BẢN TIN VALOMA THÁNG 11/2024

SỰ KIỆN NỔI BẬT

Lần đầu tiên Valoma tổ chức đoàn xúc tiến thương mại về logistics tại nước ngoài

Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã có chuyến đi xúc tiến thương mại về logistics từ ngày 27/10 đến ngày 2/11/2024 tại Thái Lan, với sự tham gia của đại diện các cơ quan và doanh nghiệp ngành logistics của Việt Nam. Mục tiêu chính của chuyến đi là tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, khảo sát thực tế, và tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực logistics. Đoàn đã có nhiều buổi làm việc và hội thảo với các đối tác Thái Lan tại các cảng biển, cơ sở đào tạo, khu công nghiệp và cơ sở logistics hiện đại.

Trong những ngày đầu tiên, đoàn đã tới thăm cảng nước sâu Laem Chabang, một trong những cảng lớn nhất thế giới, và làm việc với các lãnh đạo của cảng. Tại đây, các bên đã trao đổi về quá trình phát triển cảng, cơ sở hạ tầng hiện có, cũng như các cơ hội đầu tư trong tương lai khi cảng hoàn thiện các giai đoạn mở rộng. Bên cạnh đó, đoàn cũng có buổi làm việc với Trường Đại học Kasetsart – Cơ sở Si Racha, thảo luận về các chương trình hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao.

Ngày 29/10, VALOMA và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã đồng tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp hai nước. Hội nghị này nhằm thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư trong các lĩnh vực như kho bãi, vận tải và đóng tàu. Chương trình kết nối giao thương diễn ra sôi nổi với 169 cuộc gặp gỡ trực tiếp 1-1, mở ra 39 cơ hội kinh doanh mới và ký kết 3 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Chiều cùng ngày đoàn cũng đã làm việc với Liên đoàn Giao nhận Quốc tế Thái Lan (TIFFA), trao đổi về kinh nghiệm vận hành logistics và các chương trình đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, đoàn cũng có chuyến thăm Đại sứ quán cùng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cùng nhau trao đổi kết quả làm việc trong 2 ngày công tác cũng như bày tỏ những nguyện vọng, mong muốn về những cơ hội phát triển, hợp tác giữa 2 bên.

Ngày 30/10, VALOMA đã phối hợp cùng Đại học Thammasat tổ chức hội thảo về hợp tác đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, với sự tham gia của các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này. Hội thảo đã nêu bật các thách thức và cơ hội trong việc phát triển nguồn nhân lực logistics, và đặt nền móng cho các hợp tác nghiên cứu, chia sẻ giáo trình và tài liệu đào tạo. Buổi làm việc tại Công ty Fukuyama Transport Co., Ltd, một công ty vận tải trọn gói nổi bật tại ASEAN vào chiều ngày 30/10, cũng cung cấp cho đoàn nhiều thông tin hữu ích về dịch vụ logistics xuyên biên giới, những tình huống thực tế giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về tiềm năng hợp tác trong khu vực. Tại chuyến tham quan, các bên tham gia đã trao đổi rất sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chính sách, quản trị nhân sự, phát triển nhân lực logistics trên phạm vi toàn cầu

Ngoài ra, vào ngày 31/10, đoàn còn khảo sát thực tế khu vực Free Zone tại sân bay Suvarnabhumi và các kho hàng chuyên dụng, từ đó thu thập được nhiều thông tin về hoạt động logistics hiện đại và quy trình xử lý hàng hóa. Chuyến đi kết thúc với nhiều kết quả tích cực, mở ra các cơ hội hợp tác trong cả đào tạo và vận hành logistics giữa Việt Nam và Thái Lan, đồng thời nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường logistics Thái Lan, đặc biệt là về logistics hàng không, cảng biển và vận tải xuyên biên giới. Chiều cùng ngày, VALOMA đã có cơ hội tới thăm và khảo sát kho hàng hóa nguy hiểm và hóa chất của Công ty TNHH Quản lý Logistics HazChem. Chuyến khảo sát là một cơ hội quý giúp các thành viên hiểu rõ quy trình hoạt động, các dịch vụ đối với hàng nguy hiểm và hóa chất của HazChem Logistics nói riêng và của kho hàng nguy hiểm, kho hàng thông thường nói chung.

Chuyến đi khảo sát của đoàn công tác VALOMA tới TIFFA ICD tại Lat Krabang, Thái Lan đã diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 1/11. Buổi làm việc tập trung vào việc giới thiệu về hoạt động của TIFFA ICD, một trong những trung tâm container nội địa lớn nhất tại Thái Lan. TIFFA ICD nổi bật với vị trí địa lý thuận lợi, gần các cảng biển, sân bay và khu công nghiệp lớn. Công ty cung cấp đa dạng các dịch vụ logistics, từ xếp dỡ hàng hóa, kho bãi đến vận chuyển đa phương thức. Đặc biệt, TIFFA ICD đã đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường như sử dụng xe nâng và xe tải điện. Điểm nhấn của chuyến đi là việc được khảo sát trực tiếp cơ sở vật chất hiện đại của TIFFA ICD, đặc biệt là nhà ga container với diện tích lớn và hệ thống an ninh chặt chẽ. Việc kết hợp vận tải đa phương thức bằng đường sắt đã giúp TIFFA ICD giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho khách hàng. Chuyến đi đã mang lại cho các thành viên trong đoàn công tác VALOMA những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về hoạt động của một ICD hiện đại. Đồng thời, chuyến đi cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và TIFFA ICD trong lĩnh vực logistics.

Như vậy, sau gần 1 tuần làm việc ngắn ngủi tại Thái Lan, các thành viên VALOMA đã có cơ hội tham quan, học tập, trao đổi hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan. Chuyến tham quan đã giúp các thành viên hiểu rõ hơn về các hoạt động, thực trạng cũng như cơ hội, thách thức trong lĩnh vực logistics tại nước ngoài.

