, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) với chủ đề “Logistics xanh – nền tảng phát triển bền vững”, đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 400 gian hàng của hơn 300 công ty đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
VILOG 2024 đã mang đến một cái nhìn toàn diện về những xu hướng và đổi mới mới nhất trong ngành logistics. Các gian hàng trưng bày đa dạng các giải pháp, từ các hệ thống tự động hóa kho bãi đến các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng thông minh. Đặc biệt, chủ đề “Logistics xanh” đã được các doanh nghiệp quan tâm và giới thiệu nhiều giải pháp thân thiện với môi trường. Các hội thảo chuyên đề đồng hành cùng triển lãm đã giúp các đại biểu đi sâu vào các vấn đề cốt lõi của ngành như logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững và ứng dụng công nghệ trong logistics.
- Kết nối hai cảng tại Cái Mép theo cơ chế “cảng mở”
Ngày 24/5/2024, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (TCTT) đã chính thức mở cổng kết nối giữa hai cảng. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong mô hình hợp tác khai thác và phát triển cảng biển; nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng mà xa hơn nữa là tạo điều kiện phát triển Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Hai cảng biển này có vị trí nằm liền kề nhau trong khu cảng nước sâu Cái Mép, và có nhiều điểm tương đồng về hạ tầng cầu bến cảng để kết nối tạo thành một bến chung ở giữa. Việc hình thành bến chung sẽ giúp quy mô cầu cảng dài hơn, nâng cao năng lực khai thác, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng cường năng lực tiếp nhận tàu của cả hai bên. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép.
- Diễn đàn “Ngày hàng hóa hàng không” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam
Ngày 7-8/11/2024, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Ngày Hàng hóa hàng không Việt Nam 2024 (Air Cargo Day Viet Nam 2024) do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam (VIAExpo) đồng tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST).
Với chủ đề “Đảm bảo tương lai của hàng hóa hàng không: số hóa và tuân thủ”, Diễn đàn là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành vận tải hàng không và logistics cũng như các cơ quan quản lý cập nhật những thay đổi quan trọng về quy định, tiêu chuẩn và công nghệ trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh ngành hàng không ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tối ưu hóa quy trình vận tải bằng số hóa và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là rất cấp thiết.
- Khai trương Công viên Logistics Viettel
Ngày 11/12/2024, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Công viên có diện tích 143 ha, tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, được thiết kế như một khu logistics tích hợp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thông quan, xuất nhập khẩu, bảo quản hàng hóa, đồng thời là trung tâm giao dịch hàng thương mại điện tử và nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung tâm điều hành (NOC) là nơi làm việc của các cơ quan chức năng như hải quan Việt Nam, hải quan Trung Quốc, bộ đội biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Đồng thời, đây cũng là nơi giám sát và điều phối mọi hoạt động trong Công viên thông qua dữ liệu từ hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho thông minh WMS, cùng dữ liệu từ hơn 2.000 camera lắp đặt trên khắp khuôn viên. NOC sử dụng công nghệ Digital Twin, số hóa dữ liệu từ các thiết bị IoT, giúp giám sát hiệu suất, lưu lượng hàng hóa, phương tiện, đồng thời dự đoán lưu lượng và cảnh báo sự cố tiềm ẩn.
Với thiết kế vận hành tối ưu, kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại.
- Ra mắt Hiệp hội Logistics và Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 02/12/2024, Hiệp hội Logistics và Cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chính thức ra mắt nhân dịp Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Việc thành lập Hiệp hội Logistics và Cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh dấu lần đầu tiên tỉnh có một hiệp hội ngành nghề chuyên biệt dành riêng cho lĩnh vực logistics – “huyết mạch” quan trọng của địa phương và khu vực Đông Nam Bộ. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng khẳng định tiềm năng và vị thế của tỉnh trong hai lĩnh vực logistics và khai thác cảng, mà còn thể hiện vai trò tiên phong và quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong chiến lược phát triển mô hình Cảng biển và Logistics tích hợp theo xu hướng toàn cầu hóa.
Sau Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thứ 5 có Hiệp hội riêng về logistics.
- Triển khai thí điểm dự án logistics xanh giữa Hải Phòng và Bắc Kạn
Ngày 7-8/11/2024, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Ngày Hàng hóa hàng không Việt Nam 2024 (Air Cargo Day Viet Nam 2024) do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam (VIAExpo) đồng tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST).
Với chủ đề “Đảm bảo tương lai của hàng hóa hàng không: số hóa và tuân thủ”, Diễn đàn là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành vận tải hàng không và logistics cũng như các cơ quan quản lý cập nhật những thay đổi quan trọng về quy định, tiêu chuẩn và công nghệ trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh ngành hàng không ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tối ưu hóa quy trình vận tải bằng số hóa và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là rất cấp thiết.
HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI
VALOMA Thúc Đẩy Kết Nối Logistics Tại Hải Phòng
Ngày 4/1/2025, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức chuyến khảo sát và làm việc tại một số doanh nghiệp và cơ sở đào tạo logistics tại Hải Phòng. Đây là hoạt động mở đầu năm 2025, nhằm thực hiện kế hoạch kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo và thúc đẩy hợp tác phát triển nhân lực logistics chất lượng cao.
Dẫn đầu đoàn khảo sát là ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kiêm Chủ tịch danh dự của VALOMA, cùng sự tham gia của đại diện Ban Hội viên, Ban Đào tạo VALOMA, và đông đảo giảng viên, sinh viên chuyên ngành logistics. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Sứ mệnh của VALOMA là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực logistics và chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và xu hướng toàn cầu hóa.”
Đoàn đã tham quan Khu tổ hợp nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên. Đây là liên doanh giữa Tập đoàn Damen (Hà Lan) và Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Với diện tích 43ha, nhà máy chuyên sản xuất và bàn giao hơn 40 tàu mỗi năm, bao gồm các loại tàu lai dắt, tàu công trình và phà cao tốc. Ông Quách Đình Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Damen Sông Cấm, cho biết nhà máy không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm mà còn áp dụng các quy trình logistics hiện đại trong quản lý và vận hành.
