SỰ KIỆN NỔI BẬT
Cuộc thi Tài năng Trẻ Logistics Việt Nam tổ chức Ngày hội thông tin mùa thứ 7
Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam (Viet Nam Young Logistics Talents) là hoạt động thường niên do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp cùng với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức. Trải qua 6 mùa thi kể từ năm 2018 đến nay, Cuộc thi luôn khẳng định vai trò là điểm đến đáng tin cậy cho các bạn trẻ có niềm đam mê Logistics trên khắp toàn quốc, góp phần tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực Logistics chất lượng cao cho nước nhà. Nối tiếp thành công của các mùa trước, năm nay Cuộc thi hứa hẹn sẽ mang đến một sân chơi hấp dẫn hơn, gay cấn hơn, chuyên nghiệp hơn với nhiều sự đổi mới.
Sáng ngày 10/8, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Ngày hội thông tin – Information Day, giới thiệu về Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của gần 200 sinh viên, giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng thông qua phòng Zoom Meeting cùng hơn 2.000 khán giả quan tâm theo dõi livestream trên Fanpage Viet Nam Young Logistics Talents.
Trong quá trình diễn ra sự kiện, Ban Tổ chức đã giúp các đội thi cập nhật thông tin về khung thời gian, thể lệ thi, nội dung và hình thức thi đấu, tiêu chí đánh giá, cơ cấu giải thưởng…. của mùa thi năm nay. Ngoài ra, các cựu thí sinh từ những mùa giải trước đã tham dự để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất khi tham gia Cuộc thi. Bên cạnh đó là phần giải đáp của Ban Tổ chức đối với những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến Cuộc thi.
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024 cho biết: Trải qua 6 mùa thi, Cuộc thi đã đạt được những thành tích ấn tượng từ đó thể hiện được vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết: Từ năm 2018 đến nay, với sự đồng hành của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam đã không ngừng khẳng định vị thế là sân chơi trí tuệ, sáng tạo hàng đầu dành cho sinh viên. Số lượng thí sinh tham gia ngày càng tăng, minh chứng rõ nét cho sự quan tâm hơn của nhà trường, thầy cô, sinh viên và cả các doanh nghiệp ngành logistics.
Tại sự kiện, các đội thi và các sinh viên đã được giao lưu với những đơn vị, doanh nghiệp về hoạt động đào tạo, hướng nghiệp logistics; trao đổi, giải đáp thắc mắc của các thí sinh, nhà trường, doanh nghiệp về Cuộc thi; Giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cùng đại diện một số đội thi đã giành giải tại Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam các năm trước.
Những chia sẻ của các chuyên gia, các doanh nghiệp, các giảng viên đang tham gia giảng dạy, đào tạo nhân lực logistics, Ban Tổ chức cùng các cựu thí sinh tại Ngày hội thông tin – Information Day đã tiếp thêm động lực giúp cho các bạn sinh viên định hướng rõ ràng về việc tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024 cũng như theo đuổi lĩnh vực logistics như một đam mê, định hướng sự nghiệp của mình.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thăm gian hàng của VALOMA tại VILOG 2024
Sáng ngày 1/8, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) với chủ đề “Logistics xanh – Nền tảng phát triển bền vững” chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh với quy mô 400 gian hàng của 300 công ty đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ như: Vận tải & giao nhận, kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, máy móc – thiết bị xử lý vật liệu, ứng dụng công nghệ logistics, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và cảng biển, mang đến cái nhìn toàn diện về những tiến bộ và đổi mới trên các lĩnh vực xương sống này của ngành dịch vụ logistics.
Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cũng đã tham gia trưng bày gian hàng tại Triển lãm cùng với các gian hàng của các đơn vị tham gia như THACO Industries, Vina Dowell, ACT Logistics từ Việt Nam, Transit từ Nga, các “ông lớn” như Nippon Express và Isuzu từ Nhật Bản.
Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, giá tín chỉ carbon đang rất ‘nóng’. 4,9 triệu tín chỉ carbon rừng còn dư, nhiều khách hỏi mua với giá cao nhưng do kẹt về thủ tục nên chưa bán được.
Cuối năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn và thu về 51,5 triệu USD. Đây là khoản tiền đầu tiên mà Việt Nam nhận được từ bán tín chỉ carbon rừng. Ngay sau đó, các chủ rừng ở một số địa phương đã được chia tiền tín chỉ carbon này.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” mới đây TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, giá tín chỉ carbon rất “nóng”, nhưng quá trình làm chính sách lại rất gian nan.
Việc tiến hành đo tín chỉ carbon rừng thuộc sở hữu của CODE vẫn đang được tiến hành. Đơn vị này vừa thực hiện đo bằng máy, vừa đo thủ công để so sánh kết quả.
“Nếu đo thủ công, mỗi 1ha rừng chi phí hết 178 triệu đồng, nhân lên với 500ha mà chúng tôi đang sở hữu vô cùng tốn kém”, ông nói.
Sau này, CODE đã nhờ chuyên gia nước ngoài tham gia hoạch định vì có rất nhiều công việc phải làm. Ví như chọn mẫu theo hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn, đo rừng lẫn tre thì làm thế nào (rừng lẫn tre có carbon cao nhất), làm thế nào để đo sinh khối khác (chỉ có máy mới đo được rễ và cành ngọn). Sắp tới có kết quả, CODE sẽ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ.
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, với CODE trồng rừng là công việc có tính chất nghiên cứu khoa học nhưng cũng là làm ăn có lãi (khoảng 2 triệu USD/năm).
Trong quá trình thực hiện, CODE đã “dứt khoát đấu tranh” để bà con có sổ đỏ, qua đó giúp họ bán được carbon.
Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình phát triển tài chính carbon, theo TS Lê Xuân Nghĩa, đầu tiên là quy định pháp lý về sở hữu carbon.
