1. SỰ KIỆN NỔI BẬT
VALOMA chính thức thành lập quỹ học bổng dành cho sinh viên ngành Logistics của các trường hội viên
Ngày 9 tháng 7 năm 2022, Ban Chấp hành Hiệp hội đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-BCH thành lập Quỹ Học bổng VALOMA nhằm động viên, khuyến khích các em sinh viên nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học về logistics, qua đó tăng cường kết nối các trường là hội viên của Hiệp hội.
Quỹ Học bổng VALOMA được hình thành chủ yếu từ nguồn huy động tài trợ từ doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong và ngoài hiệp hội. Học bổng gồm 2 loại: Dành cho sinh viên tài năng và dành cho sinh viên nghèo vượt khó. Các mức học bổng, căn cứ, điều kiện và phương pháp xét học bổng do hội đồng quản lý quỹ quy định theo từng thời kỳ và sẽ được công bố rộng rãi.
Quy chế thể hiện rõ 4 nguyên tắc sử dụng Quỹ Học bổng VALOMA là: Công bằng, cân bằng, đúng đối tượng; Công khai, minh bạch; Đảm bảo tính khuyến khích, động viên; Thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng và tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dạy và học chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Qua đó, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu phát triển nhân lực logistics, đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.
VALOMA làm việc với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng về đào tạo nhân lực logistics
Chiều ngày 4/8, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Lê Văn Huy đã gửi lời cảm ơn Hiệp hội đã quan tâm đến nhà trường, giảng viên và các em sinh viên. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng mong muốn, nhà trường sẽ ghi nhận những đóng góp từ các doanh nghiệp Hiệp hội trong việc đào tạo sinh viên chuyên ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics. Bên cạnh đó, nhà trường rất mong muốn, các giảng viên sẽ tham gia là thành viên của Hiệp hội VALOMA nhằm giao lưu, kết nối các thành viên của Hiệp hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành logistics trong thời gian tới. Hiệp hội sẽ hình thành Quỹ học bổng VALOMA và sẽ dành tặng 10 suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó và có thành tích suất sắc trong học tập.
Sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là mô hình đào tạo có hiệu quả trong chiến lược nâng cao chất lượng đầu ra nhà trường. Hi vọng chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội mới trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics của nhà trường.
2. TIN TỨC TRONG NƯỚC
CHÍNH THỨC KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN “CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH LOGISTICS CẤP TỈNH VIỆT NAM NĂM 2022”
Sáng 11/8/2022, lễ khởi động Dự án “Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh dưới sự tổ chức của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị nghiên cứu VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện.
Chỉ số LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam. LCI ra đời với mục đích sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics. Ngoài ra, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thông tin để quyết định lựa chọn địa điểm mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư, v.v.
Tại buổi lễ khởi động dự án, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết: “Tôi hoan nghênh Hiệp hội VLA cùng các đơn vị phối hợp thực hiện Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng dự án sẽ thành công tốt đẹp. Đây cũng là cơ sở để các ngành, địa phương có cách nhìn về thực trạng kinh tế chung, trong đó có ngành logistics qua đó tham mưu với lãnh đạo các cấp để có quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp”.
VLA ĐỀ XUẤT GIÀNH QUYỀN VẬN TẢI 30% XUẤT NHẬP KHẨU CHO ĐỘI TÀU VIỆT
Ngày 11/8, tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề: “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã đề xuất dành quyền vận tải 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu một số mặt hàng cho đội tàu Việt Nam, với giá bằng giá thắng thầu.
Tại hội nghị, ông Trung nêu rõ rằng, trong đợt khủng hoảng, giá cước tăng từ 5 đến 7 lần nhưng lợi nhuận phần lớn rơi vào các hãng tàu nước ngoài. Điều này cho thấy Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này, do đó việc đẩy mạnh đội tàu trong đó có đội tàu container là việc hết sức quan trọng. Bên cạnh đó Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than từ 40 – 70 triệu tấn/năm hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn nhỏ bé so với đội tàu trên thế giới nên càng cần cơ chế giành quyền vận tải cho 20 – 30% sản lượng xuất nhập khẩu, trên cơ sở giá thắng thầu. Ông Trung cũng khẳng định rằng, các nước như Indonesia, Philipines đều đã áp dụng cơ chế này.