 

HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI

Đoàn lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, các doanh nghiệp logistics thăm và làm việc cùng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung Phân hiệu Đà Nẵng

Chiều ngày 14/11/2024, Đoàn lãnh đạo Bộ Công thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và các doanh nghiệp Logistics trên địa bàn Đà Nẵng có chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Xây dựng Miền Trung tại Phân hiệu Đà Nẵng.

Chuyến thăm có sự tham dự của Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồng thời là Chủ tịch danh dự VALOMA; Bà Cao Cẩm Linh – Trưởng ban nghiên cứu VALOMA; Ông Võ Văn Khanh – Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam. Về phía doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn TP. Đà Nẵng gồm có: Bà Đặng Trần Giai Thoại – Công ty Viconship; Ông Lê Quang Đạt và Bà Ngô Trần Vân Linh – Công ty Asia Trans; Ông Nguyễn Lộc Thạnh – Công ty Danalog; Bà Phạm Thị Hồng Nhi – Công ty Global logistics and Transport; Ông Dương Quang Hải – Công ty Phát triển công nghệ PSCD. Bên cạnh đó là sự tham dự của TS. Phan Văn Huệ – Hiệu trưởng; TS. Lê Đức Thường – Phó hiệu trưởng; TS. Huỳnh Ngọc Hào – Phụ trách Phân hiệu; cùng các giảng viên và đặc biệt là các em sinh viên đang theo học ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Phân hiệu.

Trong chuyến công tác, đoàn đã được TS. Phan Văn Huệ chia sẻ lịch sử phát triển của Trường và Phân hiệu, những thành tựu của Trường; chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng để mong nhận được sự đóng góp từ phía Bộ Công Thương, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Nhà trường đã nhận được sự đóng góp quý báu từ phía cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp để thuận lợi cho việc đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng bao gồm: khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi về Ngành, kết nối với hội sinh viên cùng ngành trên cả nước, kết nối trong việc đào tạo với các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Thành phố, cho sinh viên tiếp cận dần với doanh nghiệp vào các năm đầu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng và thương mại điện tử phát triển song hành nhau, do đó các học phần trong chương trình đào tạo cần xây dựng có liên quan với nhau.

Nhà Trường ghi nhận các ý kiến đóng góp của quý lãnh đạo và quý doanh nghiệp để phát triển ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường. Sau đây là một số hình lưu niệm tại buổi làm việc giữa Nhà trường với Bộ Công Thương, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và doanh nghiệp.

VALOMA thăm và làm việc tại Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II

Chiều ngày 25/10/2024 Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) có chuyến thăm, làm việc đồng thời tham gia tọa đàm nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng với trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II (FTU2) dẫn đầu đoàn có ông Nguyễn Thanh Nhã, trưởng ban hội viên VALOMA; TS Hà Minh Hiếu, phó trưởng ban truyền thông VALOMA cùng các đại diện doanh nghiệp và giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt tháp tùng cùng đoàn thăm, làm việc và tham gia tọa đàm tại FTU2 còn có sự hiện diện của ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng cục XNK-bộ Công Thương, Chủ tịch danh dự VALOMA.

Về phía FTU2 có sự tiếp đón nồng nhiệt của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, phó giám đốc nhà trường; TS Lê Hồng Vân, trưởng Bộ môn Kinh doanh và Thương mại Quốc tế; TS Lê Thị Thanh Ngân, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh và Thương mại Quốc tế cùng các thầy, cô, sinh viên chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Trong chuyến tham quan và tham gia tọa đàm, đoàn đã được PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ những thành tựu và những khó khăn từ trường FTU2 trong đó kỳ vọng mong muốn tăng cường sự hợp tác, phối hợp đào tạo trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Đại diện VALOMA ông Nguyễn Thanh Nhã cũng chia sẻ những thành tựu đạt được của VALOMA trong thời gian vừa qua cũng như những kế hoạch, dự định sắp tới và cam kết tạo mọi điều kiện để thầy, cô FTU2 tham gia các hoạt động VALOMA.

Về phía quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải cũng bày tỏ sự vui mừng khi được biết định hướng của FTU2 trong thời gian sắp tới và có những chỉ đạo VALOMA phát triển thêm nhân sự hoạt động từ FTU2. Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải cũng có nhiều chia sẻ về nghề logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho các bạn sinh viên tham gia tọa đàm cũng như rất quan tâm về mô hình đào tạo định hướng ứng dụng của nhà trường.

Đoàncũng được nghe nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt có sự chia sẻ đầy tâm huyết của ông Trần Thanh Hải về thực trạng ngành logistics của Việt Nam cũng như nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics trong thời đại công nghệ số. Đồng thời còn có rất nhiều câu hỏi từ giảng viên, sinh viên tham dự tọa đàm đã được đoàn cùng quý doanh nghiệp trả lời, giải đáp cũng như tiếp thu những góp ý để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

 VALOMA thăm và làm việc tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Chiều ngày 31/10/2024 Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) có chuyến thăm và làm việc với Trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM (UEH). Dẫn đầu đoàn có ông Nguyễn Thanh Nhã, Trưởng ban Hội viên VALOMA; TS Hà Minh Hiếu, Phó trưởng ban Truyền thông VALOMA cùng các đại diện doanh nghiệp và giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt tháp tùng cùng đoàn thăm và làm việc tại trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM còn có sự hiện diện của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục XNK-Bộ Công Thương, Chủ tịch danh dự VALOMA.

Về phía trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM, có sự tiếp đón nồng nhiệt của PGS.TS Bùi Thanh Tráng, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM; TS Hoàng Thị Thu Hằng, Giám đốc chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng cùng các thầy, cô là trưởng, phó các phòng ban, khoa.

Trong chuyến tham quan này đoàn đã được PGS.TS Bùi Thanh Tráng chia sẻ những thành tựu và những khó khăn từ trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM; TS Hoàng Thu Hằng chia sẻ chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của nhà trường đề mong nhận được sự đóng góp từ phía các hội viên VALOMA. Đại diện VALOMA ông Nguyễn Thanh Nhã cũng chia sẻ những thành tựu đạt được của VALOMA trong thời gian vừa qua cũng như những kế hoạch, dự định sắp tới.