Tại quận Dương Kinh, đoàn khảo sát đã tìm hiểu quy trình vận hành tại kho CFS của Maersk – một trong những trung tâm logistics hàng đầu tại khu vực. Kho xưởng hiện đại này có diện tích hơn 27.200m², phục vụ khai thác hơn 2 triệu m³ hàng hóa mỗi năm. Với vị trí chiến lược gần cảng biển nước sâu Lạch Huyện và các tuyến cao tốc quan trọng, trung tâm logistics này được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, và các thiết bị phòng cháy chữa cháy tiên tiến.
Đại học Hàng hải Việt Nam cũng là một điểm đến quan trọng của đoàn. Tại Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong – Nhật Bản, đại diện nhà trường đã giới thiệu các chương trình đào tạo logistics kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Các khóa học như “Nghiệp vụ logistics chuyên sâu” hay “Quản lý cảng biển hiệu quả” đã thu hút sự quan tâm lớn từ sinh viên và các doanh nghiệp trong ngành. TS. Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, chia sẻ: “Chúng tôi tập trung đào tạo thực chiến, giúp học viên nắm bắt kỹ năng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu công việc ngay khi ra trường.”
Hoạt động khảo sát của VALOMA tạo cơ hội để các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo thảo luận kinh nghiệm thực tế và đề xuất các mô hình hợp tác. Đại diện các bên cũng nhấn mạnh vai trò của việc gắn kết đào tạo với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành logistics hiện nay. Sự kiện đánh dấu bước khởi đầu tích cực cho năm 2025, khẳng định nỗ lực của VALOMA trong việc kết nối và phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam.
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VIÊN
VALOMA tham dự Hội thảo khoa học “Thách thức, xu hướng và cơ hội trong kỹ thuật logistics – LETCO – 2024”.
Ngày 27-28/12/2024 tại Trường Đại học Nha Trang đã diễn ra Hội thảo Khoa học: “Thách thức, xu hướng và cơ hội trong kỹ thuật Logistics – LETCO-2024” thành công tốt đẹp với sự tham gia của nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, và các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật Logistics trong đó có sự tham dự của PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch VALOMA. Sự kiện đã mang lại một diễn đàn học thuật sôi động, thúc đẩy sự gắn kết giữa lý luận khoa học và thực tiễn ứng dụng.
Tại hội thảo, ban tổ chức nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của kỹ thuật logistics trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đưa ra các chủ đề thảo luận như: Thách thức trong kỹ thuật logistics (chi phí vận hành cao, thiếu nhân lực chất lượng cao, áp lực giảm khí thải và phát triển logistics xanh để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quốc tế); xu hướng trong ngành logistics (ứng dụng công nghệ IoT, AI để theo dõi trạng thái hàng hóa theo thời gian thực, dự đoán nhu cầu khách hàng; blockchain trong chuỗi cung ứng nhằm tăng tính minh bạch, tin cậy trong giao dịch thương mại quốc tế; tự động hóa và robot logistics giúp nâng cao hiệu quả vận hành tại các trung tâm phân phối, nhà kho thông minh). Các đại biểu cũng trao đổi về cơ hội cho logistics trong thời đại 4.0 như: Khả năng mở rộng thị trường quốc tế nhờ thương mại điện tử toàn cầu phát triển mạnh mẽ, hợp tác giữa các tổ chức đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với các xu thế kỹ thuật mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam thông qua cải thiện hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ logistics…
Đây là diễn đàn học thuật nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa lý luận khoa học và thực tiễn ứng dụng. Qua đó, giúp các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu nhận diện các thách thức, khám phá xu hướng phát triển mới và đề xuất cơ hội hợp tác, đổi mới công nghệ, hướng tới một ngành logistics bền vững và hiệu quả hơn trong thời đại công nghiệp 4.0.
TIN TRONG NƯỚC
Logistics là ngành tăng trưởng mạnh nhất TP HCM năm 2024
Nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, vận tải – kho bãi là ngành tăng trưởng cao nhất tại TP HCM năm qua, với 17,85%. Theo số liệu vừa công bố của Cục Thống kê TP HCM, hoạt động logistics góp đến 25,4% vào mức tăng GRDP. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt 7,17%.
Cụ thể, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 460.849 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2023. Trong khi vận tải hành khách giảm 8,3% thì vận tải hàng hóa tăng 12,2% và dịch vụ hỗ trợ tăng 47,9%.
Gần 72,5% tổng doanh thu ngành đến từ hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính và chuyển phát, ước đạt hơn 333.900 tỷ đồng và tăng 47,9% so với năm 2023. Cục Thống kê nhận định: “Hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy dịch vụ logistic Thành phố”.
Theo báo cáo của Sở Công Thương từ tháng trước, TP HCM được cho rằng đang dần trở thành đầu tàu trong lĩnh vực thương mại điện tử với mức tăng trưởng 52% năm 2024, so với mức 42% của cả nước. Xét về doanh số, Thành phố dẫn đầu và chiếm 33% cả nước. Theo cơ quan này, sự bùng nổ, duy trì và phát triển của các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki cùng sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử và tiếp thị số đã hình thành nên hệ sinh thái thương mại điện tử sôi động bậc nhất cả nước.
Bên cạnh đó, TP HCM còn lợi thế nhờ hạ tầng công nghệ tiên tiến, với tổng số thuê bao Internet dẫn đầu cả nước, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mạng lưới viễn thông phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận thương mại điện tử và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam năm qua vượt 25 tỷ USD, tức ước tính quy mô thị trường TP HCM đã vượt trên 8 tỷ USD với hơn 28.400 website (chiếm gần 47% cả nước), 305 ứng dụng bán hàng (hơn 45% cả nước), 165 ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử (hơn 43% cả nước) đã đăng ký.
