1. Sự kiện nổi bật
VALOMA tham quan Nhà máy của Honda
Sáng ngày 21/09/2023, thực hiện chủ trương tăng cường mở rộng kết nối hợp tác giữa VALOMA và các đơn vị đối tác, Ban Đối ngoại VALOMA đã kết nối và tổ chức chuyến tham quan thực tế chuỗi cung ứng tại Nhà máy Honda Vĩnh Phúc.
Tham gia đoàn có bà Nguyễn Vân Hà – Trưởng Ban Đối ngoại VALOMA, Trưởng khoa QTKD – Học viện Ngân hàng; bà Nguyễn Thị Lý – thành viên Ban Đối ngoại VALOMA, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & QTKD – Trường Đại học Hòa Bình; ông Nguyễn Văn Đại – thành viên VALOMA, Trưởng phòng Cơ sở dữ liệu và Thương mại điện tử; ông Lê Ngọc Hoàng – thành viên VALOMA, Phó Trưởng phòng Cơ sở dữ liệu và Thương mại điện tử; ông Bùi Quý Thuấn – thành viên Ban Truyền thông VALOMA; cùng với 7 thầy/cô là giảng viên đến từ 6 trường Đại học như: Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam,…; và sự tham gia của 83 bạn sinh viên đến từ các trường Cao đẳng/Đại học ở khu vực phía Bắc.
Trong chuyến thăm quan lần này, VALOMA phối hợp với Honda Việt Nam tạo điều kiện cho các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất của Honda Việt Nam và các vị trí công việc cụ thể tại phòng ban như Quản lý Chất lượng, Phát triển đời xe mới, Kế toán… Thông qua việc trao đổi trực tiếp những thắc mắc của mình với đại diện của các phòng ban tại nhà máy, VALOMA hy vọng các bạn sinh viên sẽ hình thành được những hiểu biết cơ bản về công việc của mình sau khi tốt nghiệp, cũng như phát triển đam mê và cống hiến cho sự nghiệp mà bản thân đang ấp ủ.
Chuyến tham quan đã mang lại cho các bạn sinh viên những kiến thức thực tế, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tế trong doanh nghiệp. Kết thúc chuyến tham quan, đoàn đã chụp hình lưu niệm với Ban Lãnh đạo nhà máy và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động kết nối có giá trị cho sự phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.
2. Tin trong nước
Gemadept muốn làm trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam, bắt tay cùng doanh nghiệp ‘khủng’ của Mỹ
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ được kỳ vọng sẽ trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đồng thời là một khu thương mại tự do.
Công ty SSA Marine và Gemadept (GMD) đã thỏa thuận hợp tác phát triển các cảng biển chiến lược tại phía Nam, bao gồm cả Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD. Nội dung được công khai trong thông cáo báo chí từ Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam.
Được biết, SSA Marine thành lập năm 1949, là một trong những nhà khai thác cảng tư nhân lớn nhất toàn cầu. Dự án xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được đề xuất thực hiện nhằm đưa cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển có vai trò đặc biệt của Việt Nam.
Khi hoàn thành, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đồng thời là một khu thương mại tự do.
Ngoài hai đơn vị là Gemadept và SSA Marine, có 7 nhà đầu tư khác đang quan tâm đến dự án gồm CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco; Liên danh Việt Nam – EU giữa Besix – Boskalis – Hateco; CTCP IMG Innovations; Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế – ITC (Liên doanh Geleximco – ITC); CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; CTCP Tập đoàn Mặt Trời; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; CTCP Công nghệ – Viễn thông Sài Gòn.
Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng hàng không; là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng CM-TV nói riêng, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ nói chung; là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ; gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, khu tài chính ngân hàng, cơ sở đào tạo logistics.
JD Airlines vừa khai trương tuyến vận tải hàng hóa quốc tế đầu tiên của hãng kết nối Trung Quốc và Việt Nam
JD Airlines được JD Logistics thành lập vào năm 2019, trước đây gọi là JD Logistics Airlines, đã nhận được chứng chỉ vận chuyển hàng không từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vào tháng 9 năm ngoái.