Về phía quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải cũng bày tỏ sự vui mừng khi được biết định hướng của trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM trong thời gian sắp tới và có những chỉ đạo VALOMA tạo điều kiện thuận lợi để hội viên như UEH cử nhiều giảng viên tham gia hoạt động của Hiệp hội. Bên cạnh đó, trong buổi gặp mặt này còn có sự tham gia của hơn 30 sinh viên năm 3 năm 4 cũng như các doanh nghiệp là thành viên VALOMA cùng nhau trao đổi về hoạt động Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

VALOMA và các tổ chức “Hội thảo Khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 4 (CLSCM-2024)”

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2024, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và các đối tác liên kết đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia về Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng Việt Nam lần thứ 4 (CLSCM-2024). Với chủ đề “Phát triển kinh tế và thu hút đầu tư với chuỗi cung ứng thông minh, bền vững”, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, cùng với 53 bài báo nghiên cứu, trong đó có 47 bài được chọn lọc trình bày và đăng trên Kỷ yếu có chỉ số ISBN quốc tế.

Đến tham dự hội thảo có ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; TS. Phạm Hữu Thư – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; ông Phạm Tuấn Hải- Phó Giám đốc Sở Công thương; PGS.TS. Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Ngoại thương. Diễn giả nổi bật tại hội thảo gồm ông Bùi Ngọc Hải – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và TS. Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Về phía các đơn vị đồng tổ chức có PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA, PGS.TS. Phạm Tiến Đạt- Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Về phía khách mời gồm có các các Nhà trường, doanh nghiệp, tập đoàn và đơn vị tài trợ: TS. Quách Hoài Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang; Ông Ko Tae Yeon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng; Bà Kim So Yeon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển quốc tế Shengyang; đại diện các đơn vị: Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Công ty LX Pantos, Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới tại Việt Nam – WLP (World Logistics Passport).

Thông qua các nghiên cứu, bài báo và các báo cáo của các chuyên gia, CLSCM-2024 đã tạo ra không gian thảo luận về những thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển của ngành logistics trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các đại biểu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi kinh nghiệm và đưa ra các chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Mục tiêu chính của CLSCM-2024 là tạo ra một diễn đàn khoa học chất lượng, nơi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong ngành logistics và chuỗi cung ứng có thể trao đổi, chia sẻ, phản biện và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho ngành logistics Việt Nam. Hội thảo năm nay tập trung vào việc làm rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng thông minh và bền vững trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, qua đó khẳng định vai trò chiến lược của logistics trong nền kinh tế quốc gia.

Trong phiên họp tổng thể, có 2 bài báo cáo của Ông Bùi Ngọc Hải về chủ đề “Thành phố Hải Phòng – Trung tâm logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế: Cơ hội và thách thức”, chia sẻ về chiến lược phát triển Hải Phòng trở thành một trung tâm logistics quốc tế, với các hướng phát triển như cảng biển, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và khu kinh tế xanh. Theo ông, việc định vị Hải Phòng là một trung tâm logistics quốc gia và quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.

Tiếp đó, TS. Lê Quang Trung đã trình bày về chủ đề “Phát triển cảng xanh – nhiệm vụ tất yếu trong logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông đã chia sẻ các giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics và phát triển các cảng xanh, giúp giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những điểm nhấn của CLSCM-2024 là việc trao giải Best Paper cho các bài báo xuất sắc. Ban tổ chức đã trao giải cho 6 bài báo tiêu biểu, với các nghiên cứu nổi bật về phát triển logistics bền vững, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics tại các quốc gia Đông Nam Á. Các bài báo này không chỉ đóng góp vào kho tàng tri thức về logistics mà còn đưa ra các giải pháp thực tiễn để giải quyết những thách thức trong ngành logistics và chuỗi cung ứng. Các bài báo nhận giải bao gồm:

– Bài báo “Đánh giá mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và chỉ số hiệu quả logistics (LPI): Trường hợp của các nước Đông Nam Á” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

– Bài báo “Factors influencing students’ intentions to use electric ride-hailing service in Hanoi” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Ngoại thương)

– Bài báo “Phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng trình độ đại học theo định hướng ứng dụng: từ lý luận đến thực tiễn” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Tài chính – Marketing)

– Bài báo “Logistic xanh, bù đắp carbon tự nguyện và trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng: Trường hợp chương trình trung hòa carbon của Grab” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng)

– Bài báo “Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics tại các nước Đông Nam Á” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế – Luật)

– Bài báo “Impact of last mile delivery on customer experience in fashion industry in Hanoi” (Nhóm nghiên cứu đến từ Athena Group Investment and Trading Joint Stock Company)

Hội thảo khoa học quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 5 (CLSCM-2025) sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là một cơ hội tiếp tục thảo luận và phát triển các giải pháp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ.

Hội thảo đã thành công rực rỡ, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các học giả, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong ngành logistics. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đồng thời đưa ra các giải pháp khoa học và thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành logistics tại Việt Nam. Cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

TIN TRONG NƯỚC

Khu thương mại tự do thí điểm tại Đà Nẵng sẽ tạo lợi thế thúc đẩy thu hút đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.

Theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế thành lập khu thương mại tự do như vị trí chiến lược; về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; về điều kiện kinh tế – xã hội; nguồn nhân lực … Tuy nhiên, thách thức ở đây là diện tích đất hạn chế, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên là tài sản quý của Đà Nẵng, cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn hệ sinh thái. Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh do tính tương đồng trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, tiềm năng du lịch…) từ các thành phố trực thuộc Trung ương, các đặc khu kinh tế trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Về định hướng xây dựng mô hình, Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết trong chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam, Hiệp hội đã đề xuất mô hình “kiềng 3 chân”, lấy đòn bẩy logistics trong phát triển kinh tế, đó là: khu thương mại tự do, cảng và sân bay trung chuyển, hành lang kinh tế. Dẫn chứng một số khu thương mại tự do trên thế giới thành công áp dụng mô hình này như Hong Kong, khu thương mại tự do của Panama, khu thương mại Jabel Ali.