“Rừng thuộc sở hữu của nhà nước, vậy carbon có thuộc sở hữu của nhà nước không? Sau khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho WB, tiền được tính cho bà con. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của nhà nước”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, khi bán tín chỉ carbon liên tỉnh, Bộ NN-PTNT là đơn vị đứng ra bán. Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì của tỉnh nào tỉnh đó bán. Bán như vậy chưa thể mang lên sàn giao dịch, bởi khi lên sàn cần phải có mã và mã phải có chủ.
Do đó, CODE đang đề nghị sửa đổi Nghị định 06 để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn giao dịch.
Thứ hai là vấn đề giá carbon. Giá carbon đang rất “nóng”, CODE đã đàm phán được mức 30 USD/tín chỉ nhưng cũng gặp khó về thủ tục nên chưa thể bán.
Ông Nghĩa nhắc lại lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng cho WB với giá 5 USD/tấn, là khá cao và WB đã tặng lại cho Việt Nam tới 95% giá trị để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về việc chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng của 11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo phương thức mua và tặng lại để Việt Nam đóng góp NDC với giá 10 USD/tấn; trường hợp Việt Nam muốn bán đứt thì 20 USD/năm. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT muốn nâng giá cao hơn hoặc bán có thời hạn (3-5 năm).
Vướng mắc thứ ba, chúng ta bán 10,3 triệu tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị “kẹt”. Nhiều doanh nghiệp liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ NN-PTNT thì chưa bán được vì còn phải thực hiện nhiều quy trình liên quan.
Theo đó, muốn bán phải đấu giá, có cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật, tham vấn ý kiến các bộ ngành… “Không biết có bán được 4,9 triệu tín chỉ carbon này trước khi hết hạn không. Tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Vietnam Airlines hợp tác phát triển hàng không với Hong Kong (Trung Quốc)
Ngày 1/8, tại Văn phòng Chính phủ, hãng hàng không Vietnam Airlines đã chính thức trao Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác nhằm kết nối và phát triển hàng không giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong (Trung Quốc) (HKIA).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và ông Lý Gia Siêu – Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ và chúc mừng các đơn vị liên quan
Biên bản ghi nhớ giữa Hàng hàng không Quốc gia Việt Nam và Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục ghi dấu mốc hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) thêm mạnh mẽ.
Theo Biên bản hợp tác ghi nhớ, hai bên đưa ra nhiều cam kết trong nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển đường bay. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác mở đường bay mới, gia tăng tần suất, bổ sung tải cung ứng để thúc đẩy thương mại và du lịch. Hai bên cũng sẽ nghiên cứu thiết lập các quan hệ hợp tác chiến lược, kích thích du lịch để phát triển vận tải hành khách, hàng hóa, củng cố sức cạnh tranh của sân bay và nâng cao hiệu quả của các hiệp ước hàng không.
Vietnam Airlines và HKIA phối hợp nâng cao chất lượng vận hành và dịch vụ thông qua việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, hình thức mới giúp tối đa lợi ích của cả hai bên. Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp tham gia vào chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, sáng kiến mới cũng như công nghệ tiên tiến để tối ưu hiệu quả khai thác. Thông qua sự hợp tác này, các bên hướng tới đạt tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế về trải nghiệm hành khách và logistics hàng hóa, trong khi không ngừng thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục.
Bên cạnh đó, hai bên cùng nhau hướng tới phát triển bền vững trong lĩnh vực hàng không thông qua các giải pháp như tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nhiên liệu, giảm thiểu rác thải và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, hai bên sẽ cùng hỗ trợ phát triển nhân tài thông qua các khóa đào tạo được cung cấp bởi Học viện Hàng không Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) (HKIAA) trong các lĩnh vực quản lý vận tải hàng không, an ninh hàng không, quản lý khủng hoảng, kiểm soát không lưu, đào tạo lái máy bay và kỹ thuật máy bay. HKIAA có thể cung cấp học bổng dành cho các cá nhân xuất sắc, qua đó nuôi dưỡng tài năng và góp phần đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho ngành hàng không.
Vietnam Airlines đã bắt đầu khai thác đường bay Việt Nam – Hong Kong (Trung Quốc) từ tháng 11/1991. Trải qua gần 33 năm mở đường bay, hãng đã phục vụ hơn 5,7 triệu lượt khách trên hơn 46 nghìn chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc). Hiện tại, Vietnam Airlines đang khai thác 7 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần từ Hà Nội đến Hong Kong (Trung Quốc).
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đang trên đà phát triển mạnh với nhiều thành tựu đáng kể. Theo số liệu năm 2023 của Cục Thống kê Hong Kong (Trung Quốc), tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 31,3 tỷ USD, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) và lớn thứ 7 trên toàn cầu của Hong Kong (Trung Quốc).
Trong số các đối tác thương mại chính của Hong Kong (Trung Quốc) trên toàn thế giới, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 sang Hong Kong (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 17,1 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 từ Hong Kong (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD.
Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên cũng diễn ra sôi động với nhiều chuyến thăm của quan chức cấp cao của Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đến Việt Nam trong năm 2023 để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng gồm kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, logistics, dịch vụ tài chính và tư pháp.
Tỉnh Bình Dương Quy Hoạch Mở Rộng Hệ Thống Cảng Cạn
h Bình Dương đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống cảng cạn với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng và nâng cao năng lực thông qua hàng hóa. Bên cạnh các cảng cạn đã được quy hoạch trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh còn nghiên cứu xây dựng thêm nhiều cảng cạn mới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông vận tải nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, và thân thiện với môi trường, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển quốc gia và khu vực Đông Nam Bộ.
Một trong những ưu tiên hàng đầu là đầu tư vào các cảng cạn nhằm hỗ trợ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng cường năng lực thông qua của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ. Dự kiến, một số cảng cạn quan trọng sẽ được phát triển với năng lực thông qua cụ thể như sau:
Cảng cạn An Sơn: Dự kiến đạt công suất 332.000-350.000 Teu/năm.
Cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần): Dự kiến công suất đạt 300.000-500.000 Teu/năm.
Cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An: Dự kiến đạt 230.000-250.000 Teu/năm.
Cảng cạn Thạnh Phước: Dự kiến đạt công suất 100.000-170.000 Teu/năm.
Cảng cạn Tân Uyên: Dự kiến đạt 150.000-200.000 Teu/năm.
Cảng cạn Bến Cát: Bao gồm các cảng cạn An Điền, An Tây, và Rạch Bắp.
Cảng cạn Thạnh An: Dự kiến diện tích 5-10 ha và công suất 50.000-100.000 Teu/năm.
Các cảng cạn này sẽ thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch hệ thống cảng cạn tại Bình Dương nằm trong hai hành lang kinh tế quan trọng: khu vực TP.HCM (dự kiến năng lực thông qua khoảng 3,2 triệu đến 4,24 triệu Teu/năm đến năm 2030) và hành lang vận tải Đắk Nông – Bình Phước – TP.HCM (dự kiến từ 1,86 triệu đến 2,65 triệu Teu/năm).
Các cảng cạn tại Bình Dương sẽ kết nối đa phương thức với các cảng biển lớn như Đồng Nai, Vũng Tàu, và TP.HCM. Cụ thể, cảng cạn An Sơn sẽ kết nối với QL13, vành đai 3 TP.HCM và cảng thủy nội địa An Sơn. Cảng cạn Bình Hòa sẽ kết nối với đường tỉnh ĐT743 và QL13. Cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An sẽ kết nối với QL1, QL51, ĐT743, đại lộ Bình Dương và vành đai 3. Cảng cạn Thái Hòa sẽ kết nối với ĐT747, QL1A, vành đai 2, và vành đai 3 TP.HCM, cùng tuyến đường thủy Sài Gòn – Hiếu Liêm. Cảng cạn Thạnh Phước kết nối với sông Đồng Nai và đường tỉnh 747A, QL13.
Hai cảng cạn An Sơn và Thái Hòa được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.
Ngoài các cảng cạn hiện có, Quy hoạch tỉnh Bình Dương cũng định hướng nghiên cứu xây dựng thêm nhiều cảng cạn mới, bao gồm cảng cạn Bàu Bàng và Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng, cảng cạn Vĩnh Tân tại thành phố Tân Uyên, cảng cạn Bắc Tân Uyên tại huyện Bắc Tân Uyên, cảng cạn ga đầu mối An Bình tại thành phố Dĩ An, ICD Riverside tại thành phố Bến Cát, và cảng cạn tại các khu công nghiệp dự kiến. Cảng cạn Lai Hưng dự kiến sẽ có quy mô lớn nhất, với diện tích khoảng 100 ha.
Quy hoạch sẽ xác định chi tiết quy mô, năng lực thông qua và vị trí cụ thể của các cảng cạn và ICD trong quá trình lập thủ tục đầu tư. Khi xem xét chấp thuận các dự án đầu tư, có thể có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, nhưng cần đảm bảo mục tiêu dự án phù hợp với quy hoạch và được sự đồng thuận của các cơ quan chuyên môn liên quan.
Doanh nghiệp liên kết để gỡ “nút thắt” ngành logistics
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần U&I Logistics cho rằng việc các doanh nghiệp logistics hợp tác chặt chẽ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất là vô cùng cần thiết. Ông dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, hướng đến xây dựng một hệ thống logistics vững chắc và hiệu quả.
Gần đây, vấn đề hợp tác và liên kết trong lĩnh vực logistics đã trở nên ngày càng nổi bật. Là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, ông có quan điểm thế nào về sự hợp tác này?
Trong thời gian qua, có rất nhiều hội thảo và diễn đàn thảo luận về liên kết vùng, bao gồm cả việc phát triển ngành logistics. Theo tôi, đây là một thông điệp đúng đắn và rất cần thiết. Hiện tại, chúng ta không cần bàn thêm về tầm quan trọng của logistics nữa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm đến 20% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình 8-9% của các nước phát triển. Điều này cho thấy việc tối ưu hóa chi phí logistics là vô cùng quan trọng.
Để giảm chi phí logistics, việc xây dựng một hệ thống hạ tầng logistics nhất quán là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và tìm cách giảm thiểu chi phí logistics. Những nỗ lực này đòi hỏi sự hợp tác mật thiết giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Trên phạm vi vĩ mô, sự phối hợp giữa các địa phương và các khu vực trong việc phát triển hạ tầng logistics và thúc đẩy thương mại thực sự cần thiết Sự hợp tác này sẽ giúp loại bỏ những rào cản và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ở cấp độ vi mô, việc hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng. Tôi đồng tình với quan điểm rằng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng có thể thúc đẩy việc phát triển sản phẩm mới một cách nhanh chóng hơn, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất và vận hành chuỗi cung ứng, đồng thời cải thiện dịch vụ khách hàng. Do đó, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, cũng như với các doanh nghiệp sản xuất là điều thiết yếu và dự kiến sẽ ngày càng được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo quan điểm của ông, việc hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều sản phẩm mới và giảm chi phí trong chuỗi cung ứng. Vậy hiện nay, tình hình hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Hợp tác và liên kết trong lĩnh vực logistics không phải là một khái niệm mới tại Việt Nam. Từ sau thời kỳ đổi mới, đã có nhiều liên doanh thành công trong các lĩnh vực như đại lý và khai thác tàu container. Với những ví dụ tiêu biểu như Gemartrans, APM-SaigonShip, và Centenary Shipping. Những thành công này phần lớn được hỗ trợ bởi các quy định pháp lý phù hợp.