Tính chung 2024, động lực tăng trưởng chính của kinh tế TP HCM vẫn là khu vực dịch vụ, với tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP và đóng góp gần 69% vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,89% và đóng góp 22,5% vào mức tăng GRDP.
Theo Cục Thống kê, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm. Ngành chế biến, chế tạo là trụ cột của công nghiệp nhưng có mức tăng thấp hơn so với toàn ngành.
Hoạt động xây dựng chỉ đóng góp 2,4% vào mức tăng GRDP chủ yếu do việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt mục tiêu, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng ngành này và các lĩnh vực liên quan, qua đó làm giảm đà tăng trưởng của đầu tàu kinh tế.
Vốn đổ vào làm ăn cũng chưa thực sự khởi sắc. Thu hút FDI năm qua hơn 2,28 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ 2023. Từ đầu năm đến ngày 20/12, Thành phố cấp phép 48.012 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký đạt 402.033 tỷ đồng, giảm 7,9% về giấy phép và giảm 14,5% về vốn so với cùng kỳ. Nhìn chung, môi trường kinh doanh trên địa bàn chưa có đột phá khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 3,1% trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui tăng 5,2% năm qua.
Logistics Việt Nam: tự tin vươn mình trong kỷ nguyên mới
Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics. Đặc biệt, sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và quyết tâm của doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đưa ngành logistics Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) ghi nhận, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm và là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Đáng lưu ý, Việt Nam hiện tại đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN.
Mới đây, Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Những con số này khẳng định vai trò quan trọng đa chiều với sự tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu.
Khẳng định logistics mở đường cho thương mại, sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực logistics; trong đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ là nhân tố chiến lược để có thể đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Hơn nữa, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho ngành dịch vụ logistic phát triển bởi dù giao dịch được thực hiện trên môi trường Internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng ban Logistics cho thương mại điện tử – Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự xây dựng và tự phát triển công nghệ thông tin để thích ứng và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này giúp doanh nghiệp thích ứng, chia sẻ dữ liệu nhanh hơn giữa các công ty cung cấp nền tảng cũng như doanh nghiệp logistics với nhau.
Ông Nguyễn Đắc Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Phát Logistics chia sẻ: Hoà Phát Logistics đã chính thức công bố vận hành hệ thống các phần mềm quản lý vận tải. Đây cũng là một trong những chiến lược quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2024 – 2026, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030 của Hòa Phát Logistics, đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.
Mới đây, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc – Việt Nam SuperPortTM và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nền tảng tùy chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á. Sáng kiến này tạo điều kiện để các SME tiếp cận giải pháp logistics toàn diện; trong đó, Việt Nam SuperPort đóng vai trò là trung tâm phân phối đa phương thức được hỗ trợ bởi nền tảng thương mại điện tử, bước đầu thí điểm tại Vĩnh Phúc trước khi mở rộng ra các tỉnh thành khác và các thị trường trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, với hạ tầng bưu chính và logistics phủ khắp trong nước và quốc tế của Vietnam Post kết hợp với giải pháp công nghệ mà Việt Nam SuperPort cung cấp dịch vụ toàn diện giúp các doanh nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam SuperPortTM, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (UTT) và Học viện Chuỗi cung ứng và Logistics Singapore (SCALA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thành lập Phòng thí nghiệm logistics tiên tiến và triển khai các sáng kiến góp phần củng cố vị thế của Việt Nam là một trung tâm logistics quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định rằng logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện hiệu quả giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại. Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Bởi vậy, Dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt; trong đó, có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là những nội dung quan trọng, thiết thực với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam và nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt Việt – Trung
Chiều 7/1, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Công ty Việt Nam SuperPort™ và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với phát triển hạ tầng logistics đường sắt.
Sự kiện không chỉ tạo điều kiện cho ngành vận tải, logistics và thương mại của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mà còn tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo đó, Việt Nam SuperPort™ là cảng logistics đa phương thức có diện tích lên đến 83 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là liên doanh chiến lược giữa Tập đoàn YCH, nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng hàng đầu của Singapore với gần 70 năm kinh nghiệm dẫn đầu trong ngành, và Tập đoàn T&T (Việt Nam), nằm trong top 10 tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất tại Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam SuperPort™ và Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả đến và đi từ Việt Nam SuperPort™. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với cảng logistics đa phương thức này nhằm nâng cao năng lực hậu cần.
Cụ thể, Việt Nam SuperPort™ được định vị là trung tâm trung chuyển chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Ngoài ra, Việt Nam SuperPort™ cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam bên cạnh quan hệ đối tác với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải. Nội dung hợp tác tập trung vào việc xây dựng nhà ga hàng hóa đường sắt tại cảng logistics đa phương thức và một tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia Việt Nam; phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Tại đây, Việt Nam SuperPort™ sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp bao gồm: Lên kế hoạch, xử lý hàng hóa, quản lý kho vận, phân phối, vận chuyển đa phương thức… từ đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt.
CEO Việt Nam SuperPort™, tiến sĩ Yap Kwong Weng nhấn mạnh, tầm quan trọng của các quan hệ đối tác chiến lược này trong việc hiện thực hóa tầm nhìn cảng logistics đa phương thức. Dự án với diện tích 83ha sẽ tích hợp giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt. Ông khẳng định: “Phát triển ngành logistics gắn với kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt sẽ góp phần nâng cao năng lực hậu cần quốc gia cũng như tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, bà Nguyễn Thị Phương Hiền cho hay, Việt Nam SuperPort™ là nhà phát triển hạ tầng logistics lớn với tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với lộ trình phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, bền vững của Bộ Giao thông vận tải.
Bà Hiền chia sẻ thêm: “Quan hệ đối tác chiến lược này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy hiệu quả phát triển hạ tầng giao thông mà còn hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của ngành logistics, nâng cao quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực”.
Nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam SuperPort™ và các đối tác chiến lược là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực ngành logistics và giao thông vận tải của Việt Nam. Bằng cách tận dụng chuyên môn của các đối tác chủ chốt, dự án đặt mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.
Cảng Hải Phòng sáp nhập cảng Hoàng Diệu và cảng Chùa Vẽ vào đầu năm 2025
Năm 2024, Cảng Hải Phòng ghi nhận một năm hoạt động hết sức ấn tượng. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đạt gần 40 triệu tấn, tăng mạnh so với năm trước, trong đó hàng tổng hợp đạt con số ấn tượng trên 8 triệu tấn. Với doanh thu vượt mốc 2.900 tỷ đồng, Cảng Hải Phòng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Đặc biệt, Cảng Hoàng Diệu tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng bách hóa tại Hải Phòng với sản lượng đạt 7,6 triệu tấn và doanh thu ước đạt 515 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tường Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết: nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng tiếp nhận tàu và hàng tổng hợp, Công ty CP cảng Hải Phòng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch đầu tư, nâng cấp quan trọng cho năm 2025 tại các bến cảng của công ty. Đồng thời dịch chuyển nhân lực, trang thiết bị tới các bến cảng Chùa Vẽ, cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ.
Một số dự án tiêu biểu nằm trong kế hoạch triển khai bao gồm:
- Sáp nhập cảng Hoàng Diệu và cảng Chùa Vẽ ngay trong đầu năm 2025.
- Nâng cấp cầu cảng và bổ sung thiết bị, nhân lực chất lượng cao để tiếp nhận cỡ tàu lên đến 40.000 DWT tại cảng Chùa Vẽ.
- Nâng cấp độ sâu luồng đến -8,5m và mở rộng vũng quay tàu đến 300 m để tăng khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn vào cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ.
- Đầu tư thêm 4 cẩu STS hiện đại cho cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ…
TP.HCM sẽ khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics trước 30/4
Chiều 7/1, tại hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của Sở Công Thương TP.HCM, Phó giám đốc Sở Lê Huỳnh Minh Tú cho biết ngành công thương TP.HCM năm nay sẽ triển khai nhiều đề án lớn và trọng điểm.
Trong đó có đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao; đề án xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại TP.HCM; đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP.
Cũng trong sự kiện này, Sở Công Thương sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ kết nối với các trung tâm kinh tế. Trong đó, TP dự kiến khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics trước ngày 30/4.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Kinh tế – Kế hoạch – Đầu tư, UBND TP Thủ Đức cũng cho biết đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các sở ngành triển khai thực hiện thành lập 4 trung tâm logistics đặt tại Khu Công nghệ cao, Cát Lái, Long Bình và Linh Trung.
Qua đó, góp phần đạt mục tiêu chung đề ra tại Đề án là tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 đạt 15%, đến 2030 đạt 20%. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP đến năm 2025 đạt 10% và đến 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10-15%.
Vừa qua, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua và công bố, sắp tới TP.HCM tiếp tục trình thông qua Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cho rằng điều quan trọng là công tác triển khai trong thời gian tới để đạt hiệu quả tốt, do đó ngành công thương cần tập trung tham mưu, cụ thể hóa 7 nội dung hợp phần liên quan.
Riêng với những đề án ngành công thương tập trung triển khai trong năm nay, ông Dũng đánh giá sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP, do đó ông kỳ vọng ngành tập trung triển khai có hiệu quả.
Đồng thời, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển, lãnh đạo TP giao Sở Công Thương đã tiếp tục triển khai các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Về phía các doanh nghiệp và hiệp hội, ông đề nghị các đơn vị tiếp cận, nghiên cứu quy hoạch của TP và các chính sách, chương trình liên quan, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh tận dụng tốt thời cơ.
Nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do kết nối sân bay Long Thành và cảng Phước An
Ngày 9/1, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty CT nhằm thảo luận, xúc tiến phát triển khu thương mại tự do (free trade zones – FTZ) kết nối sân bay Long Thành và cảng Phước An.
Dưới góc độ của đơn vị tư vấn các dự án khu thương mại tự do, CTS Việt Nam cho biết đây là một hướng đi chiến lược, phù hợp với các xu thế toàn cầu và các mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
CTS Việt Nam cho rằng Đồng Nai là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển khu thương mại tự do với cấu trúc liên kết giữa sân bay Long Thành, cảng Phước An và hệ sinh thái các khu công nghiệp, góp phần đưa Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, sản xuất và thương mại hiện đại bậc nhất khu vực.
Cũng theo đại diện CTS Việt Nam, khu thương mại tự do kết nối với sân bay Long Thành hình thành sẽ mang lại các lợi ích như thu hút đầu tư chiến lược; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương. Đồng thời, khi kết nối khu thương mại tự do này sẽ tạo ra các lợi thế trong liên kết đa phương thức; tăng năng lực vận chuyển hàng hóa; giảm chi phí logistics; phát triển thành trung tâm logistics. Cùng với đó, kết hợp được lợi thế hệ sinh thái các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe trình bày từ phía doanh nghiệp tư vấn, lãnh đạo Đồng Nai yêu cầu các sở ngành sớm hoàn thiện văn bản, xin chủ trương Chính phủ cho tỉnh được nghiên cứu đề xuất thành lập khu thương mại tự do tại đô thị sân bay Long Thành. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu thành lập tổ nghiên cứu xây dựng Đề án Khu thương mại tự do kết nối Sân bay Long Thành và Cảng Phước An với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan, đơn vị tư vấn và các chuyên gia để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét vào đầu quý 2/2025.
