Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020. Các dịch vụ logistics (vận tải, hỗ trợ vận tải) là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý trong EVFTA theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với WTO, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít thách thức đối với thị trường logistics Việt Nam.
Ngành Logistics đứng trước cơ hội lớn để phát triển nhờ vào các cam kết trong EVFTA, trong đó có cơ hội về nguồn cung, cầu cho dịch vụ này cũng như các điều kiện để dịch vụ được thực hiện hiệu quả:
Cơ hội gia tăng quy mô thị trường, xuất phát từ nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng khoảng 42,7% vào năm 2025 và khoảng 44,37% vào năm 2030. Theo chiều ngược lại mặc dù chưa có tính toán chi tiết, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu từ EU và Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng khi một sản phẩm EU có thế mạnh sẽ được Việt Nam loại bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Cơ hội tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính
Các cam kết về thể chế và hàng rào phi thuế quan trong EVFTA sẽ tạo ra sức ép lớn buộc Chính Phủ Việt Nam phải cải cách trong nhiều lĩnh vực liên quan đến logistics như hải quan, kiểm tra chuyên ngành. Việc thực hiện các cam kết này sẽ giúp cải thiện đáng kể thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá – yếu tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động logistics – về vận tải và cả hỗ trợ vận tải.
Cơ hội giảm chi phí kinh doanh, giảm tình trạng thuê ngoài
Các cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để các doanh nghiệp mua các sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý. EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp logistics tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.
Cơ hội thu hút đầu tư từ EU, tận dụng kinh nghiệm, kĩ năng quản trị, nguồn vốn mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU
Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam
Không ít thách thức đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh EVFTA:
Cạnh tranh với các đối thủ EU có thể gay gắt hơn
EU vốn rất mạnh về thị trường logistics, với các công ty đa quốc gia, với các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics trên thế giới. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực logistics năm 2018 của Ngân hàng thế giới, Đức xếp vị trí đầu tiên, các ước EU chiếm 4 trên 5 quốc gia thuộc top đầu bảng (bao gồm Đức, Hà Lan, Thuỵ Điển, Bỉ), chiếm 14 trên 20 vị trí đầu bảng. Hiện nhiều các doanh nghiệp logictics EU đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dù trước đó mức độ mở cửa của Việt Nam đối với logistics theo WTO vẫn còn rất hạn chế.
Sau EVFTA, với các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy nhiên cạnh tranh được dự báo sẽ chỉ gia tăng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm, còn với các lĩnh vực đã mở theo WTO, cạnh tranh có thể gia tăng tuy nhiên không đáng kể.
Khả năng tiếp cận thị trường logistics của EU hạn chế
Về mặt lý thuyết, EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics không lớn. Điều này không chỉ xuất phát từ việc thị trường EU đã có sẵn các đối thủ rất mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, mà bản thân EU cũng có nhiều ràng buộc pháp lý gián tiếp (về nhập cảnh của khách kinh doanh, về các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics).
Vậy, doanh nghiệp logistics cần chú ý gì trước EVFTA?
Để có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh từ EVFTA, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình:
Thứ nhất, Nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics của EVFTA để nhận diện các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU trên thị trường logistics Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác với đối tác EU.
Thứ hai, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu.
Thứ ba, Cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU.
Thứ tư, Tìm kiếm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau như hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm.
Theo Ban Nghiên cứu, VALOMA và NỀN Logistix
https://nenlogistix.com/2022/03/14/co-hoi-va-thach-thuc-tu-evfta-doi-voi-nganh-logistics-viet-nam/