Theo thời gian, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc hợp tác và liên kết trong ngành logistics đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và trở nên đa dạng hơn. Ngày nay, lĩnh vực logistics đã chứng kiến nhiều hợp tác chiến lược giữa các thương hiệu lớn của Việt Nam với các tập đoàn trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Tân Cảng Sài Gòn hợp tác với Viettel, cảng Phnôm Pênh, và Texhong; Gemadept kết hợp với CJ Logistics; Minh Phương lập liên doanh với Samsung SDS; ITC hợp tác với CMA CGM, một trong ba hãng tàu lớn nhất thế giới; và Indo Trần (ITL) liên kết với Keppel, Bamboo Airways Cargo, Flexport.
Những doanh nghiệp lớn đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực logistics và thực hiện những bước đi cụ thể để đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn chưa lan tỏa rộng rãi đến các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Theo tôi, các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa vẫn có nhiều tiềm năng và giá trị để hợp tác nhằm tạo ra những dịch vụ chuyên biệt và tận dụng tối đa nguồn lực hiện có.
Ví dụ, các doanh nghiệp vận tải nhỏ có thể hợp tác để sử dụng chung cơ sở hạ tầng, chia sẻ nguồn lực và điều phối hoạt động, cũng như chia sẻ hàng hai chiều để tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những liên kết này sẽ giúp họ tận dụng sức mạnh tổng hợp để khai thác tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam, một thị trường vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
Tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hợp tác chặt chẽ với nhau và với các doanh nghiệp lớn hơn, chúng ta sẽ xây dựng được một mạng lưới logistics mạnh mẽ và hiệu quả. Từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành logistics tại Việt Nam.
Chắc hẳn U&I Logistics đã có những bước tiến cụ thể trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, đúng không thưa ông?
U&I Logistics khởi nguồn từ Bình Dương, nơi được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp của cả nước, tập trung nhiều dịch vụ logistics. Từ nền tảng này, chúng tôi đã mở rộng thành một nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, hợp tác với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước. Thành công này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác sâu sắc với khách hàng, để thấu hiểu nhu cầu đặc thù của từng thương hiệu, từng nhà máy và từng mặt hàng. Một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc hợp tác này là kho ngoại quan của U&I Logistics, hiện là một trong những kho lớn nhất Đông Nam Á, phục vụ ngành sản xuất và phân phối đồ gỗ gia dụng.
Năm 2023 đánh dấu một năm phát triển mạnh mẽ trong mạng lưới đối tác của U&I Logistics. Chúng tôi đã hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực logistics nông sản với Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, liên kết chiến lược với Công ty cổ phần Logistics quốc tế Cái Mép (CAMIL) để phát triển khu phi thuế quan tại Cái Mép, và hợp tác với Công ty Vận tải đường sắt Việt Nam (TRV) trong dịch vụ vận tải đường sắt.
Bên cạnh đó, U&I Logistics cũng đã mở rộng mạng lưới văn phòng trên khắp cả nước nhằm kết nối và tạo ra nhiều cơ hội phát triển tiềm năng cho ngành logistics. Hiện tại, U&I có mặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, với các văn phòng ở Bắc Bộ (6 văn phòng), Trung Bộ (1 văn phòng), Nam Bộ (8 văn phòng), và Đồng bằng sông Cửu Long (1 văn phòng).
Tại U&I Logistics, liên kết không chỉ giới hạn trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi hiểu rằng, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngành logistics tại Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, U&I Logistics đã hợp tác với các trường đại học và cao đẳng để đưa công nghệ quản lý vận hành vào giáo dục, giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn thông qua các chương trình thực tập, tham quan và dự án hợp tác.
Chúng tôi tin tưởng rằng, chỉ khi nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, họ mới có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành logistics, vốn đang rất khan hiếm nhân sự. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường, hiệp hội và các cơ quan liên quan. Phát triển nguồn nhân lực không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của U&I Logistics mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.
Cá sấu, sầu riêng đông lạnh, dừa tươi chính thức có ‘visa’ sang Trung Quốc
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm nay (19/8) đã ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Nghị định thư đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nội dung nghị định thư được ký kết gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Khi tính riêng năm 2023, nước ta đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, với thị trường chủ đạo Trung Quốc chiếm tới 90%.
Sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Dự kiến trong năm đầu tiên ký kết hiệp định thư, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD và sẽ góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD ngay trong năm 2025.
Tương tự, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn. Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Việc ký kết nghị định thư này là cơ sở quan trọng kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận chính thức thị trường 1,4 tỷ dân. Từ đó, giá trị mang lại không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cá sấu là sản phẩm thứ ba trong danh sách ký kết, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác có giá trị kinh tế cao. Do đó, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, việc ký kết 3 nghị định thư này là kết quả của quá trình trao đổi, đàm phán tích cực của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Khủng hoảng” logistics và giải pháp cho doanh nghiệp
Trong thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận nhiều con số ấn tượng nếu nhìn trên dữ liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 501 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 118 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ; hàng nhập khẩu đạt hơn 155 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2,171 nghìn tấn… Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 7 tháng đầu năm 2024 là 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên, giá cước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Tham khảo trang Drewry (trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải) cho thấy, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ đang tăng cao tương đương mức đỉnh của đại dịch Covid.
Ông Trần Thanh Hải nhận định, căn cứ tình hình hiện nay và dự đoán diễn biến trong thời gian tới, cước vận tải sẽ có chiều hướng tăng cao hơn vào quý IV/2024 và quý I/2025 – giai đoạn cao điểm xuất hàng vào cuối năm âm lịch của châu Á. Ngoài việc tăng giá cước thì các hãng tàu sắp tới còn có thể sẽ áp thêm phụ phí. Bao gồm một số loại phí như phụ thu THC, vệ sinh công, phụ thu chứng từ… Ngoài ra còn có phụ thu tắc nghẽn cảng, phụ thu xăng dầu… theo quy định các hãng tàu cung cấp dịch vụ và thu của khách hàng để bù đắp cho chi phí bỏ ra khi thực hiện dịch vụ đó (các dịch vụ này không bị tác động bởi giá cước vận chuyển). Đặc biệt, hiện nay một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm, gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng.