Cần Thơ Lập Quy Hoạch Chi Tiết Khu Dịch Vụ Tổng Hợp, Logistics Khu Bến Cái Cui
Cần Thơ vừa công bố Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dịch vụ tổng hợp, logistics khu bến Cái Cui, do Viện Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Xây dựng Cần Thơ thực hiện. Dự án có diện tích 14,97ha, nằm tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đây là một bước quan trọng nhằm phát triển hệ thống logistics hiện đại, bền vững và thúc đẩy tiềm năng kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch, khu đất này có vị trí đắc địa, phía Đông Bắc giáp cảng Cái Cui, phía Tây Bắc và Tây Nam giáp Khu công nghiệp Hưng Phú I (Cụm A), và phía Đông Nam giáp sông Cái Cui thuộc tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu của dự án là xây dựng hạ tầng logistics đồng bộ, bao gồm hệ thống nhà kho, chuỗi kho lạnh hiện đại, và các dịch vụ logistics trọn gói. Dự án cũng nhằm tận dụng lợi thế từ cảng biển Cái Cui, phát triển trung tâm logistics hạng II tại quận Cái Răng, qua đó nâng cao năng lực vận tải hàng hóa khu vực và tăng cường kết nối quốc tế.
Quy hoạch được thiết kế theo hướng “công trình xanh”, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Các giải pháp bao gồm tổ chức giao thông thuận lợi với hệ thống giao thông nội bộ và kết nối vùng, thiết kế không gian hài hòa với cảnh quan xung quanh, đồng thời đảm bảo yếu tố bền vững phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn khu vực.
Dự kiến tiến độ thực hiện quy hoạch tối đa là 7 tháng, bao gồm 1 tháng lập nhiệm vụ quy hoạch và 6 tháng lập đồ án chi tiết. Quy hoạch này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án logistics tại quận Cái Răng mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai, hỗ trợ di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thiệt hại kinh tế.
Viện Quy hoạch Xây dựng đã trình UBND quận Cái Răng xem xét và phê duyệt đồ án, làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo. Việc hoàn thành quy hoạch này sẽ tạo tiền đề cho sự hình thành một trung tâm logistics hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp nào thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong ngành logistics?
Chiều 9/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức liên quan, nhằm tạo ra một diễn đàn quan trọng để các bên chia sẻ ý kiến, hợp tác và cùng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Chuyển đổi số trong logistics mang lại nhiều lợi ích và cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành logistics trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông cho biết, với lợi thế địa kinh tế và sự hội nhập sâu rộng, ngành logistics Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hỗ trợ sự phát triển của ngành, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và cơ chế, giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhờ đó, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, như chỉ số hiệu quả logistics (LPI) ngày càng cải thiện và tốc độ tăng trưởng doanh thu cao.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh rằng, để đạt được những thành công lớn hơn trong tương lai, ngành logistics cần phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh ngày càng tăng và tự mình nỗ lực không ngừng. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics.
Ông Hải cho biết, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số trong ngành logistics là một trong những ưu tiên hàng đầu. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics tăng lên, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn hạn chế
“Thương mại số tại Việt Nam” là một dự án hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước, đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID đã giới thiệu về Dự thảo Báo cáo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam – Thực trạng và khuyến nghị” do Nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án thực hiện nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các nhóm ngành dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải và giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.
Trên cơ sở khảo sát thực tiễn ứng dụng chuyển đổi số của các trường hợp điển hình thuộc 4 nhóm doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp kho bãi, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp thương mại điện tử, Báo cáo nhận định với quy mô thị trường lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong ngành logistics.
Khảo sát cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tương đối cao. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.
Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có sự khác biệt giữa các nhóm ngành và loại hình doanh nghiệp; các doanh nghiệp FDI và nhóm giao hàng chặng cuối có mức độ chuyển đổi số cao hơn nhờ lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế, và áp lực thị trường.
Khuyến nghị để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam
Trên cơ sở phân tích các khó khăn, rào cản cũng như những bài học thành công, Nhóm nghiên cứu đưa ra các đề xuất về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam dựa trên các các trụ cột chính: Nhận thức, nguồn lực và cách làm. Trong đó nhấn mạnh những giải pháp hướng đến các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp logistics, Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại.
Ở góc độ vĩ mô, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp giúp tạo thể chế, môi trường và nguồn lực từ thị trường thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các đề xuất giải pháp này hướng đến vai trò của các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội logistics, hiệp hội ngành hàng.
Nhóm chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần ban hành chiến lược quốc gia về phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó tích hợp các mục tiêu và phương án chuyển đổi số trong logistics; thành lập một Cơ quan đầu mối quốc gia để triển khai chiến lược này; Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử, vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số; tích hợp các chức năng về giám sát mạng lưới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Ban hành cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics; thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiên phong trong triển khai chuyển đổi số và kết nối các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị. Đưa các kỹ năng số vào chương trình đào tạo về chuyên ngành logistics; chú trọng phát triển đào tạo nghề nghiệp cho các vị trí trực tiếp trong ngành song song với đào tạo bậc đại học…
Đồng thời, Việt Nam cần chú trọng phát triển nhân tài và nghiên cứu, ví dụ nên xem xét thành lập một trường Đại học và Viện Nghiên cứu đẳng cấp thế giới chuyên về chuỗi cung ứng toàn cầu với AI, thương mại số, Logistics và tính bền vững; giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề về Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về những vấn đề cấp bách liên quan đến chuyển đổi số trong ngành logistics, từ việc đánh giá tình hình hiện tại đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể. Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo đã xác định rõ các thách thức và cơ hội, đồng thời đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề này, tạo ra một lộ trình rõ ràng cho sự phát triển của ngành logistics trong tương lai.
TIN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
Động lực thúc đẩy logistics Trung Quốc
Ngành logistics Trung Quốc phát triển mạnh mẽ đã góp phần định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty như SF Express, Cainiao và JD Logistics không chỉ dẫn đầu thị trường trong nước mà còn đang thâm nhập đáng kể vào thị trường quốc tế.
- Li Xiaojin, khoa Kinh tế và Quản lý, Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết, các công ty logistics đã chuyển mình từ các nhà khai thác khu vực thành những công ty toàn cầu. Vị này cũng cho biết thêm: “Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong công nghệ, mở rộng hành lang thương mại và tập trung vào các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm”.
