SỰ KIỆN NỔI BẬT
Lạng Sơn xây dựng hệ thống logistics cửa khẩu hiện đại
Trong nhiều năm qua, cùng với sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ logistics. Giúp quá trình xuất nhập khẩu diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhằm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của quốc gia, Lạng Sơn đã đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn diện các dịch vụ logistics. Đồng thời gắn kết chặt chẽ với việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới và xuất nhập khẩu.
Tác động tích cực từ việc phát triển dịch vụ logistics
Lạng Sơn có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế trong việc phát triển dịch vụ logistics, nhờ vị trí chiến lược như một “cầu nối” quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Tỉnh cũng giữ vai trò là cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động giao thương hai chiều.
Ngoài ra, với hệ thống cửa khẩu phong phú, bao gồm cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng; cửa khẩu chính song phương Chi Ma (Lộc Bình) và 9 cửa khẩu phụ, cùng các chợ biên giới, Lạng Sơn đã trở thành điểm nút quan trọng trong mạng lưới xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Bà Hà Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, trước năm 2013, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ đạt hơn 500 phương tiện/ngày. Tuy nhiên, nhờ việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển hệ thống kho bãi và các dịch vụ liên quan, năng lực thông quan tại đây đã tăng hơn gấp đôi.
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương chia sẻ, công ty của ông đã và đang hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực khai thác và cung cấp các dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics. Nhận thức rõ tầm quan trọng của logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu, công ty đã liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới ngày càng phát triển.
Hiện tại, công ty quản lý một bến xe có diện tích trên 30.000 m2, đủ sức phục vụ hơn 1.500 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi ngày. Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu 4 kho bảo quản hàng hóa lạnh và 8 kho bảo quản hàng hóa khô với tổng diện tích hơn 1.000 m2, đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa của các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Không chỉ tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhờ vào việc đầu tư nâng cấp hạ tầng và triển khai đồng bộ các dịch vụ logistics như kho bãi, vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ liên quan, năng lực thông quan tại các cửa khẩu khác của tỉnh cũng đã được cải thiện đáng kể.
Theo ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, hiện tại năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đạt khoảng 600-700 xe mỗi ngày, trong khi tại cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) con số này đạt trung bình 600 xe/ngày. Riêng ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể vận chuyển tới 120 toa hàng mỗi ngày.
Kết quả này có được là nhờ vào sự nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng cửa khẩu và dịch vụ logistics. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 39 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dịch vụ kho bãi, bảo quản hàng hóa và bến xe tại khu vực cửa khẩu.
Trong số đó, các doanh nghiệp đã xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu, bao gồm 8 kho lạnh và 20 kho khô. Đồng thời, 23 bến xe cũng đã được đầu tư tại các cửa khẩu nhằm phục vụ cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nhìn chung, hệ thống kho bãi và bến xe tại các cửa khẩu đã được đầu tư và xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình lưu thông, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn có hơn 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ hải quan và ủy thác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh.
Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics hiện đại
Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn ông Nguyễn Anh Tài cho biết, chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ hải quan tại Lạng Sơn đang ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của các chủ hàng và doanh nghiệp trong nước cũng như đối tác từ Trung Quốc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm bớt gánh nặng công việc và chi phí trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng và lượng hàng hóa liên tục tăng cao.
Đặc biệt, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đã đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 85,12% so với năm 2022. Chỉ trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đã đạt gần 28,2 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, trong cả năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn có thể vượt mốc 55 tỷ USD.
Theo bà Liễu Minh Anh, Phó Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có bằng cách chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành một trung tâm logistics cửa khẩu hiện đại hàng đầu của cả nước. Từ năm 2022, tỉnh đã triển khai nền tảng cửa khẩu số, liên tục nâng cấp hệ thống để hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ và kinh doanh tại cửa khẩu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và logistics nhằm nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu. Hiện tại, tỉnh đang phối hợp với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án logistics quan trọng như khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang tại khu phi thuế quan. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào dự án cảng cạn Lạng Sơn với quy mô 75 ha và phát triển các dự án đô thị, trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa quốc tế.
Trong năm nay, tỉnh Lạng Sơn đang dồn lực để hoàn thành Đề án thí điểm phát triển cửa khẩu thông minh trên tuyến đường chuyên dụng cho vận chuyển hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp logistics tối ưu hóa hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, góp phần vào việc phát triển dịch vụ logistics trên toàn quốc. Tỉnh dự kiến đẩy mạnh thu hút đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics thông qua việc rà soát và cập nhật quy hoạch, bảo đảm hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải được đồng bộ hóa. Đồng thời, các tuyến đường vành đai biên giới, lối ra vào cửa khẩu cũng sẽ được nâng cấp nhằm tăng cường khả năng kết nối, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và dịch vụ logistics. Đặc biệt, việc hoàn thành dự án đường cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng – Bằng Tường sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp logistics từ VietinBank
VietinBank cung cấp giải pháp tài chính như gói ưu đãi tài chính, tư vấn, kết nối đối tác… để giúp doanh nghiệp ngành logistics phát triển bền vững. Thông tin được đưa ra tại sự kiện Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu do VietinBank tổ chức vào ngày 22/8.
Theo các chuyên gia tại sự kiện, nhu cầu về dịch vụ logistics ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, những biến động bất ngờ của thị trường như khủng hoảng container, bất ổn địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, giá cước vận tải biển, hàng không cũng tăng cao, nguồn cung hạn hẹp khiến các công ty phải đối mặt với áp lực lớn về chi phí và thời gian giao hàng.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia tại sự kiện đã chia sẻ phân tích, dự báo về ngành nói chung và hoạt động logistics tại Việt Nam nói riêng. Logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo xu thế của thế giới. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 14%-16%, ngành này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có logistics.