Đứng trước thực trạng trên, các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Cùng với đó, giải pháp cũng hướng tới việc phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế, tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.
Các hiệp hội ngành hàng cần kết nối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.
TIN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
Thúc đẩy hợp tác phát triển chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc)
Chiều 5/8/2024, Hiệp hội Logistics Hà Nội ( HNLA) cùng với Hiệp hội Chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (TCCA) và Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (ITRI) tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Chuỗi cung ứng lạnh cho Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Đài Loan.
Tham dự chương trình giao lưu có đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và các đại biểu đến từ hơn 30 doanh nghiệp là hội viên của hai bên.
Ông Trần Đức Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội – cho hay, theo khảo sát của EuroMonitor, chuỗi cung ứng lạnh cho thị trường bán lẻ ở Việt Nam bao gồm thực phẩm tươi, dược phẩm… có quy mô thị trường ước tính lên đến 10 tỷ USD/năm.
Đối với ngành nông – thủy sản, theo một nghiên cứu do Đại học Cần Thơ thực hiện vào tháng 6/2021, có đến 83% sản phẩm không thực hiện lưu trữ lạnh sau thu hoạch, 11% lưu trữ không đúng cách và chỉ có 6% được lưu trữ lạnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hao hụt sau thu hoạch cả về số lượng và giá trị hàng hoá.
Những con số trên thể hiện tiềm năng hợp tác rất lớn giữa các doanh nghiệp logistics của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng với các đối tác đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là lý do Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (Trung Quốc) và Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức buổi giao lưu này.
Ngành công nghiệp chuỗi lạnh nhiều “dư địa” phát triển
Ông Freezer Lin -Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (Trung Quốc) – nhận định, ngành công nghiệp dây chuyền lạnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của thực phẩm, dược phẩm và những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi nhu cầu về các sản phẩm tươi sống và chất lượng cao tiếp tục tăng, ngành công nghiệp chuỗi lạnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), dịch vụ logistics chuỗi lạnh đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Chúng tôi nỗ lực cung cấp các cơ sở kiểm soát nhiệt độ và phương tiện vận chuyển để phục vụ khách hàng trong ngành thực phẩm và dược phẩm, số lượng các công ty logistics cũng không ngừng tăng lên.
Nhờ công nghệ tiên tiến và dịch vụ logistics chuỗi lạnh hoàn chỉnh của Đài Loan (Trung Quốc), chất lượng và độ an toàn của sản phẩm được đảm bảo, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại quốc tế. Cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp, chúng tôi cũng nỗ lực tập trung vào tính bền vững sinh thái và giảm lượng khí thải carbon.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc điều hành văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân – cho rằng, với nền tảng tốt về công nghệ và giải pháp quản trị dịch vụ logistics, các đối tác Đài Loan sẽ thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động logistics ở Việt Nam. Tiềm năng hợp tác logistics giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm ở các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư vốn, đào tạo và phát triển hạ tầng.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, những kết quả hợp tác về kinh tế thời gian qua thể hiện sự hiệu quả và đã mở ra một không gian mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Tổng kim ngạch thương mại giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2022 và vẫn tăng trưởng đều đặn phản ánh mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và đây chính là tiền đề để hai bên hợp tác về logistics nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại.
Tính đến hết tháng 12/2023, tổng đầu tư tích lũy của Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đã đạt trên 39,5 tỷ USD, được phân bổ rộng rãi vào các ngành sản xuất, điện tử và hạ tầng – đây đều là những lĩnh vực quan trọng để phát triển logistics chuỗi lạnh.
Về chỉ số hiệu quả logistics (LPI), theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 19 trong khi Việt Nam xếp thứ 39, cho thấy tiềm năng cải thiện thông qua hợp tác.
Sự cố Microsoft-CrowdStrike gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là vận tải hàng không
CrowdStrike là một phần mềm bảo mật mạng dựa trên điện toán đám mây được phát triển bởi công ty CrowdStrike, được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và bảo vệ các thiết bị đầu cuối trong một tổ chức. Vào rạng sáng thứ Sáu, ngày 19/07, một bản cập nhật của CrowdStrike lúc 12:09 AM ET đã vô tình khiến 8,5 triệu máy tính Windows rơi vào tình trạng “màn hình xanh chết chóc”.
Sự cố liên quan đến phần mềm của CrowdStrike đã gây hỏng hóc cho hệ điều hành Microsoft, dẫn đến một trong những sự cố công nghệ thông tin lớn nhất từng ghi nhận. Theo ý kiến từ các chuyên gia logistics, hậu quả này còn lan rộng đến ngành vận tải hàng không, khi hàng nghìn chuyến bay trên toàn thế giới bị hủy bỏ, gây ra tình trạng hỗn loạn lớn.
Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Xeneta chia sẻ trong một tuyên bố với CNBC: “Máy bay và hàng hóa đang ở sai vị trí và sẽ cần nhiều ngày, thậm chí là vài tuần để giải quyết hoàn toàn. Nó nhắc nhở chúng ta về sự dễ tổn thương của chuỗi cung ứng đường biển và đường hàng không đối với các sự cố IT.”
Sự cố này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang tăng cao, với lượng hàng hóa vận chuyển vào tháng 6/2024 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung vận tải hàng không chỉ tăng 3%, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn do công suất bị hạn chế, theo báo cáo từ Xeneta.
Không chỉ riêng đường hàng không, hầu hết các hệ thống đường sắt và cảng biển đã gặp phải một số gián đoạn, nhưng nhanh chóng được khắc phục.
Union Pacific đã trải qua sự cố IT vào buổi sáng, gây ra một số chậm trễ trong xử lý lô hàng. Tuy nhiên đến chiều, Union Pacific đã thông báo rằng họ đã khôi phục hoạt động bình thường và phần lớn hàng hóa của khách hàng đã được vận chuyển. Các công ty vận tải lớn khác như CSX, Norfolk Southern và BNSF không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Ông Buttigieg nhấn mạnh rằng tại các cảng, ngay cả những vấn đề nhỏ cũng có thể leo thang thành sự cố lớn. Cảng Houston – cảng lớn thứ năm ở Mỹ đã trải qua một sự cố hệ thống nghiêm trọng vào đêm qua, nhưng hiện tại mọi hoạt động đã được khôi phục.