3. TIN TỨC KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
THÁCH THỨC VỀ NGUYÊN LIỆU CHO KẾ HOẠCH VẬN CHUYỂN ‘XANH’ TRÊN THẾ GIƠI
Các công ty vận tải biển đang cần lượng methanol xanh hoặc các nhiên liệu khác phù hợp để vận hành tàu, nhằm giảm lượng khí thải carbon. Hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) đang có kế hoạch triển khai sử dụng các tàu không carbon vào năm tới. Tuy nhiên, việc đảm bảo nhiên liệu cho các tàu thế hệ tiếp theo này đang đặt ra những khó khăn riêng. Hiện Ngành vận tải biển chiếm gần 3% lượng khí thải trên thế giới.
Ông Bryan Comer, thành viên Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch chia sẻ trên CNBC: “Hiện tại, không có cách để nhiên liệu xanh có thể cạnh tranh về giá với nhiên liệu hóa thạch. Các quy định khu vực sẽ thúc đẩy các quốc gia khác làm theo châu Âu như Mỹ, châu Á và cuối cùng là ở cấp Tổ chức Hàng hải Quốc tế (Liên Hợp Quốc)”.
Trong khi đó, ông Comer cho biết hydro xanh là nhiên liệu thay thế được ông kỳ vọng nhất nhưng điều đó cũng đưa ra những thách thức riêng. “Để chứa đủ lượng hydro trên tàu, gần như chắc chắn nó phải ở trạng thái hóa lỏng nên ban đầu hydro phải rất lạnh, sau đó phải được bảo quản trong các thùng cách nhiệt”, ông giải thích.
Cơ sở hạ tầng trên đất liền để tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng cũng đòi hỏi sự đầu tư đáng kể nếu ngành công nghiệp này đáp ứng được tham vọng khử carbon.
THỊ TRƯỜNG LOGISTICS THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ THẾ GIỚI DỰ KIẾN NGÀY CÀNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Báo cáo “Thị trường logistics thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” của Technavio dự kiến quy mô tăng ở mức 355.79 tỷ USD trong năm 2025. Thị trường này tăng trưởng với tốc độ CAGR 16.4% trong năm 2021 và dự kiến lên 20.44% trong giai đoạn 2021-2025. Báo cáo của Technavio cũng phân tích toàn diện về những phát triển gần đây, các đợt ra mắt sản phẩm mới, phân khúc tạo ra doanh thu chính và hành vi thị trường logistics thương mại điện tử.
Ngoài ra, việc tăng hoạt động gia công các dịch vụ logistics dự kiến thúc đẩy thêm nhu cầu đối với dịch vụ logistics thương mại điện tử từ các khu vực: châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, châu u, Trung Đông và châu Phi, Nam Mỹ. 57% tăng trưởng của thị trường sẽ đến từ châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn 2021-2025. Dân số cao của khu vực này làm tăng nhu cầu chung về hàng hóa thông qua kênh trực tuyến. Bên cạnh đó, lượng người mua sắm trực tuyến khổng lồ cùng số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng đang góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
4. HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI
VALOMA KẾT NỐI HỘI VIÊN MỚI VỚI VINACONTROL
Nhằm tăng cường kết nối các hội viên thuộc Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), ngày 30/7/2022, VALOMA đã tổ chức buổi làm việc giữa một số hội viên Hiệp hội với Tập đoàn VINACON -TROL tại Hà Nội.
Là một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giám định hàng hoá, một trong những dịch vụ tối cần thiết cho các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, VINACONTROL đã tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam trước đây và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam hiện nay. Buổi làm việc của các hội viên VALOMA với VINACONTROL gợi mở những cơ hội trong hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và VINACONTROL, cũng như cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp logistics với VINACONTROL. “Sau buổi làm việc này, Ban Đào tạo sẽ nghiên cứu, mời VINACONTROL tham gia chương trình Bàn tròn Giảng viên để thông tin cho nhiều hội viên hơn nữa về hoạt động đánh giá sự phù hợp” – TS. Đinh Lê Hải Hà, Phó Trưởng Ban Đào tạo của Hiệp hội cho biết.
VALOMA sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối hội viên vì sự phát triển chung của ngành Logistics Việt Nam cũng như sự lớn mạnh của các hội viên VALOMA.
Ban truyền Thông VALOMA
Xem đầy đủ bản tin Vanloma tháng 8 tại đây.