Với kinh nghiệm đồng hành cùng hơn 11.000 khách hàng trong ngành và tài trợ nhiều dự án lớn trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp của VietinBank chia sẻ những đánh giá về tiềm năng phát triển của các công ty gắn với năng lực kinh tế, lợi thế địa lý của khu vực. Bên cạnh đó, nhà băng đưa ra hệ sinh thái giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp đối với từng lộ trình phát triển.
Các chính sách ưu đãi được áp dụng nhiều nhất cho các khách hàng là các ưu đãi đặc thù được thiết kế riêng cho ngành về giá, phí, lãi suất và đặc biệt là công cụ quản lý dòng tiền thông minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý các khoản phải thu, phải trả một cách khoa học, từ đó tối ưu hóa dòng tiền và chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Hiện, VietinBank có nhiều gói ưu đãi nổi bật cho doanh nghiệp như “Gói Thuê bao Bảo lãnh” từ 20 triệu đồng, cho phép phát hành bảo lãnh không giới hạn trong hạn mức của “Gói Thuê bao Bảo lãnh”; combo ưu đãi tới 100% phí chuyển tiền ngoại tệ, giảm đến 150 điểm tỷ giá cùng các ưu đãi khác…
Ngoài giải pháp tài chính, VietinBank cung cấp nhóm giải pháp tư vấn doanh nghiệp như hỗ trợ về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững, từ tư vấn chiến lược ESG, công cụ tài chính và kỹ thuật, quy định pháp lý đến báo cáo tuân thủ. Đơn vị cũng phát triển giải pháp tư vấn triển khai dự án, tư vấn pháp lý theo từng giai đoạn; cung cấp công cụ hỗ trợ điều hành, quản lý tài chính cho khách hàng và hệ sinh thái, từ dịch vụ vận chuyển, lưu trữ đến quản lý chuỗi cung ứng…
Với nhu cầu tiếp cận các giải pháp này, gần 300 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp đã tham gia sự kiện của VietinBank. Đây là một trong các hoạt động của đơn vị nhằm tạo ra diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
“Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần khách hàng, mà còn là những đối tác quan trọng. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các đơn vị vượt qua mọi khó khăn, hướng tới một tương lai thịnh vượng”, đại diện ngân hàng chia sẻ tại sự kiện.
Thông qua chuỗi sự kiện, VietinBank kỳ vọng các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi các thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu. Nhà băng hướng tới mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, vươn tới thị trường ngoài nước.
Hải Phòng đẩy mạnh hợp tác phát triển dịch vụ cảng biển và logistics với Thuỵ Điển
Thực hiện chương trình công tác hội nhập quốc tế năm 2024, đoàn công tác của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, do ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại Thụy Điển và Phần Lan từ ngày 4-9/9.
Tham gia đoàn công tác cùng một số lãnh đạo sở là đại diện của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị cổ đông của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT).
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Stockholm, trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 6/9, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Cảng Gothenburg (Thuỵ Điển) – cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics.
Theo MoU này, hai bên thoả thuận phối hợp phát triển, mở rộng hoạt động logistics giữa hai bên; xúc tiến xuất nhập khẩu, hợp tác trong việc trao đổi và giới thiệu khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics dựa trên các mối quan hệ có sẵn giữa hai bên; chia sẻ ý tưởng và các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới một hệ thống logistics bền vững hơn; và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong lĩnh vực số hóa về logistics.
Cảng Gothenburg đón hơn 11.000 lượt tàu cập cảng mỗi năm từ hơn 140 điểm đến trên toàn thế giới. Đây là cảng duy nhất của Thụy Điển có khả năng tiếp nhận những tàu vận tải container cỡ lớn nhất. Trong khi đó, Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam, với sản lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 200 triệu tấn/năm và dự kiến đạt 300 triệu tấn vào năm 2025. Cảng Lạch Huyện của Hải Phòng là một trong 20 cảng nước sâu trên thế giới, kết nối trực tiếp tới châu Mỹ, châu Âu, mà không phải trung chuyển qua cảng của nước thứ ba, giảm tối đa thời gian và chi phí logistics, có khả năng đón tàu trọng tải cỡ lớn, lên tới 160.000 tấn.
Hiện nay, nhà đầu tư Thụy Điển có 3 dự án đầu tư trong khu công nghiệp tại Hải Phòng, với tổng số vốn là 48,37 triệu USD, trong lĩnh vực sản xuất pin, phần cứng, may mặc.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký MoU với Cảng Gothenburg về hợp tác xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hợp tác trong phát triển các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics.
Trước đó, tại buổi làm việc với Cảng Gothenburg, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã giới thiệu hệ thống 16 cảng của tổng công ty trải dài khắp đất nước, trong đó có 2 cụm cảng nước sâu có các tuyến dịch vụ hàng hải trực tiếp từ Hải Phòng và Cái Mép đi châu Mỹ và châu Âu. Đây là cơ hội rất lớn để các hãng tàu có thể triển khai các tuyến dịch vụ trực tiếp đến cảng Gothenburg, Thuỵ Điển, trong tương lai gần.
Chương trình công tác tại Thụy Điển là cơ hội giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, thành tựu phát triển của thành phố Hải Phòng; thúc đẩy hợp tác, giao lưu, kết nối giao thương, học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận những thành tựu công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển của 3 trụ cột chủ yếu của thành phố; tận dụng các cơ hội, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nói riêng.
Doanh nghiệp liên kết làm dịch vụ logistics trọn gói
Thay vì phải liên hệ nhiều đầu mối cung ứng để đặt dịch vụ logistics, thị trường xuất hiện các giải pháp ‘tất cả trong một’ để doanh nghiệp chọn.