Hiệp hội Phụ nữ trong lĩnh vực Thương mại và Vận tải Quốc tế phối hợp với đối tác Úc tổ chức chương trình đào tạo lãnh đạo nữ trong lĩnh vực hàng hải, logistics
Phụ nữ ít được đại diện trong các vai trò ra quyết định quan trọng trong hầu hết các ngành trong lực lượng lao động Úc, nhưng tỷ lệ này đặc biệt thấp trong lĩnh vực vận tải biển, thương mại và hàng hải. Phụ nữ chỉ chiếm 1,2% số lao động trong lĩnh vực vận tải biển toàn cầu và ở Úc chỉ 5% số CEO/COO và lãnh đạo trong ngành hàng hải là phụ nữ.
Để tăng cường năng lực và vai trò của nữ giới trong ngành nghề này, Hiệp hội Phụ nữ trong lĩnh vực Thương mại và Vận tải Quốc tế (Women’s International Shipping & Trading Association-WISTA) đã công bố mối quan hệ hợp tác giáo dục mới với Svitzer Australia để bồi dưỡng và phát triển kỹ năng lãnh đạo của các nhà lãnh đạo nữ mới nổi trong lĩnh vực vận tải biển, hàng hải, thương mại và hậu cần.
Mối quan hệ hợp tác này, bắt đầu từ năm nay, sẽ cung cấp sáu khóa học về lãnh đạo cho phụ nữ trong lĩnh vực này, trang bị các kỹ năng và hiểu biết phù hợp cần thiết để phụ nữ thành công với tư cách là nhà lãnh đạo trong sự nghiệp.
Các lĩnh vực vận tải biển, hàng hải, thương mại và hậu có cơ hội tăng trưởng đáng kể tại Úc và New Zealand, nhưng để thành công trong lĩnh vực này có nhiều khó khăn những thách thức, trong đó phụ nữ đặc biệt gặp phải những trở ngại trong hành trình hướng tới các vị trí lãnh đạo.
Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công trong ngành đòi hỏi kinh nghiệm, sự kiên cường, sức khỏe và cả khả năng lãnh đạo các nhóm và cá nhân, điều phối và ứng phó tốt với các sự cố; do đó WISTA đã phát động việc trao cơ hội xây dựng năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực logistics, vận chuyển thông qua chương trình đào tạo này. Chương trình có tựa đề: “Kỹ năng lãnh đạo dành cho phụ nữ trong hàng hải” sự hỗ trợ và giáo dục thực tế, hữu hình cho tối đa 120 phụ nữ trong lĩnh vực hàng hải, vận tải biển và thương mại trong ba năm tới.
Thay vì các nội dung khô khan, Khóa học được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ bằng cách đề cao phong cách và nâng cao kỹ năng lãnh đạo cá nhân của họ, truyền cảm hứng cho họ trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tự tin và tạo nền tảng cho mạng lưới và cộng đồng cố vấn trong tương lai.
Chương trình dành cho các trưởng nhóm, nhà quản lý và các nhà lãnh đạo mới nổi trong lĩnh vực muốn nâng cao sự tự tin, tầm ảnh hưởng và tác động của họ trong công việc. Các thành viên WISTA có kinh nghiệm lãnh đạo mọi người từ 12 tháng trở lên – dù ở nơi làm việc hay trong các bối cảnh khác – đều có thể nộp đơn. Phụ nữ ở các vị trí làm việc dù ở trên bờ, trong các văn phòng, ngoài khơi hoặc trên mặt nước đều được khuyến khích nộp đơn tham gia.
Khóa học sẽ diễn ra hai năm một lần tại các thành phố lớn trên khắp nước Úc, với khóa học đầu tiên được tổ chức tại Sydney vào ngày 25 tháng 6 năm 2024, trùng với Ngày Quốc tế Thuyền viên. Khóa học lãnh đạo thứ hai sẽ được tổ chức tại Fremantle vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 nhân ngày Ngày Hàng hải Thế giới.
Ngày 16/5/2024, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc, WISTA Australia và Viện Hàng hải cũng đã tổ chức cuộc gặp mặt nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ Hàng hải năm 2024 và thảo luận về tương lai của lực lượng lao động hàng hải.
Container phát nổ trên tàu của Yang Ming ở cảng Ningbo
Vào lúc khoảng 1 giờ 40 chiều ngày 9 tháng 8, tàu container của hãng Yang Ming Marine Transport đã phát nổ khi đang cập cảng Ningbo (Ninh Ba), Trung Quốc. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nổ container chứa hàng nguy hiểm.
Theo video ghi lại từ một tòa nhà văn phòng gần đó, khói dày đặc đã bốc lên từ con tàu. Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng hải Ningbo cho biết tàu YM Mobility, được đóng năm 2011 và có sức chứa 6.589 TEU, đang cập cảng Bắc Luân và chở hàng nguy hiểm tại thời điểm xảy ra sự cố.
May mắn thay, không có thành viên thủy thủ đoàn hoặc công nhân cảng nào bị thương, dù sóng xung kích từ vụ nổ đã làm ảnh hưởng đến các tòa nhà văn phòng gần đó. Theo thông tin từ EconDB, tàu YM Mobility thuộc tuyến dịch vụ China-Gulf Express (CGX), nối các cảng Thượng Hải, Ningbo, Hạ Môn, Umm Qasr, Hamad và Jebel Ali, được vận hành bởi Yang Ming, Ocean Network Express (ONE) và HMM.
