BẢN TIN VALOMA THÁNG 7/2022

1. SỰ KIỆN NỔI BẬT

1.1 Valoma Confest

Từ ngày 2/11 đến ngày 23/11/2021, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi Hội thảo – Festival thường niên VALOMA CONFEST nhằm trao đổi những vấn đề học thuật và thực tiễn cập nhật nhất trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng; xác lập thêm kênh thông tin tham vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đồng thời giới thiệu, lan tỏa hình ảnh của Hiệp hội tới các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và công chúng. VALOMA CONFEST bao gồm 4 sự kiện:

  • Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics”
  • Hội thảo “Xu thế chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần biết”
  • Hội thảo “Đào tạo thực hành logistics với Mô hình COE – Center of Excellence”
  • Hội thảo “Khoa học quốc gia thường niên Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam

1.2 Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2021

Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2021 diễn ra trong vòng 4 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 8 và kết thúc vào đầu tháng 12/2021 với sự tham gia của 547 đội thi, tương ứng với 2.188 sinh viên đến từ 50 trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên cả nước. Sứ mệnh của Cuộc thi không chỉ tìm ra những “hạt giống” mới cho thế hệ nhân tài của logistics Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc phát triển lĩnh vực logistics với nền kinh tế nước nhà. Cuộc thi là bước đệm để các bạn sinh viên tìm hiểu những kiến thức thực tế và tiếp xúc gần hơn với môi trường làm việc tương lai.

1.3 Hiến máu tình nguyện: Nhiệt huyết VALOMA

Chương trình Hiến máu tình nguyện Nhiệt huyết VALOMA là hoạt động được Hiệp hội tổ chức tổ chức định kỳ vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm tại cả miền Nam – Bắc. Trong 1 năm vừa qua, Chương trình Nhiệt huyết VALOMA đóng góp vào Ngân hàng Máu Quốc gia hơn 100 đơn vị máu nhằm mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân trong cả nước. Đây là những hành động đẹp và đầy ý nghĩa của Hội viên VALOMA.

1.4 Lễ ra mắt Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam (LCN)

Được thành lập vào ngày 10 tháng 7 năm 2021 dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), LCN là tổ chức quy tụ những câu lạc bộ về Logistics và Chuỗi cung ứng thuộc các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên khắp cả nước. Với tôn chỉ “KẾT NỐI – HỌC HỎI – PHÁT TRIỂN”, sứ mệnh của LCN chính là gắn kết các bạn sinh viên có cùng niềm đam mê về Logistics và Chuỗi cung ứng, tạo ra một môi trường năng động để sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng cũng như năng lực chuyên môn ngành.

1.5 Tọa đàm: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn”

Tọa đàm là diễn đàn giao lưu, trao đổi giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nhằm đưa ra những sáng kiến mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics; qua đó giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thích ứng ngay với công việc mà không cần doanh nghiệp phải tốn thời gian và chi phí đào tạo lại. Đến nay, Toạ đàm đã được tổ chức tại một loạt các trường đại học, cao đẳng là Hội viên của VALOMA như: Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Cao đẳng Thủ Đức…

2. TIN TỨC TRONG NƯỚC

Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm cách xây dựng một cảng container quốc tế trị giá 6 tỷ USD tại huyện Cần Giờ. Việc này có kế hoạch thực hiện xây dựng cùng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Mediterranean Shipping Company (MSC). VIMC và công ty con là Cảng Sài Gòn đã liên kết với các đối tác nước ngoài để cụ thể hóa các nội dung hợp tác, đầu tư và vận hành.

Cảng Sài Gòn và MSC đã nghiên cứu địa điểm dự kiến khoảng 570 ha với cầu cảng chính dài 7,2 km và khả năng cho tàu đến 250.000 tấn. Nằm trong luồng hàng hải Thị Vải, Cần Giờ có vùng nước sâu và không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sóng gió, là nơi lý tưởng cho việc vận chuyển container quốc tế. Cùng với các yếu tố tự nhiên và kinh tế, sự hợp tác của các hãng tàu lớn trên toàn cầu cũng là yếu tố cần thiết để thành công.

VIMC đã làm việc với MSC, công ty vận tải container lớn thứ hai thế giới, để phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển tại Việt Nam. MSC vận hành một đội tàu hơn 625 chiếc. Dự án có công suất thiết kế 15 triệu TEU. Hai bên đang làm việc tích cực với các đối tác nước ngoài để hoàn thiện các kế hoạch đầu tư và hoạt động. Theo thống kê của VIMC, năm 2021, lượng hàng container được thông qua các cảng của cả nước, chủ yếu ở TP HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hải Phòng, đạt 23,9 triệu TEU, nhưng trung chuyển quốc tế tương đối thấp. Trong năm 2015 – 2020, lượng hàng hóa thông qua các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng trung bình 7,34% một năm và dự kiến sẽ giảm xuống 5% vào năm 2021-2025. Năm 2021, sản lượng đạt 164,19 triệu tấn so với mục tiêu 116,9 triệu tấn và thậm chí còn cao hơn mục tiêu cho năm 2030 là 160 triệu tấn. Trong trường hợp này, việc sớm xây dựng các cảng container là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu giao thương của thành phố.