Vừa qua, JD Airlines đã khai trương tuyến vận tải quốc tế đầu tiên của hãng khởi hành từ sân bay Bảo An (Thâm Quyến) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và ngược lại. Máy bay được sử dụng là chiếc Boeing 737-800BCF, dòng vận chuyển hàng hóa chuyên dụng. Khung máy bay được lắp đặt cửa lớn, hệ thống xếp dỡ hàng hóa và chỗ ngồi bổ sung cho phi hành đoàn. 737-800BCF có tải trọng hàng hóa tối đa lên tới 23 tấn với kích thước buồng chứa hàng đến 200 m3.
Phối hợp với công ty dịch vụ hàng không CSAA, JD Airlines sẽ khai thác đường bay thương mại này ba lần một tuần vào các ngày thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Tuyến đường được tối ưu hóa để chủ yếu vận chuyển các bưu kiện thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc đến Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng như trái cây và hải sản từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Với việc thực hiện chuyến bay đầu tiên giữa Thâm Quyến và Thành phố Hồ Chí Minh, JD Airlines mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu và nâng cao năng lực vận tải quốc tế. Đây là một nỗ lực nhằm kết nối Trung Quốc với các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á cùng các khu vực khác.
3. Tin tức khu vực và thế giới
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực logistics của Thái Lan
Chiến lược gia nhập thị trường bằng mua lại cổ phần và thành lập liên doanh mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành tại Thái Lan tiêu biểu như:
1. Mua lại cổ phần: Hanjin Logistics Corporation- công ty logistics của Hàn Quốc đã gia nhập thị trường logistics của Thái Lan với việc khai trương một kho container mới tại cảng Laem Chabang.
Tập đoàn Hanjin của Hàn Quốc đã mua 14% cổ phần của công ty logistic KSP Depot với giá 830.000 USD, cho phép công ty này tham gia vào các hoạt động của nhà ga vận chuyển hàng hóa container (CFS). Với việc thành lập cơ sở CFS, Hanjin có kế hoạch giới thiệu dịch vụ “logistics một cửa” toàn diện, tích hợp liền mạch với mạng lưới vận tải nội địa trên khắp Thái Lan.
Hanjin cũng dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường lân cận như Việt Nam, Lào và Campuchia, tập trung vào các dịch vụ giao nhận và vận tải xuyên biên giới.
Laem Chabang CFS, do KSP Depot điều hành và nằm cách Cảng Laem Chabang 1,6 km (0,9 dặm), có diện tích rộng 9.000 mét vuông (96.875 feet vuông).
2. Hyundai Glovis thành lập liên doanh với hai nhà sản xuất phụ tùng ô tô và logistics của Thái Lan, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại quốc gia này.
Liên doanh có tên là Hyundai Glovis Thái Lan và được thành lập với Eastern Air Logistics và Summit Auto Body Industry, cả hai đều có trụ sở tại Bang Phli, Thái Lan.
Hyundai Glovis cho biết việc thành lập một liên doanh vì Thái Lan chỉ cho phép các công ty nước ngoài có cổ phần dưới 50% trong các công ty logistics. Hyundai Glovis Thái Lan sẽ thực hiện các đơn hàng logistics cho các công ty thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (CP). Công ty sẽ sử dụng 150 xe tải điện để vận chuyển sản phẩm từ các trung tâm logistics đến các cửa hàng 7-Eleven địa phương, được điều hành bởi CP ALL của Tập đoàn CP tại Thái Lan. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch vận chuyển thực phẩm tươi sống của CP Group ra nước ngoài đến các nước như Campuchia và Malaysia.
Hyundai Glovis Thái Lan sẽ thực hiện một số hoạt động giao hàng của Eastern Air Logistics, chủ yếu là xử lý các đơn đặt hàng của các công ty sản xuất toàn cầu, vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài và vào Thái Lan, trong khi Eastern Air Logistics sẽ giải quyết các thủ tục hải quan và giao hàng trong Thái Lan.
Chỉ số container thế giới Drewry WCI tiếp diễn đà giảm
So với mức trung bình của 10 năm là 2.681 USD/container, chỉ số tổng hợp Drewry WCI hiện tại thấp hơn tới 37%. Sau một thời gian tăng nóng trong đại dịch, chỉ số đang có xu hướng quay trở lại mức giá bình thường nhưng vẫn cao hơn 18% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD/container.
