Đoàn làm việc Hiệp hội VALOMA và Bộ Công Thương cùng đại diện phía Trường Đại học Sao Đỏ
Ngành logistics là một trong những ngành nghề tiềm năng với mức đóng góp vào GDP lớn tại Việt Nam. Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã có hơn 60 trường đại học đăng ký mở ngành liên quan đến Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bắt kịp xu hướng thị trường, Trường đại học Sao Đỏ tại Hải Dương cũng không ngừng cập nhật thông tin, trau dồi kĩ năng, nghiên cứu thị trường nhằm hướng tới đào tạo nghề logistics.
Vào ngày 11/02/2023, đại diện phía Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Ban Giám hiệu Trường Đại học Sao Đỏ đã tiến hành một cuộc thảo luận về tiềm năng phát triển ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cùng định hướng tương lai của trường.
Tham gia buổi làm việc có PGS TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương Hải Dương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cùng các cơ sở đào tạo chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Bà Nguyễn Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ, giới thiệu và chia sẻ về trường
Trong buổi làm việc, đại diện phía Trường đại học Sao Đỏ, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Kim Nguyên đã giới thiệu sơ bộ về 54 năm hình thành và phát triển của trường (trong đó bao gồm 13 năm phát triển ngành đại học) với 16 ngành thuộc nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn như Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ thực phẩm; Ngôn ngữ Anh; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; … Nhà trường đề cao việc bổ sung các kiến thức thực tiễn, ứng dụng cho sinh viên thông qua định hướng dạy học ứng dụng, xây dựng nội dung chương trình đào tạo đảm bảo 50% lý thuyết, 50% thực hành hướng tới 6 giá trị cốt lõi là thực học, thực hành thực chung, thực tâm, thực nghiệp, thực tiễn.
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn coi trọng việc kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sinh viên thể hiện qua những mối quan hệ hợp tác toàn diện và sâu rộng với nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiêp trong và ngoài nước chẳng hạn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Cannon Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam …
Nhà trường đang lên kế hoạch phát triển đào tạo chuyên ngành logistics và thể hiện mong muốn lắng nghe, chia sẻ từ các chuyên gia, các cơ sở đào tạo ngành cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó hỗ trợ cho Trường có những bước chuẩn bị, định hướng tối ưu trong công tác đào tạo sau này.
PGS TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA phát biểu
Trao đổi trong buổi làm việc, PGS TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết VALOMA với 309 hội viên đến từ rất nhiều trường đại học, cao đẳng và cả các doanh nghiệp trên cả nước liên quan trực tiếp đến ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Trường đại học Sao Đỏ phát triển ngành, chuyên ngành này cùng đội ngũ giảng viên, đồng thời kết nối doanh nghiệp với sinh viên sau khi ra trường. Khoa Kinh tế của Trường Đại học Sao Đỏ đã thể hiện mong muốn được học tập, bồi dưỡng giảng viên để công tác đào tạo logistics tốt hơn.
Ngoài ra, khi thảo luận về kinh nghiệm phát triển đào tạo ngành logistics, đại diện một số cơ sở đào tạo như Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Thương mại, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, … đã nhấn mạnh vấn đề tận dụng thế mạnh của trường để đào tạo ngành logistics.
PGS TS Trịnh Thị Thu Hương cũng bổ sung vấn đề trước mắt của Trường đại học Sao Đỏ khi mở một ngành mới như logistics cần đáp ứng được chất lượng của đội ngũ giảng viên, từ yêu cầu cơ bản về trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đúng chuyên ngành.
Tiếp nối vấn đề này, GS TS Đặng Đình Đào từ Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng đưa ra quan điểm cho rằng Trường đại học Sao Đỏ hiện tại đang đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất tuy nhiên nên phát triển theo từng bước, trước tiên là đào tạo nghề, sau đó đến đào tạo cử nhân và phải hướng tới đảo tạo mang tính bản sắc riêng của trường.
Đứng dưới góc nhìn từ phía bên sử dụng nhân lực, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics nhấn mạnh đến vấn đề xu thế khi mở ngành đào tạo và tránh ảnh hưởng nguồn lực. Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến chất lượng, tính cập nhật trong đào tạo, tránh việc doanh nghiệp tuyển dụng xong phải đào tạo lại từ đầu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics trong thời gian qua đã phát triển với tốc độ ấn tượng. Với tư cách là đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương quản lý về lĩnh vực này, Cục Xuất nhập khẩu đã có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này và nhận thấy nhu cầu nhân lực của ngành là rất lớn và cần thiết phải có sự quan tâm đến việc đào tạo nhân lực ngành. Và Trường đại học Sao Đỏ trực thuộc Bộ Công Thương mặc dù trước đây tập trung đào tạo ngành kỹ thuật nhưng hoàn toàn có cơ hội phát triển đào tạo sang ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng dựa trên kinh nghiệm từ các trường kỹ thuật khác như Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Điện lực, Trường đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, …
Thông qua cuộc thảo luận, bà Nguyễn Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sao Đỏ chia sẻ mong muốn tiếp nhận những gợi ý từ phía Hiệp hội VALOMA cùng chuyên gia, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong ngành và sẽ đi theo hướng đào tạo nghề ngắn hạn, cấp chứng chỉ đồng thời nỗ lực đáp ứng yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, phía trường cũng mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn từ phía Hiệp hội VALOMA cùng Bộ Công Thương cùng Trường từng bước phát triển đào tạo nghề logistics trong tương lai.
Ban Truyền thông, Hiệp hội VALOMA
Xem thêm tại Tạp chí Công Thương: https://tapchicongthuong.vn/