Yang Ming đã công bố tuyên bố ngay sau vụ nổ, cho biết điều tra sơ bộ cho thấy vụ nổ xảy ra trong một container chứa hàng nguy hiểm. Hãng cho biết container này là loại container lạnh, không yêu cầu kết nối điện, thay vì container khô như khai báo của chủ hàng.
Hãng tàu Đài Loan cho biết: “Các biện pháp kiểm soát hỏa hoạn đã được thực hiện ngay lập tức và tình hình hiện đang được kiểm soát. Tất cả các thành viên thủy thủ đoàn đã được sơ tán an toàn. Công ty Huan Ming (Shanghai) International Shipping Agency Co., Ltd., một công ty con của Tập đoàn Yang Ming, đang phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng để xử lý tình huống.”
Bộ công cụ kỹ thuật số của DHL Express giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tốt hơn dịch vụ logistics
Ngày 10 tháng 7 năm 2024 – DHL Express đang trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một bộ công cụ kỹ thuật số để mở rộng phạm vi hoạt động của họ cũng như tăng cường các hoạt động vận chuyển và thương mại quốc tế. Những công cụ kỹ thuật số này cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế về nguồn lực có thể quản lý tốt hơn dịch vụ logistics vận chuyển xuyên biên giới, khi họ nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm từ nhiều nguồn và địa điểm khác nhau.
Bằng chứng từ Báo cáo Kết nối Toàn cầu của DHL (DHL Global Connectedness Report) cho thấy, các công ty tiếp tục mong muốn mở rộng ra quốc tế. Toàn cầu hóa đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và hầu hết các dòng chảy quốc tế đang diễn ra trên những khoảng cách ổn định hoặc xa hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc vượt qua sự phức tạp của thương mại quốc tế. Ví dụ, quy trình hải quan phức tạp, thiếu kiến thức về xuất khẩu và các quy định thương mại quốc tế, cũng như thiếu nhân sự nội bộ và nguồn tài chính cản trở đáng kể khả năng thâm nhập thị trường toàn cầu của họ.
Nhận diện được những rào cản này, DHL Express đã phát triển một bộ giải pháp kỹ thuật số toàn diện để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp (start-up) nhanh chóng đăng ký tài khoản mọi lúc, mọi nơi và bắt đầu bán hàng trên toàn cầu. Từ việc lập kế hoạch đến hậu mãi, các công cụ này giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp lý hóa các quy trình thương mại xuyên biên giới, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
– My Global Trade Services – myGTS rất hữu ích cho người bán khi họ vẫn đang lên kế hoạch mang tính chiến lược về địa điểm kinh doanh. Đây là công cụ lập kế hoạch trước khi giao hàng tự phục vụ trực tuyến, miễn phí mà các công ty có thể sử dụng để tìm mã Hệ thống hài hòa (Harmonized System – HS) chính xác nhằm phân loại sản phẩm cần vận chuyển. Người dùng cũng có thể có được thông tin ban đầu về các hiệp định thương mại tự do hiện có giữa quốc gia xuất xứ và quốc gia đích. Điều này giúp người bán có được bức tranh rõ ràng về các chi phí liên quan và cho phép họ định giá sản phẩm của mình một cách hiệu quả.
– Sau khi doanh nghiệp đã sẵn sàng, họ có thể mở tài khoản DHL mọi lúc, mọi nơi. Các start-up và chủ hàng cá nhân không có lịch sử tín dụng cũng có thể thiết lập tài khoản DHL.
– DHL Express Commerce tích hợp dịch vụ vận chuyển DHL Express với nhiều nền tảng thương mại điện tử để giúp doanh nghiệp tự động hóa việc tạo lô hàng và quản lý quy trình xử lý đơn hàng. Điều này rất hữu ích cho người bán để vận chuyển nhiều đơn hàng một cách hiệu quả.
– Khi các công ty bắt đầu vận chuyển, việc nắm rõ hành trình của lô hàng sẽ trở nên hữu ích như một biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự chậm trễ. Tính năng Track & Trace (tạm dịch Theo dõi & Bám sát) cho phép người gửi hàng theo dõi tất cả các lô hàng một cách chính xác trên mạng DHL Express. Hơn nữa, tính năng On Demand Delivery (Giao hàng theo yêu cầu) cho phép cả người gửi và người nhận tùy chỉnh tùy chọn giao hàng của họ. Điều này làm giảm khả năng xảy ra các lô hàng không được giao và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
– Với DHL Pass, khách hàng có thể sử dụng nền tảng trực tuyến của DHL chỉ bằng một lần đăng nhập. Xác thực đa yếu tố cũng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch và an toàn. Điều này đang dần được triển khai trên toàn thế giới.
Ngoài các công cụ kỹ thuật số, DHL Express còn tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ buôn bán hàng hóa của họ trên phạm vi quốc tế thông qua Chương trình GoTrade. Bằng cách hợp tác với các đối tác trong khu vực công để phá bỏ các rào cản và giảm bớt các thủ tục hành chính, DHL giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường toàn cầu. Hơn nữa, DHL cũng tổ chức các hội nghị và hội thảo trực tuyến để hướng dẫn các doanh nhân xây dựng hoạt động kinh doanh trực tuyến và hiểu rõ sự phức tạp của vận chuyển quốc tế, chẳng hạn như quy trình hải quan.
Trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, DHL Express cũng đã thành lập liên minh với một số tổ chức, chẳng hạn như Tập đoàn Phát triển Ngoại thương Malaysia, Quỹ Châu Á và Tập đoàn Đổi mới Bayan, đồng thời tổ chức các hội nghị và hội thảo trực tuyến để giúp họ làm quen với các quy định thương mại và giảm bớt rào cản đối với thương mại quốc tế.
Giảm giá cước vận tải biển Châu Á – Bờ tây Bắc Mỹ
Gần đây, giá cước vận tải biển từ Châu Á, đặc biệt là tuyến đến Bờ Tây Bắc Mỹ, đang có xu hướng giảm. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu giảm và công suất tăng. Tuy nhiên, một số tuyến khác vẫn đối mặt với sự biến động và bất ổn.