Hoạt động như nhà cung cấp 4PL (Fourth-Party Logistics) kỹ thuật số, tức có khả năng quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng, Vela được phát triển từ 2022 và chào sân đầu tháng này. Họ chủ yếu nhắm đến khách hàng vừa và nhỏ (SME).
Trung tuần tháng 8, nền tảng bán sỉ của Alibaba cũng tung ra dịch vụ logistics trực tuyến toàn diện cho nhà bán hàng Việt Nam. Doanh nghiệp có thể thao tác mọi thứ online với giải pháp này, từ đặt hàng, xem chi phí đến theo dõi tiến độ.
Theo báo cáo Nâng cao Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam 2023″ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, khối nội chiếm 89%. Nhưng nhóm này đa phần quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên chỉ chiếm 30% thị phần, chủ yếu là vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, thủ tục hải quan, giám định hàng hóa. Họ hoạt động đơn lẻ, phục vụ phân khúc nhất định mà ít kết nối.
Hiện trạng này khiến cung – cầu hạn chế, thiếu liên kết. Thị trường còn ít các dịch vụ trọn gói, tức quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần.
Bà Vianne Wang, Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu nền tảng bán sỉ Alibaba, chỉ ra các SME cần các giải pháp logistics toàn diện online để tăng cạnh tranh, đảm bảo giao hàng đúng hẹn và phản ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường.
Việc xuất hiện của các nền tảng dịch vụ logistics “tất cả trong một”, theo ông Bryan Tuyền, Giám đốc điều hành Vela, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận hành, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng này đã thu hút hơn 100 đối tác tham gia, với nhiều thế mạnh từ thủ tục hải quan, kho vận đến vận tải nội địa, tạo thành nền tảng tất cả trong một (one-stop logistics platform).
Ngoài ra, xu hướng này cũng giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu dễ dàng chuyển đổi số trong vận hành chuỗi cung ứng. Ví dụ, nền tảng bán sỉ Alibaba nói họ dùng AI hỗ trợ các giao dịch và vận chuyển thông minh, thông qua tự động đề xuất các tuyến vận chuyển tối ưu. Dù vậy, các nền tảng dịch vụ logistics trực tuyến toàn diện sẽ phải vượt qua được rào cản niềm tin, chứng minh khả năng bảo mật cho các đối tác tham gia lẫn khách hàng.
Giữ vững hoạt động cung ứng năng lượng sau bão Yagi
Vừa qua, siêu bão Yagi được dự báo mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc Việt Nam với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế. Trong đó, hoạt động chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề không chỉ nguồn cung trong nước mà còn tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng quốc tế của Việt Nam.
The Washington Post dẫn nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng cơn bão và tình trạng ngập lụt có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế của Việt Nam. CSIS cho biết 95% doanh nghiệp ở Hải Phòng đã hoạt động trở lại tính đến ngày 10/9, nhưng “nỗ lực sửa chữa có thể sẽ làm giảm sản lượng trong những tuần và tháng tới.” Báo The Star của Malaysia dẫn phỏng vấn của hãng tin AFP (Pháp) cho biết hơn 250.000ha cây trồng, bao gồm lúa, rau và cây ăn quả, đã bị phá hủy ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Theo The Star, thống kê sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết tổng cộng 1,5 triệu con gà, vịt và 2.500 con lợn, trâu và bò đã bị chết trong trận lũ lịch sử này. Chi phí thực phẩm tăng vọt do rau xanh và gia súc bị hủy hoại, giao thông bị tắc nghẽn bởi lũ lụt, làm ảnh hưởng tới nguồn cung.
Sự gián đoạn do bão và lũ lụt có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Việt Nam là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty đa quốc gia, để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, châu u và các nước phát triển khác.
Còn đối với nguồn cung trong nước, đặc biệt là cung ứng năng lượng, vào chiều 9/9, đoàn tàu mang theo 16 bồn ISO tank chứa LNG đã hoàn thành hành trình 1.700km trên tuyết đường sắt từ Nam ra Bắc, về tới ga Đông Anh (Hà Nội) an toàn, đúng tiến độ. Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, đơn vị đã thực hiện lễ đón chuyến tàu tại ga Đông Anh, Hà Nội vào sáng 10/9. Tại đây, LNG được chuyển sang các xe bồn chuyên dụng để phục vụ các hộ tiêu thụ công nghiệp tại miền Bắc.
Sự khởi đầu thành công của hoạt động vận chuyển LNG từ Nam ra Bắc đánh dấu một chương mới cho ngành năng lượng cũng như ngành vận tải đường sắt tại Việt Nam. Hoạt động này đã nâng cấp chuỗi cung ứng LNG của PV GAS nói riêng và hoàn thiện bản đồ năng lượng quốc gia nói chung. Đây là nền tảng quan trọng để PV GAS tiếp tục phát triển các dịch vụ và gói giải pháp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường.
Thực hiện trách nhiệm của đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp khí thuộc Petrovietnam, PV GAS đang tổng lực triển khai nhiệm vụ khẩn thiết tại miền Bắc, đảm bảo ổn định nguồn cung sản phẩm khí phục vụ công nghiệp và dân dụng, góp phần khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Song song đó hoàn thiện bản đồ cung ứng năng lượng sạch trên toàn quốc bằng việc vận chuyển thành công LNG từ Nam ra Bắc bằng đường sắt.