Thế nhưng hiện tại, giá cước tàu đã giảm khá sâu nhưng vẫn không có khách đặt tàu. Lý do là nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, người dân các nước thắt chặt chi tiêu vì lạm phát khiến nguồn hàng xuất khẩu ít đi, từ đó kéo theo tình trạng dư thừa container, hãng tàu đua nhau hạ giá để hút khách hàng. Tình hình giá cước một số tuyến quan trọng:
- Giá cước tuyến Shanghai – Rotterdam giảm 10% xuống còn 1.449 USD/container 40ft.
- Giá cước tuyến Shanghai – Genoa (giao ngay) giảm 7% xuống còn 1.888 USD/FEU.
- Giá cước tuyến Rotterdam – Shanghai giảm 3%, ở mức 500 USD/container 40ft.
- Giá cước tuyến New York – Rotterdam và Shanghai – New York lần lượt giảm 2% xuống còn 739 USD và 1% xuống còn 3.398 USD/container 40ft.
- Giá cước tuyến Shanghai – Los Angeles tăng nhẹ 2% lên 2.254 USD/FEU.
- Giá cước (giao ngay) tuyến Los Angeles – Shanghai và Rotterdam – New York giữ nguyên mức của tuần trước
Giá cước suy giảm làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Giá cước vận tải biển container Bắc – Nam hiện nay gần chỉ khoảng 100.000 – 200.000 đồng/container 20 feet. Đáng chú ý, có tuyến vận tải biển từ TP.HCM sang cảng biển của Trung Quốc thậm chí giá cước đã xuống mức âm. Hãng tàu chủ yếu thu phụ phí để bù đắp chi phí. Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, từ nay tới cuối 2023, lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục giữ ở mức cao, sức mua tại các địa bàn lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng chậm lại. Thị trường vận tải container do vậy chưa thể sớm phục hồi.
Hiệp hội khuyến cáo ngoài các tuyến chính như Bắc Mỹ và Châu Âu có khối lượng hàng lớn và doanh số cao, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng hoạt động tại các thị trường ở Bắc Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Australia và Trung Đông cũng là những thị trường tiềm năng hấp dẫn cho việc mở rộng và phát triển.
Hãng Korean Air hướng tới chuyển đổi sang vận đơn hàng không điện tử
Hiện tại, hãng hàng không quốc gia của Hàn Quốc Korean Air đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang vận đơn hàng không điện tử (eAWB) cho toàn bộ kiện hàng để đảm bảo sự hiệu quả trong quá trình vận chuyển.
Hãng hàng không này cho biết vận đơn hàng không điện tử sẽ thay thế hình thức giấy tờ vật lý truyền thống cho hàng hoá rời khỏi Hàn Quốc tới Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và những thị trường được lựa chọn khác.
Được biết, Korean Air sẽ bắt đầu triển khai vận đơn hàng không điện tử cho hàng hoá xuất khỏi Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 1 năm 2024 và dự kiến sẽ mở rộng bước chuyển đổi số này cho mọi loại hàng hóa hàng không đi đến các trạm của hãng trên thế giới trong thời điểm thích hợp.
Hãng hàng không cho biết: “Với các loại giấy tờ vận đơn bản cứng đều yêu cầu người thực hiện đi lại để phân loại, in ấn và nộp lại thì vận đơn hàng không điện tử sẽ giúp cắt giảm sự rườm rà trong toàn bộ quy trình từ việc đặt chỗ đến khi vận chuyển tới nơi. Việc chuyển đổi số cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng dữ liệu và sự chính xác hơn để giúp hãng chúng tôi chia sẻ các thông tin quan trọng và minh bạch hơn.
Đơn giản hoá quy trình và cắt giảm các chi phí phát sinh cũng làm tăng sự hiệu quả cho các công việc liên quan đến vận đơn hàng không”, theo đại diện của hãng Korean Air cho biết. Trước đó, Korean Air đã hoàn tất quá trình chạy thử nghiệm với các bên liên quan , khách hàng vận chuyển hàng hóa và các forwarders. Sau hơn 30 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; và thứ ba về hợp tác thương mại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Korean Air là một trong những hãng hàng không lớn và uy tín tại Hàn Quốc, và quyết định chuyển đổi sang vận đơn hàng không điện tử sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam một cách toàn diện và tích cực. từ việc tối ưu hóa quy trình đến giảm chi phí và tăng tính minh bạch và đáng tin cậy trong việc quản lý và vận chuyển hàng hoá. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển và cải thiện hiệu quả của ngành logistics ở Việt Nam.