Với Việt Nam, khu thương mại tự do thí điểm tại Đà Nẵng sẽ là công cụ tạo lợi thế thúc đẩy thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng vẫn khai thác thấp, chưa được định vị là sân bay trung chuyển và hiện nay mới có hành lang kinh tế Đông Tây nối giữa Myanmar và Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ Liên đoàn logistics thế giới, VLA đã đề xuất hành lang mới là IPEC (hành lang kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương). Các quốc gia được kết nối trong IPEC gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á.

Năm 2023 Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố hành lang do Mỹ bảo trợ nối liền Ấn Độ xuyên qua các nước Trung Đông đến đầu Israel và đi thẳng đến châu Âu. Trên cơ sở này, VLA đã mạnh dạn đề xuất Liên đoàn logistics thế giới bảo trợ cùng phát triển hành lang kinh tế IPEC.

Việt Nam đang ở trung tâm vùng châu Á Thái Bình Dương, kết nối thương mại với các nước Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) với tiềm năng thương mại hiện tại là 200 tỷ USD, với Mỹ 246 tỷ USD, Đông Nam Á 97 tỷ USD và với Ấn Độ.

Ông Minh cũng đưa ra một vài giả thuyết về các chủ hàng tiềm năng cho Đà Nẵng. Đó là trở thành Trung tâm dự trữ bông cho toàn bộ châu Á và tạo mắt xích sản xuất sợi – vải. Nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ sẽ cân bằng luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ với luồng hàng xuất khẩu. Theo ông Minh, với vị trí trung tâm ở hành lang thương mại IPEC và cộng với hành lang kinh tế Đông Tây đã được hình thành sẽ thúc đẩy sự tích hợp chuỗi giá trị và tăng cường kết nối trong khu vực Ấn Độ – Đông Dương.

Hành lang IPEC bao phủ 13/16 FTA mà Việt Nam đã ký kết phát triển thương mại. Do sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm cho IPEC bao phủ công xưởng sản xuất thứ 2 của thế giới: Ấn Độ – Việt Nam – Đông Nam Á – Nhật Bản – Hàn Quốc – Mexico. Hiện Đà Nẵng đã xuất hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy bay, là hướng hé mở Đà Nẵng có thể là tổ hợp công nghệ ô tô, hàng không – vũ trụ, gắn với Khu kinh tế Chu Lai, Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông Tây và liên kết với hành lang kinh tế có tính bao trùm thương mại – kinh tế – công nghiệp – logistics như hành lang IPEC. Ngoài ra, nếu phát huy lợi thế đường biển, các ngành hàng như nông sản – thủy hải sản, thực phẩm chế biến, Halal food, dệt may, nội thất… cũng là thế mạnh của Đà Nẵng.

Điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng

Kể từ ngày 16/12/2024, Nghị định số 144 về điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng sẽ có hiệu lực thi hành.

Ngày 1/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 144 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, đối với hàng hóa phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa nitơ (mã hàng 31.02), Chính phủ quy định: Urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước (mã hàng 3102.10.00); amoni sulphat (mã hàng 3102.21.00); loại khác (mã hàng 3102.29.00); hỗn hợp của amoni nitrat với canxi carbonat hoặc các chất vô cơ khác không phải phân bón (mã hàng 3102.40.00); natri nitrat (mã hàng 3102.50.00); muối kép và hỗn hợp của canxi nitrat và amoni nitrat (mã hàng 3102.60.00); hỗn hợp urê và amoni nitrat ở trong dung dịch nước hoặc dung dịch amoniac (mã hàng 3102.80.00); loại khác, kể cả hỗn hợp chưa được chi tiết trong các phân nhóm trước (3102.90.00) có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Chính phủ cũng quy định Amoni nitrat có hàm lượng NH4NO3 > 98,5% (mã hàng 3102.30.00.10) thuế suất 0%; loại khác (mã hàng 3102.30.00.90) thuế suất 5%.

Thuế xuất khẩu đối với kẽm chưa gia công, thiếc chưa gia công được quy định như sau:

Kẽm, không hợp kim có hàm lượng kẽm từ 99,99% trở lên tính theo khối lượng (mã hàng 7901.11.00); kẽm, không hợp kim có hàm lượng kẽm dưới 99,99% tính theo khối lượng (mã hàng 7901.12.00); hợp kim kẽm (mã hàng 7901.20.00) thuế suất xuất là 10%.

Thiếc chưa gia công (mã hàng 80.01), trong đó, thiếc, không hợp kim (mã hàng 8001.10.00); mặt hàng hợp kim thiếc (mã hàng 8001.20.00) có thuế suất thuế xuất khẩu 10%.

Thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc lá

Tại Nghị định, Chính phủ quy định sản phẩm chứa lá thuốc lá, thuốc lá hoàn nguyên, nicotin, hoặc các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá hoặc các nguyên liệu thay thế nicotin, dùng để hút mà không cần đốt cháy; các sản phẩm chứa nicotin khác dùng đề nạp nicotin vào cơ thể con người (mã hàng 24.04) thì thuế suất nhập khẩu như sau:

Các sản phẩm dùng để hút mà không cần đốt cháy chứa lá thuốc lá hoặc thuốc lá hoàn nguyên (mã hàng 2404.11.00); loại khác, chứa nicotin (mã hàng 2404.12); dạng lỏng hoặc gel dùng cho thuốc lá điện tử (mã hàng 2404.12.10); loại khác (mã hàng 2404.12.90); chứa các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá (mã hàng 2404.19.10); chứa các nguyên liệu thay thế nicotin (mã hàng 2404.19.20); kẹo cao su có nicotin (mã hàng 2404.91.10); miếng dán nicotin (mã hàng 2404.92.10)… có thuế suất nhập khẩu 50%.

Bên cạnh đó, thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự (mã hàng 8543.40.00) có thuế suất nhập khẩu 50%.