Trong những ngày sau bão Yagi, với nỗ lực khắc phục hậu quả của thiên tai – tái khởi động hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng dân dụng, PV GAS duy trì hoạt động cung cấp các sản phẩm khí ổn định tại khu vực phía Bắc. Cụ thể, từ ngày 9/9, PV GAS tiếp tục vận hành an toàn hệ thống khí Hàm Rồng-Thái Bình để cung cấp khí thấp áp và CNG với sản lượng khoảng 150.000 – 200.000 m3 khí/ngày. Cung cấp LPG từ hệ thống kho nổi – kho cảng tại Thái Bình và Hải Phòng với sản lượng khoảng 2.000 – 3.000 tấn/ngày. Trong những ngày tới, khi hoạt động sản xuất và nhu cầu dân dụng phục hồi, PV GAS đảm bảo nguồn cung ổn định, cạnh tranh từ nguồn khí nội địa và nguồn nhập khẩu.
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Theo kế hoạch từ UBND TP.HCM, đến năm 2030, logistics sẽ đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế địa phương và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng logistics và cảng biển, đồng thời tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong khu vực Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ ưu tiên thực hiện các dự án sử dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo. Định hướng đến năm 2045, thành phố đặt kỳ vọng rằng logistics sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế. Khi đó, TP.HCM mong muốn trở thành trung tâm logistics tầm cỡ châu Á và thế giới.
Hiện tại, TP.HCM dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI), theo báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) cuối năm ngoái. Thành phố có khoảng 9.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 36,7% tổng số doanh nghiệp trong ngành trên toàn quốc.
Về hạ tầng, TP.HCM sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với tần suất cất cánh và hạ cánh cao nhất cả nước, đạt khoảng 260.000 lượt chuyến bay và 42 triệu hành khách trong năm 2023, vượt quá công suất thiết kế. Ngoài ra, Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam, đạt công suất 6,4 triệu TEU mỗi năm, chiếm 85% sản lượng hàng hóa qua các cảng khu vực phía Nam và 50% của cả nước. Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ, với khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn đến 250.000 DWT (24.000 TEU) và tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5,5 tỷ USD.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng doanh thu dịch vụ logistics trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 289.400 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hàng hóa tăng 12,3%, dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tăng gần 54%.
Trong năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh đầu tư công và phát triển các dịch vụ tiêu dùng trong nửa cuối năm.
Hơn 3100 phương tiện thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn trong 3 ngày mưa bão
Từ ngày 8/9-9/9, bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều khu vực trên toàn quốc, mực nước sông Kỳ Cùng dâng cao, lượng hàng xuất nhập khẩu đến Lạng Sơn tăng nên xuất hiện việc các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vào cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) phải xếp hàng dài trên tuyến đường quốc lộ 1A.
Trước tình trạng này, tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo kể từ 9h ngày 10/9, tất cả các phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện điều tiết vào Khu phi thuế quan (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) để dừng đỗ cho đến khi có thông báo mới. Lạng Sơn sẽ không thu phí đối với các phương tiện dừng đỗ tại đây.
Thiếu tá Dương Thanh Tiệp, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh cho biết tỉnh và các đơn vị đã bố trí hơn 20 cán bộ chiến sỹ ở khu phi thuế quan bao gồm quân số tăng cường của Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh và của Đồn Biên phòng Tân Thanh. Tại đó, việc thông quan cho các phương tiện sẽ hướng dẫn đăng ký, điều tiết khoa học vào trong bãi để giảm thiểu ùn tắc ở ngoài quốc lộ 1A nhằm xuất sang cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Để tránh gián đoạn hoạt động thông quan, lực lượng hải quan Lạng Sơn cũng bố trí cán bộ công chức trực 24/24h, đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thời điểm mưa gió. Vì vậy những ngày qua, thông quan hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu đều được đảm bảo ổn định. Theo thống kê, trong 3 ngày, 7-9/9 đã có hơn 3.100 phương tiện được thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Ảnh hưởng siêu bão Yagi: Hoạt động logistics và giao nhận bị trì hoãn
Vừa qua, siêu bão Yagi được dự báo mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc Việt Nam với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và vận tải. Các doanh nghiệp xây dựng lớn tại miền Bắc như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – VCG), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) cũng bị tác động mạnh khi bão làm hư hỏng thiết bị và cơ sở hạ tầng tại các công trường xây dựng. Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và đình trệ các dự án, khiến các nhà thầu phải tạm dừng thi công, làm tăng chi phí do kéo dài tiến độ.
Các doanh nghiệp dịch vụ hàng không như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Vietnam Airlines (HVN) cũng phải đối mặt với ảnh hưởng đáng kể từ siêu bão Yagi. Để đảm bảo an toàn, nhiều chuyến bay đã bị tạm dừng khai thác tại các sân bay lớn như Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lịch trình của hàng triệu hành khách mà còn có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không và làm tăng chi phí cho công tác phòng chống bão và phục hồi sau bão.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và logistics như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – MVN), CTCP Xếp dỡ và Vận tải Hải An (HAH) cũng bị gián đoạn hoạt động do các cảng biển tại khu vực phía Bắc bị đóng cửa. Sự ngưng trệ trong vận chuyển hàng hóa làm ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng và giao thương quốc tế, Sự ngưng trệ của các cảng biển và sân bay do siêu bão YAGI có thể gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng trong hoạt động giao nhận hàng hóa. Các doanh nghiệp vận tải cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những thay đổi bất ngờ trong lịch trình vận chuyển, bao gồm: trì hoãn giao hàng do không thể xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng và gián đoạn vận tải hàng không do việc đóng cửa các sân bay như Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, và Vân Đồn.
Alibaba ra mắt dịch vụ logistics trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Dịch vụ logistics trực tuyến toàn diện giúp nhà bán hàng Việt tối ưu quy trình thương mại quốc tế, rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí.
