Sáng ngày 28/10/2024, Đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tới thăm và làm việc với cảng nước sâu duy nhất của Thái Lan, đồng thời nằm trong Top 20 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới – Cảng Laem Chabang. Tham gia đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA còn có đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương và các hội viên tổ chức, cá nhân của Hiệp hội.
Đón tiếp đoàn, về phía Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) có sự tham gia của Ông Nakah Thawichawatt – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Phó chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến kinh doanh ASEAN. Về phía Cảng Laem Chabang có sự tham gia của Phó giám đốc và các thành viên trong ban điều hành Cảng.
Về phía Việt Nam có sự tham gia của Ông Lê Hữu Phúc – Tham tán Thương mại tại Thái Lan và các thành viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan; đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương.
Về phía VALOMA, dẫn đầu đoàn là PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cùng các thành viên tham gia Đoàn xúc tiến thương mại.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch VALOMA khẳng định: “Hiệp hội coi đây là cơ hội tốt để thành viên trong đoàn công tác tìm hiểu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics tại Thái Lan, đặc biệt là về dịch vụ cảng biển. Thành phần tham gia đoàn công tác của VALOMA hôm nay bao gồm các doanh nghiệp logisitcs, công ty xuất nhập khẩu, các trường đại học, cao đẳng đào tạo nhân lực logistics, tư vấn giải pháp logistics cho doanh nghiệp. Vì vậy, VALOMA tin tưởng rằng, buổi làm việc tại cảng Laem Chabang hôm nay sẽ mở rộng cơ hội hợp tác trong tương lai giữa các bên.”
Sau nghi lễ ngoại giao, đại diện Cảng Laem Chabang đã có bài giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Cảng Laem Chabang. Cảng nằm ở tỉnh Chonburi, miền Trung của Thái Lan; đồng thời được xem là cửa ngõ phía Đông của Thái Lan, có thể kết nối với đường hàng không và đường bộ. Laem Chabang thành lập năm 1991, thuộc gói đầu tư 2,7 tỉ USD của chính phủ Thái Lan nhằm biến cảng Laem Chabang trở thành một phần cốt lõi của một dự án kinh tế lớn có tên gọi là Hành lang kinh tế phương Đông (EEC). Laem Chabang là cảng chính của Thái Lan, là trung tâm xuất nhập khẩu phục vụ cho nhiều loại hàng hóa và có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn.
Cảng Laem Chabang được chia làm 3 khu với 3 giai đoạn thi công, trong đó đã hoàn thành 2 giai đoạn và đang tiến hành mở rộng ở giai đoạn 3. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1: có diện tích 1,4 km2, độ sâu trước bến là 14 m, Khu vực này có 11 cầu tàu với công suất nhằm phục vụ cho tàu có trọng tải từ 30,000 đến 50,000 tấn hoạt động. Trong khu vực này còn có xưởng tàu phục vụ nhu cầu xây dựng, bảo dưỡng và sữa chữa tàu.
- Giai đoạn 2: rộng hơn với diện tích 2,05 km2, nhưng chỉ phát triển 7 cầu cảng với năng lực xếp dỡ lớn hơn và độ sâu trước bến là 16m. Khu vực này có 7 cầu tàu phục vụ cho tàu có trọng tải dưới 80,000 tấn cập bến.
- Giai đoạn 3 đang dây dựng với diện tích hơn 2,56 km2 với độ sâu trước bến là 18,5m. Với 9 cầu tàu, dự tính khu vực này sẽ hoạt động phụ vụ cho 7 triệu TEUS mỗi năm, có khả năng đón tàu có trọng tải lớn nhất hiện nay.
Quá trình đầu tư giai đoạn 3 của Cảng Laem Chabang được chia theo 4 hạng mục: (1) Giải phóng mặt bằng và san lấp biển (đã xong), (2) Xây dựng cơ sở hạ tầng, (3) xây dựng hệ thống đường sắt kết nối và đầu tư và (4) lắp đặt trang thiết bị. Dự kiến đến năm 2027 có thể hoàn thành cả 4 hạng mục đầu tư. Sau khi hoàn thành 3 giai đoạn phát triển, cảng Laem Chabang có thể phục vụ 18,1 triệu TEUs mỗi năm, giúp Laem Chabang trở thành cảng lớn thứ 17 thế giới. Cảng Laem Chabang đã cho phép tư nhân vào khai thác, có công ty tư nhân đã khai thác ở đây trên 30 năm. Hệ thống vận tải của Thái Lan vẫn chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ với 88,9%, đường sắt với 5,79%, đường thuỷ với 5,3%.
Sau phần trình bày của đại diện Cảng Laem Chabang, các thành viên trong đoàn công tác đã có câu hỏi thảo luận, trao đổi liên quan đến kinh nghiệm, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển cảng như nạo vét luồng lạch, phát triển nhân lực logistics, thu hút đầu tư, phối hợp đầu tư tư nhân và chính quyền…
Kết thúc buổi làm việc tại Văn phòng chính quyền Cảng, toàn thể đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Trung tâm điều hành Cảng và các cầu cảng của Cảng Laem Chabang. Dưới đây.