Nghị định nêu rõ, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng thuộc nhóm 24.04, các mặt hàng có mã HS 8543.40.00 nêu trên được áp dụng trong trường hợp các mặt hàng này được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

 

Siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD – Cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 70 tỷ USD đã tái khởi động trong năm nay. Đây là một trong những công trình hạ tầng quy mô lớn nhất trong lịch sử đất nước. Trong bài phân tích “The Political Economy of Vietnam’s North-South High-Speed Rail Project” của TS Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak (Singapore), dự án không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng đối với toàn khu vực Đông Nam Á.

Tiềm năng phát triển và tăng cường kết nối khu vực

Dự án đường sắt cao tốc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo nên mạng lưới vận tải xuyên suốt từ các đô thị lớn của Việt Nam đến các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Thái Lan. Trước xu thế thương mại nội khối Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, tuyến đường này có tiềm năng rút ngắn thời gian di chuyển hàng hóa và hành khách, góp phần giảm chi phí logistics và thúc đẩy giao thương quốc tế. Bối cảnh khu vực đang chứng kiến nhiều dự án đường sắt cao tốc khác như tại Thái Lan và Lào, nên Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào mạng lưới giao thông khu vực.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt này còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bất động sản và các ngành dịch vụ liên quan dọc theo tuyến. Những ga tàu cao tốc sẽ trở thành hạt nhân phát triển cho các khu đô thị mới, khu công nghiệp và trung tâm thương mại. Từ đó gia tăng giá trị đất đai và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Tăng sức cạnh tranh cho logistics Việt Nam

Ngành logistics ở Việt Nam hiện phải đối diện với áp lực lớn do hạn chế về hạ tầng và chi phí vận tải cao. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm gần 20% GDP, một con số cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển và thậm chí một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc sẽ giảm bớt áp lực cho mạng lưới đường bộ, đồng thời rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí vận chuyển – đặc biệt hữu ích cho hàng hóa nặng và có giá trị cao.

Khi cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp, năng lực sản xuất sẽ được tối ưu hóa, thị trường mở rộng, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng tăng lên. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng gắn chặt với xuất khẩu và thu hút vốn FDI, việc củng cố một hệ thống logistics hiện đại và hiệu quả là điều cần thiết để hỗ trợ đà phát triển dài hạn của đất nước.

Đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Với lợi thế là phương thức vận tải có lượng khí thải carbon thấp hơn so với đường bộ và hàng không, đường sắt giúp giảm đáng kể tác động đến môi trường. Việc chuyển hướng một phần vận tải từ đường bộ và hàng không sang đường sắt không chỉ làm giảm ô nhiễm mà còn hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt cao tốc sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Khi dự án đi vào hoạt động, người dân sẽ có thêm lựa chọn di chuyển tiện lợi và nhanh chóng, giảm bớt việc sử dụng xe cá nhân và xe khách, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông hiện có.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam không chỉ đại diện cho sự nâng cấp hạ tầng của Việt Nam mà còn là bệ phóng để đưa đất nước trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này, dự án đòi hỏi một quy trình quản lý tài chính nghiêm ngặt, lựa chọn đối tác phù hợp và sự minh bạch trong từng quyết định. Nếu triển khai đúng cách, dự án không chỉ tăng cường năng lực vận tải mà còn góp phần vào phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường kinh tế khu vực và quốc tế.

Ông lớn bất động sản Nhật Bản tiến sâu vào thị trường Việt Nam với dự án logistics đầy tham vọng

Sau khi ra mắt thành công với dự án đầu tiên tại Long An, tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực phía Bắc bằng việc triển khai dự án Logicross Hải Phòng.

Vừa qua, Mitsubishi Estate – một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu của Nhật Bản đã tổ chức lễ khởi công dự án Logicross Nam Thuận tại Long An, đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc thâm nhập vào thị trường hạ tầng logistics tại Việt Nam.

Dự án trải rộng trên diện tích 11,5ha, với khoảng 61.200m² nhà kho hiện đại theo mô hình xây sẵn, bao gồm ba khối nhà độc lập. Đặc biệt, một trong các khối nhà được thiết kế riêng với hai khu vực dỡ hàng nhằm nâng cao hiệu suất trong quá trình vận hành và giao nhận hàng hóa.

Tọa lạc tại Khu công nghiệp Nam Thuận, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, dự án Logicross Nam Thuận chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh một giờ di chuyển. Với lợi thế về cơ sở hạ tầng và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, khu vực này ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại miền Nam.

Với kết nối giao thông thuận tiện qua các tuyến đường huyết mạch như DT824 và DT10, Logicross Nam Thuận có thể dễ dàng tiếp cận TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận. Đặc biệt, việc hoàn thành tuyến đường Kênh Tây (DT823B) mới sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối với các trung tâm logistics chính trong khu vực.

Dự án Logicross Nam Thuận được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics quan trọng tại cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Từ dịch vụ logistics tích hợp (3PL), giao hàng nhanh đến thương mại điện tử và các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trung tâm hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics khu vực.

Ông Keitaro Ito, đại diện dự án chia sẻ, các doanh nghiệp thuê tại Logicross Nam Thuận sẽ được hưởng lợi từ vị trí đắc địa, thuận tiện cho các hoạt động giao hàng chặng cuối (last-mile delivery). Bên cạnh đó, họ có thể linh hoạt lựa chọn diện tích sàn phù hợp với nhu cầu, giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Dự án cũng đảm bảo nguồn điện dồi dào cho hệ thống tự động hóa và cung cấp không gian rộng rãi, đáp ứng nhu cầu lưu trữ linh hoạt của khách hàng.

Sau khi ra mắt tại Long An, Mitsubishi Estate có kế hoạch tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại miền Bắc với dự án Logicross Hải Phòng.

Được thành lập từ năm 1937, Mitsubishi Estate đã xây dựng vị thế vững chắc trong ngành bất động sản Nhật Bản. Tập đoàn bắt đầu hành trình phát triển khi mua lại khu đất Marunouchi vào năm 1890 – hiện là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất Nhật Bản. Qua nhiều thập kỷ, Mitsubishi Estate không ngừng phát triển, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, thể hiện cam kết lâu dài trong đa dạng hóa và đổi mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm logistics Trùng Khánh, Trung Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Logistics quốc tế Trùng Khánh, Trung Quốc và đón chuyến tàu nhanh ASEAN xuất phát từ Hà Nội tới đây.