Alibaba – nền tảng hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu dành cho doanh nghiệp (B2B) vừa công bố hợp tác hai công ty giao hàng nhanh quốc tế UPS và DHL. Các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics toàn diện tại Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đơn vị còn cùng ví điện tử ZaloPay, Momo ra mắt các giải pháp thanh toán cước phí vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Ngoài các hỗ trợ trên, công ty bổ sung thêm một số tính năng khác. Cụ thể, doanh nghiệp đối tác sẽ nhận báo giá chi tiết từ đầu cho mọi dịch vụ, gồm hàng hóa, logistics và thuế hải quan. Với quy mô lớn và quan hệ đối tác rộng khắp, công ty đảm bảo cước phí vận chuyển cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể tổng chi phí đơn hàng.
Alibaba số hóa quy trình xử lý các gói hàng gửi đến những quốc gia khác trong khu vực. Công nghệ AI được ứng dụng nhằm hỗ trợ triển khai các giao dịch, kiểm soát quá trình vận chuyển, cung cấp báo giá cho các dịch vụ logistics và hỗ trợ đặt hàng trực tuyến 24/7.
Hệ thống thông minh tự động đề xuất các tuyến đường vận chuyển tối ưu. Người bán và người mua có thể theo dõi trực tuyến, nắm rõ hành trình đơn hàng. Đồng thời, Alibaba áp dụng thêm bảo hiểm hàng hóa, đảm bảo giao hàng đúng hẹn với kiện hàng nguyên vẹn. Trong trường hợp xử ra sự cố, quy trình bồi thường triển khai nhanh chóng, chuyên nghiệp, đảm bảo sự hài lòng của người mua và đối tác doanh nghiệp.
Qua đó, các nhà bán hàng có thể kết nối với nhà cung cấp dịch vụ logistics trong khoảng 20 giây. Quy trình tư vấn, lựa chọn dịch vụ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, loại bỏ những rào cản giao tiếp trực tiếp.
Bà Vianne Wang, Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu của Alibaba cho biết thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại và các giải pháp toàn diện, đơn vị đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam. Họ được hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo giao hàng đúng hẹn và phản ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường.
Với việc tích hợp các dịch vụ logistics trực tuyến mới, đơn vị đã thiết lập vòng dịch vụ toàn diện, hỗ trợ các giao dịch trực tuyến của các nhà bán hàng Việt Nam diễn ra mượt mà, nhanh chóng hơn.
Ông Roger Lou, Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Alibaba nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Nam Á và Đông Nam Á về kinh doanh quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tại đây hưởng lợi từ bộ dịch vụ giao dịch trực tuyến hoàn chỉnh của đơn vị. Ông dự đoán sắp tới sẽ ngày càng có nhiều nhà bán hàng Việt phát triển mạnh mẽ thông qua các giải pháp công nghệ do họ cung cấp.
TIN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
5 xu hướng định hình lĩnh vực logistics cho ngành bán lẻ và thương mại điện tử tại Châu Đại Dương
Với dân số nhỏ nằm rải rác giữa các vùng lãnh thổ rộng lớn, lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng của các thị trường Châu Đại Dương đã được định hình bởi những đặc thù trong phân phối hàng hóa quy mô rộng và đến nay vẫn phải đối mặt với những thách thức về logistics và chuỗi cung ứng khi vận chuyển hàng hóa qua những khoảng cách xa xôi.
Sau đây là năm xu hướng định hình lĩnh vực logistics cho ngành bán lẻ và thương mại điện tử tại Châu Đại Dương:
(1) Doanh thu thương mại điện tử gia tăng và nhu cầu đổi mới giao hàng chặng cuối:
Doanh thu thương mại điện tử ở Châu Đại Dương dự kiến sẽ đạt 42,70 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024, tăng lên 67,10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2029.
Khu vực này vẫn còn nhiều dư địa để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới về giá trị trực tuyến và tần suất mua hàng trực tuyến. Ví dụ, ở Hàn Quốc, ít nhất một nửa số người mua sắm trực tuyến thực hiện mua hàng hàng tuần, so với 25% ở Úc. Nhưng những thói quen hình thành trong đại dịch COVID-19 đã định hình phong cách mua hàng mới ở cộng đồng người tiêu dùng trên thế giới.
Tuy nhiên, áp lực về chi phí, do lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng và các yếu tố khác, đã tác động đáng kể đến tăng trưởng. Quy mô từng giỏ hàng trực tuyến đã giảm ở Úc vào năm 2023 khi người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và đặc biệt là thế hệ trẻ cẩn thận hơn với tiền của mình. Và mức tăng trưởng chi tiêu bán lẻ theo năm của quốc gia này đã giảm xuống còn 2% vào năm 2023, thấp hơn mức trung bình trước COVID-19.
(2) Sự khác biệt giữa các thế hệ trong lựa chọn mua hàng và dịch vụ giao nhận
Mặc dù có thu nhập trung bình đầu người cao trên thế giới nhưng số tiền chi tiêu trực tuyến và chi tiêu cho những gì khác nhau đáng kể giữa các nhóm tuổi tại Úc và New Zealand. Các mặt hàng thời trang chiếm ưu thế trong giỏ hàng mua sắm trực tuyến của Thế hệ Z, trong khi các mặt hàng gia dụng và làm vườn chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với các thế hệ cũ. Một sự phân hóa khác giữa các nhóm tuổi là khả năng trả lại các mặt hàng đã mua trực tuyến của những người trẻ tuổi cao hơn. Đặc biệt, người tiêu dùng gen Z có xu hướng lựa chọn các dịch vụ giao hàng tận nơi (tận nhà, công sở) và các ưu đãi đổi trả hơn so với thế hệ trước là những người thích lựa chọn kỹ lưỡng mặt hàng họ sẽ mua.
Sự phân chia nhân khẩu học mới này đang định hình cả chiến lược bán lẻ đầu cuối và quy trình logistics cuối cùng. Để thu hút những người mua trẻ tuổi, các thương hiệu thời trang như Princess Polly đang xây dựng mô hình kinh doanh của họ trong hệ sinh thái thương mại điện tử và mô hình “mua ngay trả sau”.