Tuần trước, giá cước vận tải biển từ Châu Á đến hầu hết các tuyến quốc tế đã ổn định, duy trì ở mức cao nhất vào giữa tháng 7. Dù vậy, báo cáo cho thấy việc các nhà giao nhận và chủ hàng dễ dàng đặt chỗ hơn, cộng với dự đoán về việc nhập khẩu của Hoa Kỳ sẽ giảm vào tháng 9, đã thúc đẩy kỳ vọng giá sẽ giảm trong thời gian tới.
Giá cước từ Châu Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ đã giảm khoảng 15% so với mức đỉnh điểm ba tuần trước. Mặc dù một số hãng vận tải dự kiến tăng giá vào giữa tháng 8, nhưng với nhu cầu giảm và công suất tăng trên tuyến đường này, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng việc tăng giá sẽ khó duy trì.
Nhu cầu có thể đạt đỉnh sớm hơn dự kiến tại Mỹ năm nay, do nhu cầu mùa cao điểm đã được kéo về sớm. Điều này có thể liên quan đến lo ngại về cuộc đình công của công nhân cảng tại Bờ Đông và Vịnh vào tháng 10. Công đoàn ILA đã thông báo sẽ họp vào đầu tháng 9 để thảo luận về các yêu cầu hợp đồng và chuẩn bị cho khả năng đình công.
Một số nhà nhập khẩu đã chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về trước khi thuế quan dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ gần đây thông báo cần thêm thời gian để xem xét các ý kiến công chúng về thuế quan. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 8 và thuế quan sẽ có hiệu lực hai tuần sau thông báo.
Trong khi đó, tình hình lao động tại Vancouver và Prince Rupert đang được theo dõi chặt chẽ. Nếu công đoàn công nhân cảng đồng ý với kế hoạch đình công, một cuộc đình công có thể xảy ra ba ngày sau khi thông báo vào ngày 9 tháng 8.
Giá cước vận tải biển xuyên Đại Tây Dương, sau khi tăng khoảng 600 USD/FEU đầu năm do các chuyến tàu chuyển hướng Biển Đỏ, đã ổn định ở mức 1.800 USD/FEU. Giá vẫn duy trì ổn định ngay cả khi nhu cầu cải thiện trong nửa đầu năm, nhờ vào công suất đủ lớn. Mặc dù giá giảm 7% trong tuần này, một số hãng vận tải đã thông báo tăng giá cho tháng 9, nhưng các chủ hàng nghi ngờ về khả năng thực hiện mức tăng này.
Tình hình chính trị ở Bangladesh đã gây gián đoạn logistics từ đầu tháng 6, với việc Thủ tướng từ chức và quân đội can thiệp để khôi phục trật tự. Việc tạm dừng hoạt động thương mại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất hàng may mặc, đóng cửa biên giới, sân bay và dịch vụ đường sắt. Giá cước vận chuyển container từ Bangladesh đến Mỹ đã tăng 40% lên khoảng 8.650 USD/FEU và từ Chittagong đến Rotterdam tăng gần 170% lên khoảng 7.000 USD/FEU. Sự tồn đọng và chậm trễ sẽ khiến các chủ hàng phải đối mặt với chi phí lưu kho cao hơn và có thể dẫn đến việc tăng giá cước.
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, giá cước từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 12% trong vài tuần qua, mặc dù vẫn ở mức cao của mùa cao điểm quý 4, cho thấy khối lượng thương mại điện tử vẫn mạnh. Giá cước từ Trung Đông cũng giảm 16% đến Bắc Mỹ và 20% đến Châu Âu trong hai tuần qua, có thể phản ánh sự giảm bớt nhu cầu vận tải hàng không khi áp lực đối với logistics vận tải biển giảm.
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VIÊN
Lễ ra mắt Viện nghiên cứu và Đào tạo Logistics Toàn Cầu (GLO)
Ngày 02/8/2024 đã diễn ra lễ ra mắt: Viện nghiên cứu và Đào tạo Logistics Toàn Cầu (GLO). BMC kết hợp với doanh nghiệp là Tập đoàn Phương Anh Logistics và Khoa Công trình thủy – Đại học Xây dựng Hà Nội.
Viện Glotech được thành lập với hai mục tiêu lớn: một là cầu nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp logistics; hai là “nghiên cứu – ứng dụng – chuyển giao” những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Với cơ sở vật chất hiện đại trên diện tích gần 1000m2, viện được trang bị các phòng học tiêu chuẩn cho học viên, phòng thực tế ảo, phòng họp, phòng làm việc cho giảng viên và ban lãnh đạo và đặc biệt là hội trường 700 chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu hội thảo, hội nghị và tổ chức các lớp học thực hành lớn.
Đối tượng đào tạo của Viện Glotech là các bạn sinh viên bước vào học phần thực tập tốt nghiệp nên giáo trình và chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với chương trình và thời gian thực tập của các bạn sinh viên và dựa trên các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Kết thúc khóa học, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mục tiêu thực tiễn và thực chiến. Đặc biệt Viện Glotech ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào giảng dạy giúp bài giảng sinh động, trực quan, nhanh chóng an toàn và giảm thiểu rủi ro so với sinh viên phải đi thực tế thực tập tại hiện trường.
Đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn của Viện Glotech được lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chuẩn đến từ các cơ sở đào tạo có uy tín, cùng các kỹ năng và kiến thức thực tiễn bổ ích cho người học. Bên cạnh đó việc trao đổi học thuật, học tập bổ sung kiến thức cho giảng viên cũng luôn được chú trọng và được Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức thường xuyên.
Sự ra mắt của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Logistics Toàn Cầu (GLO) hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. GLO không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn. Sự hiện diện của viện GLO sẽ tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, mang lại lợi ích to lớn cho cả sinh viên và ngành công nghiệp logistics trong tương lai.