Nằm ở vị trí trung tâm phía Tây Nam Trung Quốc, những năm gần đây, Trùng Khánh đã phát huy vai trò là trung tâm tổ chức vận tải và logistics của Trung Quốc. Trong đó, kết nối các tỉnh khu vực phía Tây Trung Quốc và các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); phía Bắc kết nối với thị trường lớn ở châu Âu thông qua chuyến tàu Trung-Âu; phía Nam mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, kết nối với ASEAN và hòa nhập với toàn cầu. Do đó, Trung tâm logistics quốc tế Trùng Khánh có vai trò quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan khu gian hàng bày bán các sản phẩm của Việt Nam; nghe giới thiệu hoạt động của Trung tâm điều hành khu logistics; thăm cầu cảng và toàn cảnh Trung tâm. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đón tuyến tàu nhanh ASEAN xuất phát từ Hà Nội tới Trung tâm logistics Trùng Khánh.

Trung tâm logistics quốc tế Trùng Khánh có tổng diện tích 17,93 ha, diện tích xây dựng đạt 108.000m2. Trong đó, cảng cạn Trùng Khánh thuộc tuyến đường trên bộ nằm ở vị trí trung tâm của Khu Logistics quốc tế Trùng Khánh. Hiện nay, cảng có gần 30 công ty vận tải quốc tế chọn làm cửa ngõ để thâm nhập vào nội địa Trung Quốc.

Ngành vận tải biển kỳ vọng khởi sắc vào cuối năm

Mặc dù giá cước vận tải biển toàn cầu đã giảm 33% so với mức đỉnh vào tháng 7/2024, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình trước đây. Nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp tục đầu tư vào đội tàu với kỳ vọng nhu cầu vận chuyển sẽ tăng trưởng bền vững, đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm cuối năm 2024.

Giá cước vận tải biển leo thang 119% từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7/2024 do các vụ tấn công của nhóm Houthi vào tàu hàng và tàu chở dầu qua Biển Đỏ và kênh đào Suez. Điều này buộc nhiều công ty vận tải phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, kéo dài quãng đường và thời gian vận chuyển. Chỉ số Container Thế giới của Drewry đạt đỉnh 5.937 USD cho mỗi container 40 feet vào ngày 18/7.

Sau đó, giá cước giảm khi tình hình dần ổn định, chi phí nhiên liệu hạ nhiệt và nhu cầu vận chuyển yếu đi từ thị trường Mỹ và Trung Quốc. Theo chỉ số Drewry tuần 38/2024, giá cước container 40 feet đã giảm xuống 3.970 USD, thấp hơn 33% so với đỉnh tháng 7 và 62% so với mức cao nhất trong đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trên tuyến Thượng Hải – Rotterdam, giá cước hiện chỉ còn 4.682 USD mỗi container 40 feet, giảm 9% so với tuần trước. Tương tự, tuyến Thượng Hải – New York cũng giảm 4%, còn 6.364 USD. Các tuyến này được ổn định nhờ tàu không cần đổi hướng và các yếu tố cung-cầu dần cân bằng.

Các chuyên gia dự báo giá cước vận tải biển có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi nhu cầu vận chuyển tăng lên nhờ mùa mua sắm cuối năm. Theo Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, nhu cầu vận chuyển container toàn cầu có thể tăng trong quý IV/2024, do đơn hàng nhập khẩu từ Mỹ và Mỹ Latinh gia tăng, kết hợp với xuất khẩu sôi động từ Đông Á. Căng thẳng ở Trung Đông cũng có thể đẩy giá dầu lên, gây áp lực tăng chi phí vận tải.

Mặc dù kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vận tải trong nước vẫn tiếp tục đầu tư vào đội tàu để đón đầu nhu cầu vận chuyển tăng cao vào cuối năm.

Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) vừa bổ sung tàu Haian Opus, nâng tổng đội tàu lên 15 chiếc với sức chứa hơn 23.000 TEU, chiếm gần 30% thị phần nội địa. HAH đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2024, đặt mục tiêu doanh thu 3.957 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 450 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 55% so với kế hoạch ban đầu.

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) cũng tiếp tục mở rộng đội tàu. Doanh nghiệp vừa đưa vào hoạt động tàu NV Apollo, nâng công suất đội tàu chở dầu và hóa chất lên 467.000 DWT. Đồng thời, PV Trans cũng đưa vào khai thác tàu Supramax – PVT Topaz với trọng tải 57.318 DWT để phục vụ nhu cầu vận tải quốc tế.

Các công ty khác như Gas Shipping và Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco) cũng tăng cường đầu tư vào đội tàu. Vosco đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông bất

  Hội nghị Thượng Hải: Tăng cường giao thương và tối ưu chuỗi cung ứng Việt – Trung

Ngày 1/11/2024, tại Thượng Hải, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG), cùng Liên đoàn Cảng Thượng Hải và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, tổ chức hội nghị quan trọng nhằm thúc đẩy tối ưu chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện quy tụ nhiều đại diện cấp cao của hai nước, bao gồm ông Nguyễn Thế Tùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải; ông Trương Kiệt, Phó giám đốc Ủy ban Thương mại Thượng Hải; Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch TCSG; và ông Lu Cheng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cảng Châu Á – Thái Bình Dương và hơn 150 đại biểu đến từ các hãng tàu, doanh nghiệp logistics và khách hàng tại Trung Quốc cũng tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận sâu rộng về tầm quan trọng của việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế. Các giải pháp được đưa ra bao gồm mở rộng cơ sở hạ tầng cảng biển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, và hướng đến các mô hình logistics thông minh nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng biến động. Đại diện TCSG nhấn mạnh rằng Việt Nam, với hơn 55% thị phần container xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng của TCSG, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các chuỗi cung ứng, đồng thời không ngừng cải tiến để phù hợp với nhu cầu của các đối tác quốc tế.