Để phục vụ những khách hàng lớn tuổi, đa kênh, các nhà bán lẻ lớn như Target Australia vẫn phụ thuộc nhiều vào các trung tâm phân phối khu vực để bổ sung hàng hóa khi cần thiết. Tối ưu hóa quy trình hoàn thiện đơn hàng và quản lý hàng tồn kho trên các kênh phân phối này là một thách thức logistics lớn và mạng lưới kho bãi và cần được điều chỉnh theo hướng cho phép định vị hàng tồn kho hiệu quả hơn và gần với người tiêu dùng cuối.
(3) Quản lý hàng tồn kho theo phương pháp J.I.T
Các nhà bán lẻ buộc phải chuyển đổi mô hình hàng tồn kho của mình sang phương pháp tiếp cận J.I.T để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng chi phí thấp. Mô hình này sẽ trở nên phổ biến hơn khi nhiều nhà bán lẻ tìm cách giảm chi phí trong môi trường lạm phát bào mòn sức mua của người tiêu dùng.
Do vòng đời sản phẩm có xu hướng ngắn hơn, các nhà bán lẻ không muốn bị thiệt hại khi hàng tồn kho trở nên lỗi thời cũng như không muốn trả thêm chi phí kho bãi và lưu trữ. Mức tồn kho tinh gọn này phụ thuộc vào việc bổ sung hàng kịp thời trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Để tinh giản chi phí và linh hoạt trong việc đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường, các nhà bán lẻ tại Úc và New Zealand có xu hướng tìm kiếm sự đổi mới từ các nhà cung cấp và chuỗi cung ứng của họ để tăng độ chính xác trong hoạt động.
Việc cân bằng nhu cầu về kho dự trữ và tránh tình trạng kệ hàng trống trong khi vẫn kiểm soát được chi phí đã trở thành vấn đề của toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn quan trị chuỗi cung ứng gần đây đã giới thiệu các giải pháp cho vấn đề này theo nhiều cách như cung cấp kho bãi có khả năng mở rộng sức chứa (tăng số pallet) hoặc tùy chỉnh, logistics tích hợp và khả năng hiển thị chuỗi cung ứng đầu cuối tốt hơn.
(4) Phân phối, giao nhận nhóm hàng “Đồ gia dụng” và dịch vụ lắp đặt kèm theo
Sự trỗi dậy của thời trang nhanh theo xu hướng mới nhất được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng tinh gọn, toàn cầu hóa, và các nhà cung ứng liên tục đưa ra các sản phẩm mới. Hiện nay, mô hình này đang mở rộng sang các lĩnh vực tiêu dùng khác như đồ gia dụng và đồ nội thất.
Sự tăng trưởng đáng kể trong “các thương hiệu phong cách sống”, được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội, làm việc tại nhà nhiều hơn và các yếu tố khác, đưa thời trang vào phong cách gia đình. Một số thương hiệu quần áo như H&M và Zara đã mở rộng sang đồ gia dụng và các công ty truyền thống khác đang chịu áp lực phải cung cấp các mặt hàng đồ gia dụng giá rẻ, hợp thời trang cho những người tiêu dùng có ý thức về chi phí nhưng theo kịp thời trang. Thường thì điều này liên quan đến các chiến thuật tương tự như những công ty thời trang nhanh – tìm nguồn cung ứng các mặt hàng dùng một lần, ít cam kết thông qua các nhà cung cấp linh hoạt ở nước ngoài. Phong trào “đồ gia dụng nhanh” này gây thêm áp lực lên tính linh hoạt của chuỗi cung ứng.
So với quần áo, những mặt hàng cồng kềnh này phức tạp và tốn kém hơn khi vận chuyển qua các mạng lưới logistics, đồng thời cũng yêu cầu dịch vụ phụ trợ là lắp đặt, bảo dưỡng…. Nhưng kỳ vọng về tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và doanh thu hàng tồn kho vẫn không hề dễ dàng và đòi hỏi những giải pháp mới như giải pháp hoàn thiện đơn hàng nhỏ– đưa hàng tồn kho đến các cơ sở logistics nhỏ, thường gần người tiêu dùng hơn nhiều.
(5) Áp dụng công nghệ trên toàn bộ chuỗi cung ứng
Đầu tư vào công nghệ được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty logistics tại Châu Đại Dương khi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ ngày càng ưu tiên khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc của hàng hóa dọc suốt chuỗi cung ứng. Họ đặt mục tiêu theo dõi chặt chẽ các sản phẩm để quản lý chi phí, giảm thiểu rủi ro và cung cấp cho khách hàng sự minh bạch về đơn hàng.
Bổ sung công nghệ thông minh vào mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng là trọng tâm trong chiến lược mới tại Australia và New Zealand. Sử dụng hệ thống cổng tự động và kho lưu trữ cao để tăng cường hiệu quả kho, chuỗi cung ứng được kết nối sẽ giúp nâng cao khả năng hiển thị nâng cao và quản lý hàng tồn kho năng động.
Việc áp dụng AI và máy học sẽ rất quan trọng để giúp các nhà bán lẻ điều hướng và quản lý các dịch vụ trực tuyến của họ. Công nghệ sẽ ngày càng trở thành một yếu tố khác biệt về dịch vụ đối với các công ty logistics đối với khả năng phục hồi và hiển thị chuỗi cung ứng.