4. Hoạt động kết nối
VALOMA tham quan thực tế tại Trung tâm Logistics SLS, Trung tâm Logistics Nhất Tín và Nhà máy Selex Motors
Ngày 26/08/2023, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức chuyến tham quan tại hai
trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Hưng Yên của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SLS Việt Nam và Công ty Nhất Tín Logistics. Ngoài ra, đoàn VALOMA còn tham quan Nhà máy Selex Motors thuộc Công ty Cổ phần Phương tiện Điện thông minh Selex tại Gia Lâm (Hà Nội).
Thành phần đoàn tham quan gồm đại diện đến từ một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, giảng viên, sinh viên đến từ 11 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng cùng 12 doanh nghiệp hội viên và ngoài hội viên VALOMA do ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA) làm Trưởng đoàn.
Điểm tham quan đầu tiên của đoàn là Trung tâm Logistics SLS có diện tích sàn rộng lên đến 16.200 m2 và diện tích sân bãi gần 10.000 m2, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, trung tâm logistics đảm bảo việc nhận hàng hóa an toàn và tiện lợi. Trung tâm logistics SLS có vị trí hết sức thuận tiện, đặt tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội 35km và cảng Hải Phòng 78km, dễ dàng kết nối với các khu công nghiệp lân cận.
Sau đó đoàn VALOMA tiếp tục di chuyển đến tham quan trung tâm logistics lớn nhất Miền Bắc của Nhất Tín Logistics – Trung tâm khai thác chia chọn hàng hóa Văn Giang có diện tích lên đến 20.000 m².
Cuối ngày, đoàn VALOMA di chuyển tham quan Nhà máy Selex Motors thuộc Công ty Cổ phần Phương tiện Điện thông
minh Selex tại Gia Lâm (Hà Nội). Selex Motors đã tập trung vào xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho xe máy điện thông minh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua phương tiện điện thông minh, đưa năng lượng tái tạo vào giao thông.
Chuyến tham quan đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho Đoàn VALOMA, giúp các thầy cô và các em sinh viên có những kiến thức thực tế hết sức thiết thực góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tế tại doanh nghiệp. Chắc chắn trong tương lai, VALOMA sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối có nhiều giá trị cho sự phát triển nhân lực logistics nói riêng và ngành logistics nói chung.
Chương trình hiến máu tình nguyện “Nhiệt huyết VALOMA” lần thứ 5
Thư kêu gọi tham gia hiến máu tình nguyện “NHIỆT HUYẾT VALOMA”
Thân gửi các quý thầy cô, quý anh/chị hội viên VALOMA và các em sinh viên!
Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là nét đẹp trong cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Hiến máu tình nguyện giúp cung cấp nguồn máu quý giá cho các bệnh viện, đồng thời trao cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Trải qua hai năm thành lập, bên cạnh những hoạt động chuyên môn, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tích cực tham gia phong trào hiến máu với 4 đợt Hiến máu tình nguyện (tháng 10 năm 2021, tháng 4 và tháng 5 năm 2022, tháng 5 năm 2023).
Tiếp nối những thành công đó, Hiệp hội VALOMA tiếp tục kêu gọi các thầy cô, anh/chị hội viên tại các doanh nghiệp cùng các em sinh viên trong Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam cùng tham gia hưởng ứng Chương trình hiến máu tình nguyện của Hiệp hội mang tên “NHIỆT HUYẾT VALOMA”. Thời gian diễn ra sự kiện là vào hồi 8h00 đến 11h00 ngày 14 tháng 10 năm 2023 với hai đầu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và tại Bệnh viện 175 (số 1 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Gò Vấp, TP.HCM).
Link đăng ký tham gia sự kiện: https://tiny.cc/hienmau2023
Hoặc quét mã QR
Hiệp hội rất mong nhận được sự chia sẻ, tình nguyện hiến máu từ các thầy cô giáo, các anh/chị hội viên và các em sinh viên! Nếu có bất cứ thắc mắc nào, các thầy cô, anh/chị và các em sinh viên vui lòng liên hệ chị Trần Thị Hương SĐT: 0975541238 (hà Nội) hoặc chị Đoàn Thị Ngọc SĐT: 0333065218 (TP.HCM).
Ban truyền thông Valoma