Nhiều doanh nghiệp logistics tại quốc gia này đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, kho thông minh của Cainiao sử dụng AI để giảm thời gian giao hàng và lỗi. Có thể thấy, các công ty Trung Quốc đã tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của thị trường nội địa trong khi các đơn vị quốc tế như DHL tiên phong trong cơ sở hạ tầng logistics.
Về chi phí và tốc độ giao hàng, các doanh nghiệp Trung Quốc có tính cạnh tranh cao về mặt hiệu quả chi phí và tốc độ giao hàng, đặc biệt ở châu Á. Tuy nhiên, các đối tác quốc tế của họ lại chiếm ưu thế về độ tin cậy của dịch vụ và phạm vi toàn cầu, nhờ kinh nghiệm và mạng lưới đã được thiết lập qua nhiều thập kỷ.
Trung Quốc cũng bắt kịp các sáng kiến về tính bền vững trong ngành, đơn cử, JD Logistics triển khai đội xe giao hàng chạy bằng điện và Cainiao triển khai các kho hàng tiết kiệm năng lượng.
“Tính bền vững không chỉ là yêu cầu theo quy định; nó đang trở thành yếu tố khác biệt quan trọng đối với các công ty logistics. Các công ty Trung Quốc cần đẩy nhanh các sáng kiến xanh để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế”, GS. Li chia sẻ thêm.
Vai trò chuyển đổi của thương mại điện tử
Thương mại điện tử đã thay đổi cuộc chơi đối với ngành logistics, đặc biệt ở Trung Quốc. Các nền tảng như Alibaba và JD.com đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy. Theo báo cáo, các lô hàng thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc đã tăng 19% vào năm 2023, so với mức tăng trưởng 12% ở các thị trường quốc tế.
Các công ty logistics trong nước cũng linh hoạt xử lý hiệu quả các lô hàng thương mại điện tử khối lượng lớn, mang lại lợi thế tại các thị trường đang phát triển nhanh như Đông Nam Á và Trung Đông. Tuy nhiên, những thách thức cản trở sự mở rộng toàn cầu gồm căng thẳng địa chính trị, rào cản thương mại và nhu cầu chuẩn hóa cao hơn trong các hoạt động xuyên biên giới vẫn là trở ngại đối với các doanh nghiệp.
Hợp tác và tích hợp
Tương lai của ngành logistics phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty trong nước và quốc tế. Liên doanh, chia sẻ công nghệ và đầu tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như gián đoạn chuỗi cung ứng và tính bền vững.
Khi chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục phát triển, sự tương tác giữa các công ty logistics Trung Quốc và quốc tế sẽ góp phần định hình tương lai của ngành công nghiệp này.
- Li Xiaojin khẳng định: “Logistics không còn là trò chơi khu vực mà trở thành hệ sinh thái toàn cầu. Hợp tác là cách duy nhất để đạt được khả năng phục hồi và hiệu quả. Ngoài ra, tương lai của ngành này không chỉ cạnh tranh; mà là tạo ra sự hiệp lực có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới”.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục tác động tiêu cực đến hiệu suất của hãng hàng không vào năm 2025
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của ngành hàng không trong năm 2025, làm gia tăng chi phí và hạn chế tốc độ tăng trưởng. Theo báo cáo triển vọng mới nhất về ngành hàng không của IATA, những thách thức này được thể hiện qua các số liệu đáng chú ý:
Độ tuổi trung bình của đội bay toàn cầu tăng cao: Đội bay hiện nay có độ tuổi trung bình đạt mức kỷ lục 14,8 năm, so với mức trung bình 13,6 năm trong giai đoạn 1990-2024.
Sụt giảm trong giao hàng máy bay: Số lượng máy bay giao mới đã giảm mạnh từ mức đỉnh 1.813 chiếc vào năm 2018 xuống còn ước tính 1.254 chiếc vào năm 2024, tức giảm 30% so với dự đoán ban đầu. Dự báo cho năm 2025 là 1.802 chiếc, vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đây là 2.293 chiếc và có khả năng tiếp tục bị điều chỉnh giảm.
Tồn đọng đơn hàng ở mức cao kỷ lục: Tổng số đơn đặt hàng chưa được thực hiện đã đạt mức 17.000 chiếc, con số cao nhất từ trước đến nay. Với tốc độ giao hàng hiện tại, cần tới 14 năm để hoàn thành, gấp đôi thời gian trung bình 6 năm của giai đoạn 2013-2019. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi được kỳ vọng sẽ giảm dần khi tốc độ giao hàng tăng.
Máy bay “đỗ bãi” vẫn chiếm tỷ lệ lớn: Hiện có khoảng 14% (tương đương 5.000 chiếc) trong tổng số 35.166 máy bay trên toàn cầu (bao gồm cả máy bay sản xuất tại Nga) đang bị “đỗ bãi.” Mặc dù con số này đã cải thiện, nhưng vẫn cao hơn 4 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch, tương đương khoảng 1.600 máy bay. Trong số đó, 700 chiếc (chiếm 2% đội bay toàn cầu) bị đỗ bãi do phải kiểm tra động cơ, và tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2025.
Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA chia sẻ: “Các vấn đề chuỗi cung ứng đang làm khó tất cả các hãng hàng không, tạo ra một ‘cú đúp’ áp lực lên doanh thu, chi phí và hiệu suất môi trường. Hệ số tải đã đạt mức cao kỷ lục và không có nghi ngờ gì rằng nếu có thêm máy bay, chúng tôi sẽ có thể sử dụng chúng hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, đội bay cũ hiện tại đòi hỏi chi phí bảo trì cao hơn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn và cần vốn đầu tư lớn hơn để duy trì hoạt động. Thêm vào đó, giá thuê máy bay đã tăng mạnh hơn cả lãi suất do sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không trong việc mở rộng công suất. Đây là thời điểm ngành hàng không cần khắc phục tình hình tài chính hậu đại dịch. Nhưng tiến độ này đang bị hạn chế bởi các vấn đề chuỗi cung ứng mà nhà sản xuất cần nhanh chóng giải quyết.”
