VALOMA VÀ CÁC ĐỐI TÁC TỔ CHỨC “HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VIỆT NAM LẦN THỨ 4 (CLSCM-2024)” 

 Vào ngày 8 tháng 11 năm 2024, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và các đối tác liên kết đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia về Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng Việt Nam lần thứ 4 (CLSCM-2024). Với chủ đề “Phát triển kinh tế và thu hút đầu tư với chuỗi cung ứng thông minh, bền vững”, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, cùng với 53 bài báo nghiên cứu, trong đó có 47 bài được chọn lọc trình bày và đăng trên Kỷ yếu có chỉ số ISBN quốc tế. 

 Đến tham dự hội thảo có ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; TS. Phạm Hữu Thư – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; ông Phạm Tuấn Hải- Phó Giám đốc Sở Công thương; PGS.TS. Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Ngoại thương. Diễn giả nổi bật tại hội thảo gồm ông Bùi Ngọc Hải – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và TS. Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. 

Về phía các đơn vị đồng tổ chức có PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA, PGS.TS. Phạm Tiến Đạt- Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing.  

Về phía khách mời gồm có các các Nhà trường, doanh nghiệp, tập đoàn và đơn vị tài trợ: TS. Quách Hoài Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang; Ông Ko Tae Yeon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng; Bà Kim So Yeon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển quốc tế Shengyang; đại diện các đơn vị: Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Công ty LX Pantos, Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới tại Việt Nam – WLP (World Logistics Passport). 

  Các đại biểu trao đổi tại hội thảo Khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 4 

Thông qua các nghiên cứu, bài báo và các báo cáo của các chuyên gia, CLSCM-2024 đã tạo ra không gian thảo luận về những thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển của ngành logistics trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các đại biểu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi kinh nghiệm và đưa ra các chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực này. 

Mục tiêu chính của CLSCM-2024 là tạo ra một diễn đàn khoa học chất lượng, nơi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong ngành logistics và chuỗi cung ứng có thể trao đổi, chia sẻ, phản biện và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho ngành logistics Việt Nam. Hội thảo năm nay tập trung vào việc làm rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng thông minh và bền vững trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, qua đó khẳng định vai trò chiến lược của logistics trong nền kinh tế quốc gia. 

Trong phiên họp tổng thể, có 2 bài báo cáo của Ông Bùi Ngọc Hải về chủ đề “Thành phố Hải Phòng – Trung tâm logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế: Cơ hội và thách thức”, chia sẻ về chiến lược phát triển Hải Phòng trở thành một trung tâm logistics quốc tế, với các hướng phát triển như cảng biển, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và khu kinh tế xanh. Theo ông, việc định vị Hải Phòng là một trung tâm logistics quốc gia và quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam. 

Tiếp đó, TS. Lê Quang Trung đã trình bày về chủ đề “Phát triển cảng xanh – nhiệm vụ tất yếu trong logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông đã chia sẻ các giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics và phát triển các cảng xanh, giúp giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. 

 

TS. Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại hội thảo 

Sau phiên họp tổng thể, hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận song song, chia thành 7 tiểu ban, trong đó 47 bài báo nghiên cứu được trình bày và thảo luận. Các chủ đề tập trung vào việc phát triển các phương thức vận tải an toàn, thân thiện với môi trường, chuyển đổi số trong logistics và chuỗi cung ứng, phát triển chuỗi cung ứng bền vững và thông minh, và các giải pháp nâng cao năng lực nhân lực logistics trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

 Một trong những điểm nhấn của CLSCM-2024 là việc trao giải Best Paper cho các bài báo xuất sắc. Ban tổ chức đã trao giải cho 6 bài báo tiêu biểu, với các nghiên cứu nổi bật về phát triển logistics bền vững, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics tại các quốc gia Đông Nam Á. Các bài báo này không chỉ đóng góp vào kho tàng tri thức về logistics mà còn đưa ra các giải pháp thực tiễn để giải quyết những thách thức trong ngành logistics và chuỗi cung ứng. Các bài báo nhận giải bao gồm: 

 – Bài báo “Đánh giá mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và chỉ số hiệu quả logistics (LPI): Trường hợp của các nước Đông Nam Á” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) 

– Bài báo “Factors influencing students’ intentions to use electric ride-hailing service in Hanoi” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Ngoại thương) 

– Bài báo “Phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng trình độ đại học theo định hướng ứng dụng: từ lý luận đến thực tiễn” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Tài chính – Marketing) 

– Bài báo “Logistic xanh, bù đắp carbon tự nguyện và trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng: Trường hợp chương trình trung hòa carbon của Grab” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng) 

– Bài báo “Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics tại các nước Đông Nam Á” (Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế – Luật) 

– Bài báo “Impact of last mile delivery on customer experience in fashion industry in Hanoi” (Nhóm nghiên cứu đến từ Athena Group Investment and Trading Joint Stock Company) 

  

PGS.TS. Nguyễn Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, và PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch VALOMA đã trao giải cho các nhóm tác giả 

 Các bài báo này không chỉ đóng góp vào kho tàng tri thức về logistics mà còn đưa ra các giải pháp thực tiễn để giải quyết những thách thức trong ngành logistics và chuỗi cung ứng. 

 Hội thảo khoa học quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 5 (CLSCM-2025) sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là một cơ hội tiếp tục thảo luận và phát triển các giải pháp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ. 

 Hội thảo Khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 4 (CLSCM-2024) đã khép lại thành công  

Hội thảo đã thành công rực rỡ, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các học giả, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong ngành logistics. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đồng thời đưa ra các giải pháp khoa học và thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành logistics tại Việt Nam. Cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.