Hình 1: Đoàn VALOMA thăm và làm việc tại Cảng Quốc tế Mỹ Xuân
Với sứ mệnh kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp logistics nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo nguồn nhân lực với thực tiễn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, vào ngày 14/02/2023, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức chuyến làm việc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tham gia đoàn công tác có ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch danh dự, PGS. TS. Hà Thị Ngọc Oanh – Phó Trưởng Ban Kiểm tra, cùng các chuyên gia, giảng viên từ các cơ sở đào tạo, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là hội viên của VALOMA.
Trong chuyến đi, đoàn đã đến thăm Cảng Quốc tế Mỹ Xuân trong Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu. Đại diện phía doanh nghiệp tiếp đoàn, ông Đặng Tuấn Nam – Phó Giám đốc Công ty MIP và ông Cao Đức Dinh, Giám đốc vận hành Cảng, đã có những thông tin giới thiệu về dự án Cảng quốc tế Mỹ Xuân, trao đổi với Đoàn về tầm nhìn, sứ mệnh và năng lực khai thác của Cảng, cũng như những khó khăn, thách thức mà đơn vị đã trải qua trong quá trình xây dựng, khai thác và vận hành dự án Cảng tại đây.
Công ty TNHH Cảng Quốc tế Mỹ Xuân (MIP) được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Tổng Công ty IDICO và Công ty Cổ phần LEC Group. Cảng Mỹ Xuân có chiều dài cầu bến lên đến 486 m, có thể tiếp nhận các loại tàu, xà lan quốc tế và tàu, xà lan nội địa lên đến 30,000 DWT. Bến xà lan chuyên dụng có thể tiếp nhận các xà lan có tải trọng lên đến 2,500 DWT. Với tổng diện tích cảng lên đến 55 ha, trong đó diện tích bãi lên đến 210,000 m2, diện tích kho và nhà xưởng lên đến 150,000 m2, MIP có năng lực đáp ứng nhu cầu lớn về lưu trữ và trung chuyển hàng hoá và nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất và thương mại cho các chủ hàng trong và ngoài nước tại khu vực Mỹ Xuân.
Tiếp sau đó, Đoàn cũng vào thăm dự án dự án Cảng tổng hợp và tTrung tâm logistics CAMIL, đang được xây dựng tại tại Lô 30CN, Khu công nghiệp Cái Mép, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ. Dự án này có quy mô 38,6217 ha và tổng mức đầu tư hơn 2.602 tỷ đồng. Tại đây, Đoàn đã có những trao đổi cùng với các chuyên gia đang thực hiện dự án này.
Hình 2: Các thành viên trong đoàn công tác VALOMA trao đổi cùng các chuyên gia đang thực hiện dự án CAMIL
Tiếp tục hành trình, đoàn công tác VALOMA đã đến thăm và làm việc tại Cảng Quốc tế Gemalink. Ông Benoit Klein – Giám đốc điều hành của Gemalink, cùng đội ngũ nhân viên quản lý và vận hành Cảng, đã giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Gemadept tại Việt Nam nói chung và Cảng quốc tế Gemalink nói riêng. Theo định hướng phát triển và mở rộng của doanh nghiệp, Cảng quốc tế Gemalink sẽ trở thành cảng nước sâu lớn của cả nước với diện tích 72 ha, công suất hoạt động 2,4 triệu TEU/năm. Gemalink đã trở thành là niềm tự hào của Việt Nam khi nằm trong số 19 cảng hàng đầu thế giới đủ khả năng tiếp nhận cỡ tàu container lớn nhất hiện nay với sức chở lên tới 24.000 TEU. Gemalink được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Sau buổi thảo luận cùng Ban lãnh đạo và các nhân viên Gemalink, Đoàn đã đi tham quan thực tế tại cầu cảng và được chứng kiến quy trình xếp dỡ hàng hóa của đơn vị từ một tàu container của hãng CMA CGM vừa cập cảng.
Hình 3: Đoàn VALOMA tham quan thực tế tại Cảng Quốc tế Gemalink
Vào buổi chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại Trường đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU). Đại diện về phía nhà trường có TS. Mai Xuân Thiệu – Trưởng Khoa Kinh tế biển – Logistics, Chủ tịch VALOMA cùng cán bộ giảng viên của khoa. Đại diện các đơn vị đã chia sẻ thông tin về đào tạo trong lĩnh vực logistics, mở ra những cơ hội mới trong việc kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà trường thuộc Hiệp hội với BVU.
Hình 4: BVU tiếp và làm việc với Đoàn VALOMA
Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác có buổi gặp gỡ, trao đổi với các em sinh viên đang theo học chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại BVU. Các thành viên của Đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu cũng như những lời nhắn nhủ hữu ích, thiết thực đến các em sinh viên để các em có thể có những hành trang thật tốt trong quá trình học tập và công tác trong lĩnh vực logistics mà mình đã chọn. Các em sinh viên cũng đã có những câu hỏi trao đổi và thảo luận với đoàn về lĩnh vực logistics và được các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp logistics trong đoàn giải đáp, cập nhật, chia sẻ các kiến thức hữu ích.
Hình 5: Đoàn VALOMA gặp gỡ và trao đổi với các em sinh viên chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại BVU
Chuyến tham quan và làm việc đã khép lại với nhiều trải nghiệm bổ ích và thú vị từ các thành viên trong đoàn, đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp và các giảng viên trong Hiệp hội. Nhiều câu chuyện và các tình huống thực tế được chia sẻ từ phía đại diện của các doanh nghiệp và giữa các chuyên gia, doanh nghiệp logistics tham gia. Đây là những trải nghiệm thực tiễn vô cùng thiết thực và quý báu cho các trường, đồng thời trang bị cho các giảng viên thông tin thực tế, có thể vận dụng đưa vào bài giảng thêm trực quan, sinh động và tăng tính ứng dụng cho sinh viên.
Ban Truyền thông, Hiệp hội VALOMA