IATA cũng chỉ ra rằng các vấn đề chuỗi cung ứng kéo dài đã ít nhiều góp phần gây ra hai diễn biến tiêu cực:
Hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu không cải thiện: Giữa năm 2023 và 2024, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu (không tính đến hệ số tải) vẫn duy trì ở mức 0,23 lít/100 tấn-km khả dụng (ATK), đi ngược lại xu hướng cải thiện 1,5-2,0% mỗi năm trong giai đoạn 1990-2019.
Tăng giá thuê máy bay: Nhu cầu thuê máy bay tăng đột biến khiến giá thuê các dòng máy bay thân hẹp cao hơn 20-30% so với năm 2019.
Walsh nhấn mạnh: “Toàn ngành hàng không đã cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, trên thực tế, gánh nặng lớn nhất lại đè nặng lên vai các hãng hàng không. Các vấn đề chuỗi cung ứng là một minh chứng điển hình. Nhà sản xuất đang làm thất vọng khách hàng của mình, khiến nỗ lực hạn chế khí thải carbon của các hãng hàng không bị đình trệ. Nếu các nhà sản xuất máy bay và động cơ khắc phục được các vấn đề của họ và giữ đúng cam kết, chúng ta sẽ có một đội bay hiệu quả hơn về nhiên liệu trên bầu trời.”
ILA, USMX đã họp về tự động hóa cảng trước mối đe dọa đình công.
Trước dự đoán rằng công nhân tại các cảng Bờ Đông Hoa Kỳ sẽ nối lại cuộc đình công vào ngày 15 tháng 1 năm 2025, các hãng tàu container đang áp dụng các phụ phí.
Cụ thể, Maersk Line áp dụng phụ phí 1.500 USD cho mỗi TEU, 3.000 USD cho container 40 feet và 3.780 USD cho container 45 feet, tùy thuộc vào mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng. CMA CGM áp dụng phụ phí 800 USD mỗi TEU và 1.000 USD mỗi FEU cho hàng xuất khẩu từ các cảng tại Bờ Đông và Bờ Vịnh Hoa Kỳ và phụ phí nhập khẩu lên đến 1.500 USD mỗi TEU.
Để tránh một cuộc đình công nghiêm trọng tại các cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh Hoa Kỳ, công nhân bốc xếp và chủ lao động của liên đoàn đã thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc đạt được thỏa thuận về việc sử dụng tự động hóa xử lý container
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Công nhân bốc xếp quốc tế (ILA) và Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ (USMX) đã họp riêng vào Chủ Nhật trong nỗ lực tìm ra cách giải quyết vấn đề tự động hóa, vốn là trở ngại lớn đối với thỏa thuận lao động mới bao gồm hàng chục nghìn công nhân bốc xếp.
Thỏa thuận mở rộng công nghệ tự động hóa cảng cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho công đoàn hơn, nhưng các nhà khai thác cảng được cho là đang phản đối chi phí tăng thêm sau khi đồng ý tăng lương 62% cho công nhân sau cuộc đình công kéo dài ba ngày của ILA vào tháng 10.
Một cuộc đình công khác có thể đóng cửa hoạt động container tại hàng chục cảng từ Texas đến New England nếu không đạt được thỏa thuận về một hiệp ước mới trước khi gia hạn hợp đồng hiện tại kết thúc vào ngày 15 tháng 1.
Giá cước container tiếp tục chịu áp lực trước nhu cầu vận chuyển sớm trước tết trên tuyến Châu Á đi Mỹ.
Việc tăng giá cước và báo cáo về tình trạng tàu đầy tải từ rất sớm trước Tết Nguyên đán có thể phản ánh xu hướng các chủ hàng đẩy sớm việc xuất hàng trước những cam kết tăng thuế của Tổng thống đắc cử Trump vào năm tới. Trong tuần này, Trump đã đề xuất Mỹ nên giành lại kênh đào Panama nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại đây.
Các hãng vận tải kỳ vọng rằng nhu cầu trước Tết Nguyên đán vào tháng 1 sẽ hỗ trợ các đợt tăng giá mới, với mức tăng dự kiến từ 1.000 – 3.000 USD/FEU. Mặc dù khối lượng vận tải mạnh và có một số dấu hiệu áp lực đối với vận tải đường sắt, hoạt động tại các cảng Mỹ vẫn diễn ra suôn sẻ, và các nhà khai thác cảng báo cáo đã sẵn sàng cho bất kỳ đợt tăng khối lượng nào sắp tới.
Về giá cước trên các tuyến vận tải khác, cụ thể trên tuyến xuyên Đại Tây Dương, vốn ổn định từ giữa tháng 10, có thể tăng vào tháng 1 khi một số hãng vận tải đã công bố phụ phí gián đoạn giữa tháng, nhằm dự đoán cuộc đình công của công nhân cảng ILA. Một số ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu liên minh vào tháng 2 có thể gây gián đoạn. Hãng tàu MSC đã thông báo áp dụng phụ phí gián đoạn 2.000 USD/FEU từ ngày 18/1 đối với các container vận tải trên tuyến xuyên Đại Tây Dương.
Trên tất cả các tuyến này, việc phải chuyển hướng qua Biển Đỏ vẫn là nguyên nhân lớn nhất khiến giá cước duy trì mức cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa có can thiệp quân sự nào khôi phục được an ninh cho các tàu qua khu vực, cả Israel và Mỹ đều đã gia tăng tấn công trực tiếp vào các vị trí của lực lượng Houthi trong những ngày gần đây.
