Chiều ngày 17 tháng 12 năm 2022, đoàn công tác của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) do ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA, dẫn đầu đã đến làm việc tại Trường đại học Lâm nghiệp. Thành viên đoàn là hội viên VALOMA đến từ một số trường đại học có đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (Trường đại học Thương mại, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường đại học Thủ đô Hà Nội, Trường đại học Thăng Long, Trường đại học Đại Nam); Viện Quản trị logistics và chuỗi cung ứng EDINS. Ngoài ra, tham gia đoàn còn có đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng (Công ty TNHH Viladata – Sàn giao dịch vận chuyển Tadi, Công ty CP vận tải U&I Miền Bắc, Cty TNHH công nghệ & giải pháp XNK Minh Ngọc, Công ty TNHH Giải pháp XNK Minh Châu, Công ty KTO Logistics, Công ty bảo hiểm hàng không Đông Đô, Công ty Công nghệ Onelog Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn AirseaGlobal, Công ty CP Glosmate); đại diện tại Việt Nam Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP); đại diện Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam.
Đón tiếp và làm việc với đoàn VALOMA, về phía Trường đại học Lâm nghiệp có NGƯT. GS. TS. Phạm Văn Điển (Hiệu trưởng); PGS. TS. Phạm Minh Toại (Phó Hiệu trưởng); PGS. TS. Bùi Thế Đồi (Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Phân hiệu tại Gia Lai); Lãnh đạo Phân hiệu tại Đồng Nai; Lãnh đạo Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; Lãnh đạo Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh và các giảng viên của Nhà trường.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn VALOMA được nghe NGƯT. GS. TS. Phạm Văn Điển giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển, điều kiện đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, những thành tựu và thách thức của Nhà trường. GS. TS. Phạm Văn Điển đánh giá cao tầm quan trọng của buổi làm việc giữa Trường đại học Lâm nghiệp và VALOMA trong việc tư vấn, giúp Nhà trường xác định rõ nhu cầu thị trường nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng; chuẩn bị các điều kiện nguồn lực phục vụ mở ngành, đặc biệt là điều kiện về giảng viên và thiết kế chương trình đào tạo.
Cũng trong buổi làm việc, TS. Bùi Thị Minh Nguyệt (Trưởng khoa, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường đại học Lâm nghiệp) đã giới thiệu về các mốc thời gian hình thành và phát triển của Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, đội ngũ giảng viên của Khoa, nêu lên những khó khăn trong việc hoàn thiện các điều kiện phục vụ mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng và đề xuất một số hỗ trợ từ phía VALOMA.
Tiếp đến là phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ phía đoàn hội viên VALOMA. Chia sẻ từ phía các trường đại học có đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng có đại diện đến từ các trường như Trường đại học Thủ đô Hà Nội, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường đại học Thương mại, Trường Đại học Đại Nam. Nội dung các trường chia sẻ tập trung vào một số kinh nghiệm về chuẩn bị các điều kiện phục vụ mở ngành đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức kỳ thực hành tại doanh nghiệp, hợp tác trao đổi giảng viên, tạo động lực học tập cho sinh viên. Đại diện Viện Quản trị logistics và chuỗi cung ứng EDINS cũng có chia sẻ về chức năng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm mà Viện đang thực hiện.
Ngoài ý kiến từ phía các cơ sở đào tạo, đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng cũng có những chia sẻ về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, phạm vi hỗ trợ của doanh nghiệp trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành nói chung và Trường đại học Lâm nghiệp nói riêng. Đại diện các doanh nghiệp là hội viên VALOMA khẳng định Hiệp hội đã rất thành công trong việc thu hút, tập hợp nguồn lực, tài nguyên trong ngành và là chỗ dựa vững chắc của các cơ sở đào tạo. Các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong phạm vi nguồn lực cho phép.
Kết luận phần chia sẻ của các hội viên VALOMA, ông Trần Thanh Hải khẳng định VALOMA sẵn sàng kết nối, tư vấn, hỗ trợ Trường đại học Lâm nghiệp tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong công tác mở mới ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng như công tác đào tạo sau này. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng Trường đại học Lâm nghiệp sẽ trở thành hội viên tích cực của Hiệp hội trong thời gian sắp tới.
Thay mặt Trường Đại học Lâm nghiệp, GS. TS. Phạm Văn Điển đã tổng kết lại những kinh nghiệm giá trị từ phía đoàn VALOMA chia sẻ đối với Nhà trường, gửi lời cảm ơn Hiệp hội, đoàn công tác và chỉ đạo phía Nhà trường xúc tiến ngay việc hoàn tất các thủ tục gia nhập VALOMA. Hiệu trưởng Nhà trường cũng tin tưởng vào sự hỗ trợ, nâng đỡ của VALOMA trong công tác đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong thời gian sắp tới và bày tỏ mong muốn có sự trao đổi nguồn lực giảng viên giữa các trường, sự hợp tác, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp trong công tác đào tạo.
Buổi làm việc giữa đoàn hội viên của VALOMA và Trường đại học Lâm nghiệp diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ chân thành, cởi mở và kết thúc thành công tốt đẹp. Tiếp tục thực hiện vai trò kết nối và phát triển hội viên, trong thời gian tới Ban Hội viên VALOMA sẽ còn tổ chức nhiều chuyến công tác có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam vững mạnh.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch danh dự VALOMA) tặng NGƯT. GS. TS. Phạm Văn Điển (Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp) cuốn sách “Hỏi đáp về Logistics”.
TS. Bùi Thị Minh Nguyệt (Trưởng khoa, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường đại học Lâm nghiệp) giới thiệu về năng lực của Khoa và đề xuất một số hỗ trợ từ phía VALOMA nhằm tháo gỡ các khó khăn cho Nhà trường trong công tác mở mới ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Một số thành viên đoàn VALOMA trao đổi trong buổi làm việc.
Hình ảnh toàn cảnh buổi làm việc.
Đoàn VALOMA chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Trường đại học Lâm nghiệp.
Tìm hiểu về trường Đại học Lâm nghiệp: https://vnuf.edu.vn/