Năm 2021 thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc. Nhận định này của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có được từ xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong giai đoạn năm năm 2016 – 2020 cũng như kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước.
Trong giai đoạn bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19, tháng 5 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Quyết định này nêu quan điểm doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng thương mại điện tử và đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương. Theo mục tiêu này, tới năm 2025 các địa phương ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc.
Liên tục từ Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2016 tới nay, VECOM luôn luôn nhấn mạnh tới sự chênh lệch rất lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa hai thành phố này với các địa phương khác. Trong suốt giai đoạn trên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục chiếm trên 70% quy mô thương mại điện tử của cả nước. Năm 2019 VECOM đã đề xuất và triển khai Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhanh và bền vững với mong muốn hỗ trợ các địa phương thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời tạo thị trường lớn hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Sự phát triển của thương mại điện tử giai đoạn mới cùng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đòi hỏi phải rà soát phương pháp tính chỉ số thương mại điện tử. Phương pháp cũ được sử dụng từ năm 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung một số lần. Phương pháp này cơ bản dựa trên khảo sát doanh nghiệp và tính toán bốn chỉ tiêu chính, bao gồm hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).
Từ năm 2021 VECOM điều chỉnh phương pháp tính để phản ảnh tốt hơn tình hình và xu hướng phát triển thương mại điện tử cũng như khoảng cách giữa các địa phương. Theo phương pháp mới, chỉ tiêu G2B sẽ không được xem xét khi tính chỉ số do phần lớn các địa phương đã triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến, đồng thời nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp không phải do địa phương mà do các bộ ngành triển khai. Việc đánh giá tiêu chí hạ tầng và nguồn nhân lực cũng có sự thay đổi lớn do sự phổ cập của máy tính cá nhân, 2 thiết bị di động và việc tiếp cận Internet tương đối dễ dàng với chi phí hợp lý. Ngoài ra, việc sử dụng thư điện tử, mạng xã hội đã trở nên thông dụng với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu định lượng khác được chú ý hơn khi tính toán chỉ số, bao gồm tên miền Internet quốc gia .VN, các loại thẻ thanh toán và đơn vị chấp nhận thẻ, ví điện tử, dịch vụ chuyển phát cho bán lẻ trực tuyến, sự tham gia của các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử, mức độ triển khai các giải pháp kinh doanh trực tuyến, v.v…
Các bạn có thể xem chi tiết tài liệu: TẠI ĐÂY