Hội nghị tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương Việt – Trung tại Thượng Hải khép lại với nhiều triển vọng mới mẻ. Sự kiện không chỉ là cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác cho các doanh nghiệp hai nước, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại, bền vững, và thích ứng với các biến động kinh tế toàn cầu. Những thỏa thuận và cam kết đạt được tại hội nghị là minh chứng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thức sâu sắc vai trò của thương mại song phương trong phát triển kinh tế và cam kết chung trong việc theo đuổi các giá trị bền vững, thân thiện với môi trường.

TIN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Lo ngại tác động từ nhiệm kỳ tổng thống Trump đến cước vận chuyển container

Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể khiến giá cước vận chuyển container toàn cầu tăng mạnh, khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh nhập hàng trước khả năng các loại thuế mới sẽ được áp dụng, theo Xeneta.

Peter Sand, trưởng bộ phận phân tích của Xeneta, cho biết chiến thắng của Trump đã dấy lên mối lo ngại lớn trong thương mại quốc tế, đặc biệt là đối với các nhà nhập khẩu Mỹ, do lo ngại về khả năng giá cước vận chuyển container sẽ lại tăng cao. Theo Xeneta, Trump đã cam kết áp thuế nhập khẩu lên tới 20% cho tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ, cùng với mức thuế bổ sung từ 60% đến 100% đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.

Dữ liệu từ Xeneta cho thấy, lần cuối Trump tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại năm 2018, giá cước vận chuyển container đã tăng vọt hơn 70%. Để tránh bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể sẽ tăng cường nhập hàng trước thời hạn áp thuế. Vào năm 2018, mức thuế với hàng Trung Quốc chỉ là 25%, nhưng lần này có thể tăng lên tới 100%, khiến các nhà nhập khẩu càng đẩy mạnh nhập hàng trước khi thuế mới được áp dụng.

Peter Sand cho biết tác động tiêu cực từ các mức thuế cao trong nhiệm kỳ đầu của Trump vào năm 2018 là rõ ràng, với giá cước vận chuyển container đã tăng đến 70%. Điều này tạo nên tâm lý lo ngại rằng tình huống đó sẽ lặp lại lần nữa.

Kết luận, Peter Sand nhấn mạnh rằng năm 2024 đã là một năm khó khăn với các nhà nhập khẩu Mỹ, khi họ đã phải đối mặt với sự gián đoạn do khủng hoảng ở Biển Đỏ và cước vận chuyển leo thang. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra các cuộc đình công tại các cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của Mỹ vào tháng 1 năm sau cũng là một yếu tố gây áp lực lên tình hình vận chuyển container trong thời gian tới.

JD Logistics sẽ gấp đôi hệ thống kho bãi quốc tế vào cuối 2025

JD Logistics, bộ phận hậu cần của JD.com – công ty hàng đầu thế giới về phân phối công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, cho biết, sẽ mở rộng mạng lưới kho bãi liên kết và gửi thư trực tiếp. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế từ Trung Quốc đến khoảng 80 quốc gia và khu vực vào cuối năm nay.

Doanh nghiệp này đang vận hành gần 100 kho bãi liên kết, gửi thư trực tiếp và kho bãi ở nước ngoài. Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty bao gồm kho bãi ở nước ngoài, trung tâm chuyển giao quốc tế, hệ thống vận tải địa phương và các tuyến vận tải xuyên biên giới. Tất cả đều được hỗ trợ bởi công nghệ chuỗi cung ứng tiên tiến.

Tính đến tháng 6/2023, JD Logistics vận hành gần 100 kho hàng liên kết và kho hàng ở nước ngoài trên toàn cầu, tổng diện tích gần một triệu mét vuông tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Việt Nam, UAE, Australia, Malaysia… Các cơ sở này cung cấp dịch vụ địa phương để hỗ trợ khách hàng quốc tế và các thương hiệu Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng toàn cầu.

JD Logistics tập trung vào việc mở rộng sự hiện diện của mình tại châu Âu và Mỹ, thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng hợp tác có khả năng cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng trong vòng 24 giờ tại một số khu vực.

Công ty cũng có kế hoạch tăng các chuyến bay chở hàng quốc tế từ Trung Quốc đến Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ và châu Âu để nâng cao dịch vụ vận tải xuyên biên giới. Doanh nghiệp còn đang tìm hiểu về việc phát triển khả năng vận tải và giao hàng tự vận hành ở nước ngoài.

Kể từ khi ra mắt hoạt động chuyển phát nhanh quốc tế vào cuối năm 2023, JD Express đã giới thiệu hai dịch vụ chính gồm chuyển phát nhanh quốc tế và chuyển phát nhanh tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ phù hợp cho cả người bán và người mua.

Trước lễ hội mua sắm 11/11 năm nay, doanh nghiệp này sẽ ra mắt dịch vụ chuyển phát nhanh mới từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Dịch vụ dự kiến mở rộng đến khoảng 80 quốc gia và khu vực vào cuối năm. Đại diện JD Logistics cho biết, doanh nghiệp tận dụng chuỗi cung ứng và công nghệ hậu cần để hợp lý hóa hoạt động quốc tế, giúp khách hàng toàn cầu tăng hiệu quả và giảm chi phí. Các lĩnh vực chính được hưởng lợi từ những dịch vụ mới này gồm hàng may mặc, hàng cồng kềnh và hậu cần B2B. Đơn cử, hệ thống quản lý kho thông minh (iWMS) có thể tích hợp liền mạch với các hệ thống tự động và thiết bị thông minh, giúp tăng hiệu quả hoạt động lên ba lần.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ khiến “tình trạng dồn ứ tàu” đạt mức đỉnh điểm của đại dịch

Sea-Intelligence báo cáo rằng tình trạng dồn ứ tàu trên tuyến Châu Á-Bắc Âu đã trở lại mức đỉnh điểm của đại dịch do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn cảng.