3. TIN TỨC KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Vượt Saudi Arabia, Nga thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga tăng 55% so với một năm trước đó, đạt mức kỷ lục vào tháng 5. Nga đã thay thế Ả Rập Saudi, trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc, khi Trung Quốc chấp nhận thu mua trữ lượng lớn dầu “ế” vì cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhập khẩu dầu Nga, bao gồm cả nguồn dầu bơm qua đường ống Đông Siberia Thái Bình Dương và các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn, theo số liệu hôm 20/06 từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các lô hàng tương đương gần 2 triệu thùng/ngày và đã tăng ¼ so với 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Các công ty Trung Quốc (bao gồm tập đoàn lọc dầu khổng lồ Sinopec và Zhenhua Oil), bị lôi kéo bởi mức giá giảm sâu sau khi các thương gia phương Tây rút lui khỏi thị trường vì các lệnh trừng phạt, đã tăng cường mua dầu của Nga.Việc giảm giá tới 30% đã giúp Nga giữ được “kho bạc” của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế nước này. Điện Kremlin đã kiếm được khoảng 20 tỉ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng Năm.

Giá dầu tăng vọt cũng đóng một phần lớn, với giá tăng hơn 60% trong 12 tháng qua, ở mức khoảng 112 USD/thùng đối với dầu thô chuẩn quốc tế, vào hôm 20/06. Việc thu mua dầu Nga của Trung Quốc cũng là một nước đi cẩn thận của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột tại Ukraine, cho thấy ngụ ý hỗ trợ của ông Tập Cận Bình dành cho Tổng thống Putin. Mặc dù ban đầu, Bắc Kinh né tránh việc lên tiếng về cuộc chiến, chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga là “khủng bố tài chính” và “vũ khí hóa kinh tế”.

Ả Rập Saudi tiếp tục là nhà cung cấp lớn thứ hai, với sản lượng tháng Năm tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 7,82 triệu tấn, hay 1,84 triệu thùng/ngày. Con số này đã giảm so với mức 2,17 triệu thùng/ngày của tháng 4. Nga giành lại vị trí dẫn đầu sau 19 tháng.

Dữ liệu hải quan công bố hôm 20/06 cũng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn dầu thô của Iran vào tháng trước, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đây là lô hàng thứ ba của nước này kể từ tháng 12 năm ngoái, thường được chuyển giao thông qua nước thứ ba. Mức nhập tương đương 7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc. Nhập khẩu dầu thô tổng thể của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5, lên 10,8 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên Trung Quốc không nhập khẩu từ Venezuela. Các công ty dầu mỏ nhà nước đã tránh mua kể từ cuối năm 2019 vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

4. HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI 

VALOMA kết nối hội viên và doanh nghiệp Logistics với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên

Ngày 28/05/2022 vừa qua, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã phối hợp với Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn”. Buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và trường đại học có đào tạo ngành/chuyên ngành logistics khu vực phía Bắc là Hội viên của VALOMA.

Buổi Tọa đàm đã đi sâu vào nhận diện các vấn đề cấp bách trong đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm gắn quá trình đào tạo với thực tiễn; chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và phương pháp để chuyển đổi trong đào tạo ngành logistics theo hướng mới. Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm cũng đã tiến hành trao đổi về khả năng hợp tác, hỗ trợ đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng giữa VALOMA và một số trường đại học, cao đẳng, viện đào tạo, doanh nghiệp logistics với Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên.

Toạ đàm kiến thức thực tế và chiến lược thâm nhập thị trường mới của các công ty đa quốc gia tại Học viện Ngân hàng

Sáng ngày 27/5/2022 tại Hội trường lớn Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp với Khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Ngân tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề “Kiến thức thực tế và chiến lược thâm nhập thị trường mới của các công ty đa quốc gia” nhằm giúp cho sinh viên cập nhật thêm nhiều thông tin về môi trường kinh doanh, nâng cao kiến thức thực tiễn ngành logistics ở Việt Nam và trên thế giới. Cũng trong buổi Toạ đàm, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 hội viên của VALOMA là Công ty LF Logistics Việt Nam – Campuchia và Khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Ngân hàng đã diễn ra và lễ trao học bổng cho các sinh viên xuất sắc của Khoa. Với việc ký kết thoả thuận này hy vọng sẽ đem lại nhiều dự án mới, thành công đột phá cho Học viện Ngân Hàng, mang đến cơ hội chia sẻ nhiều kiến thực tế bổ ích, những định hướng và cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi ra trường trong lĩnh vực logistics.

5. HỘI VIÊN MỚI

Ngày 4/6/2022 Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã trao quyết định thành viên cho Trường Đại học Đông Á. Với việc Đại học Đông Á trở thành thành viên của VALOMA, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam  (VALOMA) sẽ là cầu nối nối kết đội ngũ chuyên gia logistics trong nước và quốc tế  tham gia góp ý chương trình đào tạo, giảng huấn chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Đồng thời nối kết các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội trong tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tuyển dụng sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tất cả sinh viên của ngành này của Đại học Đông Á được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên môn tại doanh nghiệp và ưu thế làm việc ngay sau tốt nghiệp.

Ban truyền Thông VALOMA

Xem đầy đủ bản tin Vanloma tháng 7 tại đây