Tóm lại, mặc dù có nhiều tiến triển tốt, nhưng nhà quản trị chuỗi cung ứng tại Úc và New Zealand sẽ vẫn còn nhiều điều phải làm khi châu lục này phải khắc phục các hạn chế như khoảng cách xa, dân số phân tán, chi phí hạ tầng tốn kém…để tận dụng các cơ hội từ lĩnh vực logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trung Quốc ra mắt tàu chở hàng nội địa tiết kiệm năng lượng
Ngày 22/8 vừa qua, hai chiếc tàu chở hàng nội địa thế hệ mới tiết kiệm năng lượng cao của Trung Quốc được hạ thủy tại Công ty đóng tàu Sơn Đông Xinneng. Một chiếc dài 295 feet (90 m) và được nạp nhiên liệu LNG để vận chuyển container. Tàu thứ hai dài 222 feet (67,6 m), sử dụng động cơ điện hybrid để vận chuyển hàng hóa tổng hợp. Điểm mới của hai chiếc tàu này là có thể tăng sức chứa container từ 70 lên 161 thùng.
Trong số các công nghệ được ứng dụng, có các bộ nguồn điện nội địa cũng như hệ thống năng lượng hybrid khí – điện. Thân tàu có điện trở thấp. Dự đoán các con tàu sẽ có điện trở thấp hơn khoảng 6%, giúp tiết kiệm năng lượng ít nhất 3%. Trọng tải của tàu thấp hơn 5% so với tàu cũ. Đặc biệt, thông qua việc sử dụng LNG và pin, lượng khí thải sẽ giảm tới 90%, lượng khí thải carbon giảm 15%.
Theo như ước tính, hiện có hơn 10.000 tàu hoạt động trên các con sông nội địa ở Trung Quốc. Hầu hết các tàu đã trên 10 đến 15 năm tuổi và thiếu thiết kế tiêu chuẩn. Các con tàu này cũng có lượng khí thải cao hơn và sử dụng nhiên liệu tốn kém. Vì vậy, việc đưa những con tàu này vào sử dụng sẽ trở thành một loại trí tuệ năng lượng mới lớn nhất vận chuyển trên cảng Bắc Kinh – Hàng Châu.
Trong khi đó, với tàu mới, một tính năng quan trọng là thiết kế đã được tiêu chuẩn hóa để dễ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất, đồng thời giúp tàu hoạt động hiệu quả hơn. Xinneng báo cáo rằng họ có 4 thiết kế được tiêu chuẩn hóa. Ngoài tàu container chạy bằng nhiên liệu LNG dài 90 mét và tàu đa năng nhỏ hơn, họ đang đề xuất một tàu đa năng chạy bằng pin dài 67,6 mét và một tàu chạy bằng nhiên liệu LNG dài 57,8 mét (189 foot). Với tính năng này, Công ty đóng tàu Xinneng dự đoán mỗi năm họ có thể đóng 400 tàu, mỗi chiếc có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn để vận chuyển nội địa.
Giá cước vận tải đường biển từ Châu Á sụt giảm
Giá cước vận tải đường biển toàn cầu từ Châu Á đã giảm nhẹ vào đầu tháng 9 khi mùa vận chuyển cao điểm sắp kết thúc. Mặc dù giá cước đến Bắc Âu vẫn cao đáng kể so với mức trước đại dịch, nhưng đã giảm 10% so với mức đỉnh điểm vào tháng 7. Một xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở Địa Trung Hải, nơi giá cước đã giảm 19%.
Trong hoạt động thương mại xuyên Thái Bình Dương, cuộc đình công tiềm tàng của công nhân cảng tại Bờ Đông Hoa Kỳ đang gây ra sự bất ổn và có thể ảnh hưởng đến mức giá giảm nhẹ trong khu vực. Tuy nhiên, giá vẫn gần với mức đỉnh điểm vào tháng 7. Trong khi đó, Bờ Tây đang chứng kiến giá cước tăng trở lại, có khả năng là do hàng hóa bị chuyển hướng do cuộc đình công sắp xảy ra.
Cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là từ các hãng vận tải nhỏ hơn đưa ra mức giảm giá, cũng đang gây áp lực giảm giá đối với giá cước xuyên Thái Bình Dương. Nếu các hãng vận tải lớn làm theo, có thể dự kiến sẽ có thêm nhiều đợt giảm nữa.
Mặc dù có những xu hướng này, nhu cầu vẫn mạnh, đặc biệt là ở Bờ Tây. Một số hãng vận tải thậm chí còn lên lịch thêm các chuyến đi để chuẩn bị cho sự dịch chuyển khỏi Bờ Đông. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn do lũ lụt gần đây ở Ấn Độ đang gây ra tình trạng tồn đọng tại Cảng Mundra, làm nổi bật những điểm yếu liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Đông Á vẫn là mối quan tâm đặc biệt trong việc thay đổi trong quy trình cấp giấy phép cho phương tiện vận tải vào cảng, mặc dù việc phân phối container trung chuyển được cải thiện đang giúp quản lý thời gian chờ đợi.
Nhìn chung, việc giá cước vận tải đường biển giảm nhẹ báo hiệu sự thay đổi tiềm ẩn trên thị trường khi nhu cầu vào mùa cao điểm giảm xuống. Tuy nhiên, những thách thức đang diễn ra như tắc nghẽn cảng, tranh chấp lao động và bất ổn địa chính trị vẫn tiếp tục tác động đến bối cảnh vận tải toàn cầu.
HMM chuyển sang tàu container cũ theo chân MSC và CMA CGM
HMM đang đàm phán mua tàu container cũ để mở rộng đội tàu và giảm chi phí thuê tàu, do giá thuê tàu hiện tại vẫn cao. Theo đó, HMM theo bước hai hãng tàu lớn MSC và CMA CGM trong việc đầu tư vào các tàu feeder đã qua sử dụng.
Người phát ngôn của HMM cho biết công ty đang xem xét mua ba tàu feeder đóng năm 2005, gồm tàu AS Paola 2.500 TEU của MPC Container Ships và hai tàu Wanda Bhum và Xutra Bhum 2.400 TEU của Regional Container Lines. Ông nhấn mạnh, “HMM đang tìm kiếm cơ hội mở rộng và đa dạng hóa đội tàu của mình. Việc xem xét tàu container đã qua sử dụng là một phần trong chiến lược này. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể vẫn đang được xem xét và chưa thể xác nhận vào thời điểm này.”
