Sáng ngày 25/12/2021, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã có buổi làm việc với Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) về việc mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại UNETI. Buổi toạ đàm được tổ chức nhằm trao đổi về định hướng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại UNETI; giới thiệu mô hình VALOMA COE trong đào tạo nhân lực logistics; chia sẻ kinh nghiệm của một số trường hội viên VALOMA trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; lắng nghe ý kiến và nắm bắt yêu cầu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đối với nguồn nhân lực logistics hiện nay. Tham dự buổi Toạ đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến có đại diện của đơn vị liên quan, bao gồm:
- Về phía Bộ Công Thương, có sự tham dự của Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA; Bà Ngô Thị Thuỳ Ninh – Trưởng Phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ;
- Về phía Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, có sự tham dự của PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương (FTU), Phó Chủ tịch VALOMA; Ông Dương Quang Khánh – Tổng Thư ký VALOMA; Ông Trần Chí Dũng – Trưởng Ban Đào tạo VALOMA
- Về phía Đại diện các trường đại học, có sự tham dự của Nguyễn Thị Vân Hà – Phó Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Giao thông vận tải (UTC); TS. Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU); TS. Nguyễn Vân Hà – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng (BA); TS. Nguyễn Thị Xuân Hoà – Giám đốc Trung tâm Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST); TS. Trần Thị Thu Hương – Trưởng Bộ môn Logistics kinh doanh, Trường Đại học Thương mại (TMU); TS. Trịnh Tùng – Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển (APD); TS. Hoàng Văn Lâm – Trưởng Bộ môn Logistics và Vận tải đa phương thức, Khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải.
- Về phía Đại diện doanh nghiệp Logistics, có sự tham dự của Bà Cao Cẩm Linh – Giám đốc Chiến lược, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post); Bà Lê Thanh Loan – Giám đốc Công ty Gatelink; Bà Lê Ngọc Thúy – Giám đốc SME Logistics; Ông Hoàng Mạnh Anh – Giám đốc quản trị, Tập đoàn ASG; Ông Trần Tiến Đức – Giám đốc Hà Nội, Công ty Real Logistics; Ông Phạm Đăng Vích – Giám đốc Hà Nội, Công ty FDI Logistics.
- Về phía UNETI, có sự tham dự của TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Nguyễn Hoàng Long – Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng và Trưởng các Phòng Khoa học Công nghệ, Phòng Đào tạo, Phòng Công tác Sinh viên, Phòng Tuyển sinh Truyền thông; Trưởng/Phó các Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Kế toán, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Khoa Du lịch và Khách sạn.
Tại buổi làm việc các đại biểu đã nghe phát biểu của ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương; ông Dương Quang Khánh – Tổng Thư ký VALOMA và TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội đồng Trường UNETI.
Sau khi nghe TS. Nguyễn Thị Chi – Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh giới thiệu về thực trạng, nhu cầu, kế hoạch mở đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại UNETI, ông Trần Chí Dũng – Trưởng Ban Đào tạo VALOMA đã giới thiệu với các đại biểu tham dự toạ đàm về Mô hình đào tạo VALOMA COE đối với nhân lực ngành logistics. Mô hình đào tạo này được triển khai thông qua việc hình thành một nhóm các chuyên gia có kiến thức vững vàng và cập nhật, kinh nghiệm thực tế phong phú, kỹ năng mô hình hoá và chuyển giao thông qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện để tập trung vào việc thiết kế các tiêu chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đầu ra theo thông lệ quốc gia/quốc tế; chuyển giao giải pháp ứng dụng thực tế trong đào tạo cũng như vận hành thực tiễn tại doanh nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của nhóm COE này, hoạt động đào tạo nhân lực logistics sẽ áp dụng một số phương pháp mới như phương pháp học tập trên cơ sở giải quyết vấn đề (PBL – Problem-Based Learning); đào tạo cấp chứng nhận theo năng lực thực hiện (CBL – Competency-Based Learning) và đào tạo theo quá trình Nhận biết – Thiết kế – Triển khai – Vận hành; từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics cung cấp cho thị trường lao động. Để triển khai được mô hình COE, các cơ sở đào tạo phải xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phù hợp các tiêu chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thực hành, thực tế tại trường; phát triển nhân lực nòng cốt cho mô hình COE thông qua tập huấn chuyên gia; đưa thực tế sản xuất kinh doanh vào nhà trường thông qua thoả thuận hợp tác với doanh nghiệp…
Tại buổi toạ đàm, đại diện các trường đại học là hội viên của VALOMA đã cũng chia sẻ với UNETI kinh nghiệm đào tạo ngành, chuyên ngành logistics. Đại diện Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo chuyên ngành logistics tích hợp với việc cấp chứng chỉ quốc tế FIATA, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành logistics theo chương trình tiêu chuẩn, chương trình liên kết do nước ngoài cấp bằng và đào tạo sau đại học chuyên ngành logistics. Trường Đại học Thương mại chia sẻ kinh nghiệm mở và đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng kỹ thuật, tối ưu hoá vận hành. Đồng thời, đại diện các trường đại học cũng đã có những góp ý xác đáng cho chương trình đào tạo dự kiến của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại UNETI.
Tham gia toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hiện nay. Bà Cao Cẩm Linh – Giám đốc Chiến lược của Viettel Post nhấn mạnh đến yêu cầu về kiến thức nền tảng, thái độ và kỹ năng mềm đối với nhân lực logistics. Bà Lê Thanh Loan – Giám đốc Công ty Gatelink đề cao vai trò của nhân lực phát triển thị trường – những người có thực hiện chức năng phân tích môi trường, thị trường và tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp logistics đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn. Đồng thời, Bà Loan cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu thành thạo về Tiếng Anh đối với nhân lực logistics để thích nghi với môi trường làm việc quốc tế hiện nay.
Buổi toạ đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp sau 3 tiếng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả. Hy vọng rằng, trên cơ sở những trao đổi từ Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp sẽ xây dựng được một chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chất lượng, đáp ứng được yêu cầu xã hội, phát huy được thế mạnh của nhà trường.
——————————————
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam
Địa chỉ: 207 Đường Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
website: https://valoma.vn
fanpage: https://www.facebook.com/valoma.vn
Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Địa chỉ: 218 Đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
website: https://uneti.edu.vn