Trong phân tích mới nhất của mình, Sea-Intelligence đã đi sâu vào hiện tượng “dồn ứ tàu”, được định nghĩa là số lượng chuyến tàu trong một tuần nhất định vượt quá số lượng dịch vụ hàng tuần.

Công ty phân tích dữ liệu hàng hải Đan Mạch giải thích: “Từ góc độ thiết kế mạng lưới, đối với mỗi dịch vụ tàu đi tuyến xa hàng tuần, một tàu sẽ được lên lịch khởi hành từ một khu vực cảng đi mỗi tuần. Tuy nhiên, trong thực tế, một hãng tàu có thể có nhiều tàu khởi hành trong cùng một tuần, trên cùng một dịch vụ. Điều này có thể do sự chậm trễ của tàu, trong đó một tàu bị chậm trễ sẽ trượt sang tuần sau, thiếu tàu khi các hãng tàu triển khai hai tàu nhỏ hơn để thay thế một tàu lớn hơn hoặc do bổ xung thêm các tàu để đáp ứng nhu cầu vượt quá/tồn đọng hàng hóa.”

Ví dụ: nếu có 17 chuyến tàu trong một tuần và có 15 dịch vụ hàng tuần, thì “tình trạng dồn ứ tàu” bằng 2.

Các nhà phân tích của Sea-Intelligence đã tính toán tình trạng dồn ứ tàu như một mức trung bình được thấy trong khoảng thời gian 10 tuần và xem xét tuyến vận chuyển Châu Á-Bắc Âu.

Trong tám năm trước đại dịch, mức độ dồn ứ tàu tương đối thấp, trong khi đại dịch đã gây ra sự gia tăng cực độ, theo các nhà phân tích, những người cũng nhận thấy sự bình thường hóa trở lại vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã gây ra một đợt tăng đột biến mới về tình trạng dồn ứ tàu, trở lại mức gần bằng mức đỉnh điểm của đại dịch.

“Tình trạng dồn ứ tàu cao hơn tạo ra áp lực lớn hơn đối với các cảng và bến cảng”, Alan Murphy, Giám đốc điều hành của Sea-Intelligence, lưu ý. “Mặc dù công suất được cung cấp có thể giống nhau khi nhìn trong hai tuần, tức là không có tàu nào khởi hành trong một tuần, sau đó là hai tàu khởi hành trong tuần tiếp theo, nhưng việc hai tàu khởi hành trong một tuần và không có tàu nào trong tuần thứ hai tạo ra khối lượng công việc cực kỳ cao trong một tuần và không có gì trong tuần thứ hai.”

Murphy chỉ ra rằng điều này làm tăng nguy cơ tắc nghẽn cảng và như một hiệu ứng gợn sóng lan truyền, một sự khủng hoảng tương tự đối với việc sử dụng công suất xe tải, đường sắt và sà lan.

“Do đó, tình trạng dồn ứ tàu có thể được coi là thước đo cho áp lực đối với các cảng và khả năng xảy ra các vấn đề tắc nghẽn tương ứng. Như vậy, theo dữ liệu, không có dấu hiệu nào cho thấy áp lực đối với các cảng sắp được giảm bớt,” Murphy kết luận.

 Doanh nghiệp logistics Trung Quốc tăng thuê kho bãi tại Mỹ

     Doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng quy mô kho bãi ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng và vận chuyển nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử.

Trong bối cảnh thế giới đang có những biến động lớn trong chuỗi cung ứng, sản xuất và thương mại, các công ty logistics Trung Quốc đang tăng cường thuê thêm không gian kho bãi tại Mỹ.

Theo thống kê từ Prologis, một trong những quỹ đầu tư bất động sản công nghiệp lớn nhất thế giới, tính đến quý III năm nay, các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba và các công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Trung Quốc đã chiếm khoảng 20% tổng diện tích cho thuê kho bãi mới tại Mỹ. Con số này đã tăng mạnh so với các năm trước, trong đó bao gồm cả các đơn vị thuê dài hạn.

Trong số này còn bao gồm nhiều công ty có trụ sở tại Mỹ hoặc một số quốc gia khác, nhưng chủ yếu thực hiện các hoạt động logistics từ Trung Quốc sang Mỹ. Các đơn vị này tập trung vào những thị trường lớn gần các cảng biển tại Nam California, New Jersey và Savannah, Georgia. Tại New Jersey, các công ty logistics Trung Quốc đã thuê tới 1,7 triệu m2 (tương đương không gian kho bãi trong quý 3, gấp ba lần diện tích mà các công ty này đã thuê trong cả năm 2023).

Những doanh nghiệp này đang xây dựng kho bãi để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà bán lẻ giá rẻ nổi lên từ Trung Quốc, như Shein và Temu. Hai nhà cung cấp này đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ nhờ cung cấp hàng hóa giá thành thấp, từ quần áo đến đồ gia dụng, thu hút đông đảo người tiêu dùng, và còn đang trên đà tăng trưởng mạnh từ 25% đến 50% mỗi năm. Khi quy mô của các công ty này mở rộng, họ cần một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và không gian kho bãi đủ lớn để đáp ứng.

Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ đang đối mặt với những thách thức lớn khi các quy định thay đổi. Tháng 9 vừa qua, chính phủ của ông Biden thông báo sẽ hạn chế chính sách thuế quan “de minimis”, vốn cho phép các gói hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Đây là điều khoản mà các công ty thương mại điện tử Trung Quốc sử dụng để vận chuyển hàng hóa vào Mỹ mà không bị đánh thuế. Mặc dù vừa qua Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ, quan điểm của ông này về việc áp thuế quan, đặc biệt là với hàng hóa Trung Quốc không thay đổi so với người tiền nhiệm.

Dù vậy, hoạt động cho thuê kho bãi vẫn là một điểm sáng đối với các chủ sở hữu bất động sản công nghiệp, khi thị trường kho bãi rộng lớn của Mỹ đã có dấu hiệu chững lại sau đợt bùng nổ nhu cầu trong đại dịch. Tỷ lệ kho trống trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã tăng lên 6,4% trong quý III, cao hơn mức 4,6% cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất theo quý kể từ cuối năm 2014.