Theo báo cáo của VesselsValue, HMM có thể đã mua những tàu này với giá khoảng 20 triệu USD mỗi chiếc. Mặc dù giá cước vận chuyển đường dài đã điều chỉnh, giá thuê tàu container vẫn giữ nguyên. Hiện tại, sự chú ý đang chuyển hướng sang các tàu nhỏ hơn vì tàu lớn hơn gần như đã được mua hết.
Gần đây, Maersk đã thuê một tàu 2.500 TEU đóng năm 2004, Julius-S, với giá 24.000 USD/ngày cho hai năm. Nhà phân tích Tan Hua Joo của Linerlytica cho biết HMM có thể đang mua các tàu này cho các dịch vụ nội Á, vì tàu cỡ nhỏ thường dễ tiếp cận hơn và chi phí thấp hơn trong bối cảnh giá thuê cao.
Ông Tan nhận xét: “Các hãng tàu thường dựa vào thuê tàu cho kích thước này vì chúng sẵn có hơn so với tàu lớn. Tuy nhiên, với mức giá thuê tàu cao, nhiều hãng vận tải, bao gồm HMM, đang lựa chọn mua tàu cũ vì có thể rẻ hơn. Các tàu mà HMM đang mua đều đã 19 năm tuổi, nên giá tương đối thấp và rủi ro giảm giá cũng được giảm thiểu.”
Maersk: Nhu cầu vận chuyển container vẫn mạnh trong Quý 4/2024
Maersk dự báo nhu cầu container toàn cầu vẫn mạnh trong quý 4, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, bất chấp những gián đoạn ở Biển Đỏ và khả năng đình công ở cảng Bờ Đông Hoa Kỳ.
Hãng vận tải container đường biển lớn thứ hai thế giới dự đoán nhu cầu vận chuyển container toàn cầu sẽ tiếp tục mạnh mẽ cho đến quý IV nhờ lượng nhập khẩu tăng mạnh vào Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, cũng như xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ từ Viễn Đông.
Trong một báo cáo đánh giá hàng quý và dự báo vào hôm thứ Tư, Maersk đã dự đoán sự cân bằng hơn giữa cung và cầu trên thị trường vận chuyển toàn cầu mặc dù có những gián đoạn ở Biển Đỏ và từ một cuộc đình công có thể xảy ra tại cảng Bờ Đông Hoa Kỳ.
Hãng vận tải Đan Mạch tuyên bố: “Vẫn sẽ có tình trạng tắc nghẽn nhất định về tuyến và cảng, đặc biệt là ở các khu vực có lưu lượng vận chuyển cao, nơi tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ có thể vẫn tiếp diễn”. “Các cảng như những cảng ở Bờ Đông Hoa Kỳ và các trung tâm trung chuyển chính có thể gặp phải thách thức khi họ điều chỉnh theo bối cảnh đang thay đổi”.
Maersk lưu ý rằng khối lượng container toàn cầu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2, trích dẫn nghiên cứu của FBR, được nhấn mạnh bởi mức tăng nhập khẩu lần lượt là 10,5% và 15,6% đến Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Hoạt động thương mại nội Á đã tăng tốc, tăng 9,6%.
Xuất khẩu từ khu vực Viễn Đông tăng 8,6%, trong khi lưu lượng hàng hóa xuất đi từ Hoa Kỳ và Châu u chậm hơn ở mức 2,4% và 0,4%.
Dữ liệu xuất nhập khẩu là những yếu tố dự báo chính về cách giá cước và công suất vận chuyển có thể dao động trong thời gian tới.
Ngành vận tải biển đang trải qua “lượng tàu mới được giao tăng cao” cùng với đơn đặt hàng đang giảm. Maersk, trích dẫn dữ liệu của Alphaliner, cho biết các đơn đặt hàng đóng tàu mới chiếm 9% tổng công suất đội tàu lớn thứ hai của hãng so với MSC, công ty dẫn đầu thị trường, 20%, CMA CGM đứng thứ ba, 30%, tiếp theo là Cosco, 20%, Hapag-Lloyd, 9%, Ocean Network Express, 31% và Evergreen, 40%.
Giá nhiên liệu tàu dựa trên dầu thô Brent tăng nhẹ 4,4% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm 2023, do nhiều vấn đề địa chính trị, nhu cầu tăng và cắt giảm công suất sản xuất.
HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI
Chủ tịch danh dự VALOMA làm việc với các trường tại Đà Nẵng và Huế
Ngày 27 và 28/8/2024, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) kiêm Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đã làm việc với Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) về đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Tại Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, ông Trần Thanh Hải cùng đại diện doanh nghiệp đã trao đổi với lãnh đạo và giảng viên về tình hình ngành logistics và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đã bắt đầu đào tạo ngành logistics từ năm 2020 và hợp tác với nhiều doanh nghiệp để xây dựng chương trình gắn liền với thực tiễn.
Tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), ông Trần Thanh Hải đã gặp gỡ PGS.TS. Bùi Đức Tính và các cán bộ, giảng viên. Trường đã đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng từ năm học 2019-2020, với 28 giảng viên và khoảng 1.100 sinh viên. Ông Hải nhấn mạnh nhu cầu nhân lực ngày càng cao trong ngành và cam kết hỗ trợ các trường và sinh viên.
Các đại diện doanh nghiệp mong muốn sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn kỹ năng mềm như giao tiếp và làm việc nhóm. Buổi làm việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp, hướng tới việc trở thành hội viên chính thức của VALOMA và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tại miền Trung.