Về thị trường hàng không, dữ liệu Freightos Air Index cho thấy giá cước hàng không trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương đã bắt đầu giảm từ mức cao đạt được hồi đầu tháng khi mùa cao điểm dần kết thúc. Tuy nhiên, giá từ Trung Quốc đi châu Âu vẫn duy trì ở mức cao gần 5 USD/kg vào tuần trước.
Một số nhà quan sát dự đoán rằng việc đẩy hàng sớm trước các đợt tăng thuế của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu và giá cước hàng không ở mức cao trong năm mới. Ngoài ra, các mức thuế đáng kể đối với hàng hóa Trung Quốc có thể góp phần làm tăng khối lượng vận tải hàng không toàn cầu, khi các lô hàng linh kiện từ Trung Quốc trong nội bộ khu vực châu Á có khả năng tăng mạnh.
COSCO SHIPPING Thành Lập Trụ Sở Khu Vực Đông Bắc Tại Đại Liên
Ngày 28/12/2024, COSCO SHIPPING chính thức khánh thành Trụ sở khu vực Đông Bắc tại Đại Liên, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chiến lược mở rộng của tập đoàn tại khu vực này. Đây là một cột mốc chiến lược nhằm thúc đẩy ngành hậu cần, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực vận tải biển toàn cầu.
Trụ sở mới sẽ thực hiện sứ mệnh “kết nối và phục vụ toàn thế giới” của COSCO SHIPPING bằng cách tận dụng lợi thế khu vực Đông Bắc cùng các nguồn lực địa phương. Mục tiêu của trụ sở là cung cấp dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ các sáng kiến lớn như “Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative) và thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc như một cường quốc hàng hải và vận tải biển.
Bên cạnh đó, trụ sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp địa phương nhằm xây dựng mạng lưới logistics hiện đại, nâng cao năng lực vận hành chuỗi cung ứng và tăng cường ảnh hưởng của khu vực Đông Bắc trong ngành logistics toàn cầu. Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ mang lại động lực mới cho sự phục hồi kinh tế tại khu vực, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Trung Quốc.
Sự kiện khánh thành không chỉ mở ra chương mới cho ngành vận tải biển khu vực Đông Bắc mà còn là biểu tượng cho cam kết của COSCO SHIPPING trong việc thúc đẩy kết nối toàn cầu và phát triển kinh tế khu vực, tạo tiền đề cho các bước tiến chiến lược tiếp theo trong ngành hàng hải quốc tế.
DHL đẩy mạnh logistics đa phương thức thúc đẩy kết nối thương mại xuyên biên giới
DHL Global Forwarding, đơn vị phụ trách vận tải hàng hóa của Tập đoàn DHL vừa khai trương Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức Quốc tế tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy sự phát triển của thương mại xuyên biên giới.
Việt Nam: Điểm sáng trong lĩnh vực logistics
Báo cáo “Con đường hướng tới tương lai: Dẫn lối cơ hội cho vận tải đường bộ tại Đông Nam Á” của DHL khẳng định, vận tải đường bộ không chỉ mang lại sự linh hoạt trong vận chuyển mà còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics đa phương thức. Đây là giải pháp phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp về tốc độ và chi phí vận chuyển tối ưu.
Ông Bruno Selmoni, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Vận tải Đường bộ và Đa phương thức khu vực Đông Nam Á nhận định: “Tại Đông Nam Á, vận tải đường bộ là một giải pháp độc lập, là yếu tố cốt lõi trong chuỗi logistics đa phương thức. Sự kết hợp linh hoạt giữa các hình thức vận tải giúp giao hàng tận nơi (DTD) nhanh hơn so với vận tải đường biển và đồng thời tiết kiệm chi phí đáng kể so với vận tải hàng không.”
Với vị trí chiến lược liền kề Trung Quốc và nằm giữa các quốc gia ASEAN, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong mạng lưới logistics khu vực. Trong năm 2024, quốc gia này đã thu hút hơn 24 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 440 tỷ USD với các ngành chủ lực như sản xuất, công nghệ, thời trang và nông sản, đưa Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Laurence Cheung, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của DHL Global Forwarding đánh giá: “Việt Nam không chỉ dẫn đầu trong việc tái định vị sản xuất mà còn đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới logistics khu vực Đông Nam Á. Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam vươn lên thành trung tâm logistics của khu vực.”
DHL dẫn đầu trong phát triển logistics đa phương thức tại khu vực
Nắm bắt xu thế mới, DHL Global Forwarding đã tiên phong thành lập Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức Quốc tế tại Thái Lan, thiết lập cầu nối trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua mạng lưới vận tải tích hợp gồm đường bộ, đường biển và hàng không. Hệ thống này được trang bị công nghệ hiện đại như cảm biến GPS, cho phép theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, đảm bảo sự minh bạch và độ chính xác cao trong quản lý chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, DHL còn đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững với việc triển khai đội xe điện tại Bangkok, giúp giảm tới 85.000 kg khí thải CO₂ mỗi năm. Đây là một phần quan trọng trong cam kết của DHL nhằm giảm thiểu tác động môi trường và xây dựng một chuỗi cung ứng xanh, bền vững tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ngành logistics tại Đông Nam Á vẫn đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng và chính sách. Các sáng kiến như Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) và Hiệp định Khung về Thừa nhận Lẫn nhau của ASEAN (AAMRA) đã và đang hỗ trợ tích cực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và cải thiện tính minh bạch trong vận tải xuyên biên giới. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tối ưu hóa hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong khu vực.
Nhờ vào chiến lược đầu tư của DHL và sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách khu vực, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu tại Đông Nam Á. Việc đồng bộ giữa phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và giải pháp vận tải thân thiện môi trường không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành logistics trong tương lai.
Ông Laurence Cheung, Giám đốc Quốc gia DHL Global Forwarding tại Việt Nam chia sẻ: “Với vị trí chiến lược trong khu vực, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics đa phương thức. DHL cam kết phối hợp cùng chính phủ và các đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay, vừa hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.”